Doanh nghiệp trong liên danh Vietur nói trúng thầu là "thuyết phục"
Liên danh nhà thầu Vietur do Tập đoàn IC Ictas của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu đã đánh bật hai đối thủ khác (bao gồm một liên danh do doanh nghiệp Trung Quốc đứng đầu và liên danh còn lại do doanh nghiệp Việt đứng đầu), giành chiến thắng trong gói thầu hơn 35.000 tỉ đồng tại sân bay Long Thành.
Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách này là gói thầu lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.
Ngoài "sếu đầu đàn" IC Ictas, liên danh Vietur còn có sự tham gia của các nhà thầu trong nước khác như Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP đầu tư xây dựng Sol E&C, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty CP kết cấu ATAD, Công ty CP xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Nổi bật trong liên danh này là các nhà thầu nằm trong hệ sinh thái do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C.
Ngay sau khi ACV công bố kết quả trúng thầu, phía Newtecons và Ricons cho rằng việc các doanh nghiệp này trúng thầu "siêu dự án" là kết quả thuyết phục và "ngoạn mục".
Công ty CP Hawee cơ điện cho rằng doanh nghiệp này đã xuất sắc vượt qua các đối thủ cạnh tranh, trở thành nhà thầu duy nhất trong liên danh trúng thầu gói cơ điện, do đó việc trúng gói thầu này cũng góp phần công nhận năng lực thi công về cơ điện của Hawee.
Đáng chú ý, trong liên danh Vietur có ba thành viên gồm Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty CP Xây dựng số 1 và Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons cũng đã nằm trong liên danh trúng gói thầu 9.000 tỉ sân bay Tân Sơn Nhất.
Toàn cảnh dự án nhà ga T3 được thiết kế theo ý tưởng áo dài, khởi công ngày 31-8
Trong khi đó, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh khác trúng gói thầu 4.6, giá trị hơn 8.000 tỉ đồng tại sân bay Long Thành.
Các doanh nghiệp thuộc Vietur làm ăn ra sao?
Doanh nghiệp đứng đầu liên danh là IC Ictas, thuộc Tập đoàn IC Holding, được thành lập từ năm 1969. Tập đoàn này được giới thiệu có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án hạ tầng trong lĩnh vực bến cảng, sân bay… Trong đó có kinh nghiệm xây sân bay ở Nga, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn với các doanh nghiệp nội tham gia liên danh, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xây dựng sân bay là Vinaconex khi từng nằm trong liên danh trúng gói thầu dự án nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài. Doanh nghiệp này cũng vừa hoàn thành xây dựng nhà ga T2 sân bay Phú Bài ở Thừa Thiên Huế.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2023 cho thấy Vinaconex lãi ròng đạt gần 103 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế nửa đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỉ đồng doanh thu thuần, song lợi nhuận sau thuế của Vinaconex đạt 139 tỉ đồng, giảm đến 81% so với cùng kỳ.
Còn với Ricons, trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này có doanh thu thuần hơn 2.102 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 20% và lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái khác là Newtecons có doanh thu vượt mốc 11.000 tỉ đồng năm 2022 và đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 10% so với năm ngoái.
Trong khi đó, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, đã xây dựng nhiều công trình hạ tầng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần giảm 29% xuống 901 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỉ đồng so với cùng kỳ.
Còn Tổng công ty Xây dựng số 1 là doanh nghiệp chuyên xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các công trình năng lượng. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có doanh thu lũy kế 6 tháng là hơn 1.782 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 19 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 5,7 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận