Soi hình bóng cũ

BAOCHAU 06/08/2012 01:08 GMT+7

TTCT - Cơm chiều xong, cầm một cuốn sách của Sơn Nam ngồi trong nắng xế đổ dài trước thềm nhà mà đọc. Bóng nắng giỡn lung linh giữa những dòng chữ gợi hình bóng cũ. Một truyện vừa, chưa tới trăm trang, kết thúc bằng một câu hỏi lửng lơ: "Tại sao tôi chưa chịu cảm thông?" (*).

Phóng to

Đọc trở lại trang đầu, "Hồi cuối năm 1949, tôi tản cư ra chợ Rạch Giá, ăn nhờ ở đậu tại xóm Sân Banh (...) suốt ba bốn tháng trường, tôi cứ nằm nhà mà tập tành việc văn chương" (*). Người kể chuyện lấy bút hiệu Hoài Hương, làm những bài thơ "đồng quê" gửi đăng báo ở Sài Gòn, khoe tác phẩm của mình với hàng xóm, nhưng "ai nấy tỏ thái độ nghi ngờ" (*). Hoài Hương bèn gửi đăng một bài thơ nữa và lần này cố ý ghi địa chỉ ngôi nhà mình đang ở đậu ngay dưới bút danh. Hiệu quả mong đợi là "người trong xóm nể trọng ra mặt, gọi tôi là thầy Hai thi sĩ" (*). Hiệu quả bất ngờ là việc "hợp tác về mặt văn nghệ" (*) với ông bà Henri Nguyễn Văn Nhan.

Ông Henri Nhan thời Pháp thuộc đã trở thành địa chủ giàu có bằng cách dựa vào cường quyền thâu tóm đất đai và bóc lột đồng bào. Đó là câu chuyện xảy ra ở mọi nơi trên trái đất, từ xưa đến nay, cơ bản đều như nhau. Khác chăng là những tình tiết hư hư thực thực điểm tô cho câu chuyện của mỗi người màu sắc khác nhau, thông qua những người kể chuyện khác nhau. Việc "hợp tác về mặt văn nghệ" giữa ông Henri Nhan và thi sĩ Hoài Hương là dùng văn chương tạo dựng hình ảnh một kẻ giết người cướp của thành một nhân sĩ khai quốc.

Hình bóng cũ được viết năm 1963, độc giả đương thời là người sống qua những biến cố mà nhân vật trải nghiệm: trong chiến tranh thế giới (1939-1945) Pháp mất thuộc địa Đông Dương vào tay Nhật, rồi nhờ hỗ trợ của Anh và đồng minh mà chiếm lại Nam kỳ. Vào thời điểm truyện bắt đầu, Việt Nam đã tuyên bố độc lập và cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra. Tác giả không nói rõ bối cảnh chính trị đó, chỉ nói mơ hồ "thời buổi loạn lạc" nên các nhân vật trong truyện phải rời làng quê lên sống ở chợ Rạch Giá, nơi có đồn binh Pháp dưới sự chỉ huy của quan Tây Ca-rê.

Bằng tiền và gái, ông Henri Nhan đạt được chín mươi phần trăm kế hoạch: dùng tác phẩm "hợp tác văn nghệ" với thi sĩ Hoài Hương thuyết phục quan Tây Ca-rê mở cuộc hành quân về xứ Mốp Giăng, nơi có mấy ngàn mẫu đất mà ông có giấy tờ sở hữu. Mục đích của ông Henri Nhan là mượn oai binh quyền của Pháp để thị uy với đám tá điền, nhằm phục hồi địa vị và quyền lợi địa chủ trước đây. Kết cục không được mỹ mãn vì (như bà vợ trách móc sau này) "phải nhà tôi đừng ghen bóng ghen gió, có lẽ tôi giàu hơn bây giờ nhiều" (*) và (có lẽ không quan trọng) là sự phá đám của lão Tư Hiếm.

Tư Hiếm là một kẻ đã "hợp tác" với Henri Nhan buôn thần bán thánh lừa mị dân quê, đến khi tỉnh ngộ xông ra làm nhân chứng sống thì bị giết. Nhân vật này hẳn nhiên là một tấm gương cho thi sĩ Hoài Hương trong việc "hợp tác văn nghệ" với ông bà Henri Nhan. Nhưng "bóng của lão Tư Hiếm phai dần trong tâm tư" (*) của thi sĩ, cho đến ngày ông Nhan buộc tội: "Chính ông thi sĩ đã giết lão ta mà không cần gươm súng".

Ông Nhan còn kể ơn đã "ngụy biện" với quan Tây để cứu mạng Hoài Hương khiến thi sĩ mỉa mai cay đắng, đòi đúc tượng ông nhà giàu khổng lồ nâng đỡ trên vai người làm văn nghệ bé nhỏ và "Chúng ta đạp trên cái xác bằng đồng của lão Tư Hiếm đang nằm úp mặt xuống đáy biển" (*). Nhưng đó là "chuyện xưa rồi. Nói lại mà nghe vậy thôi" (*).

"Bây giờ đây", truyện nhảy cóc tới thời điểm sáng tác, thi sĩ Hoài Hương đã "lên Sài Gòn, tập nghề viết báo, thỉnh thoảng viết bài nhận định về kịch trường" (*). Vợ chồng ông Nhan cũng hiện diện ở thủ đô miền Nam lúc đó, vẫn chơi trò văn nghệ và cần sự hợp tác của thi sĩ Hoài Hương. Hẳn là tác giả coi như độc giả tự hiểu những diễn biến trong thời gian thay đổi phông màn sân khấu, nên không dẫn giải là Pháp đã bại trận Điện Biên Phủ và rút quân khỏi Đông Dương, Việt Nam bị chia rẽ, Hoa Kỳ đổ đôla và vũ khí vào miền Nam, quảng bá giấc mơ Mỹ.

Trên sân khấu nội địa, đào kép có thay đổi chút đỉnh, kịch bản được cải biên sơ sơ. Chế độ điền địa thay đổi, ông Nhan không còn là chủ đồn điền "cò bay thẳng kiếng" (*) nhưng vẫn giàu, ngồi nhà viết hồi ký, chuyển vai chánh cho vợ là bà Quỳnh Hương. Bà mua lại gánh hát Hương Sắc Sáu Lăm, chuộc cô đào trẻ đẹp Thiên Thai, mướn thi sĩ kiêm ký giả kịch trường Hoài Hương soạn tuồng để đem chào hàng với các nhà đầu tư, vay tiền.

Năm 1963 thì tôi chưa biết đọc, không biết người thời đó tiếp nhận/phản ứng quyển sách mỏng của Sơn Nam như thế nào. Người ta nói về Sơn Nam thường nhắc tới tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau và những tác phẩm khảo cứu về lịch sử địa dư phong tục miền Nam, ít nói đến truyện dài và truyện vừa. Gần 50 năm sau, tôi mới đọc Hình bóng cũ lần đầu. Quyển sách với những trang giấy ố vàng quả là quá cũ. Nhưng từng câu từng chữ như diễn tả sống động hiện thực hôm nay. Người viết đương thời chưa ai viết được tinh tế và thấm thía như vậy.

LÝ LAN

__________

(*): trích từ truyện Hình bóng cũcủa Sơn Nam, 102 trang, NXB Phù Sa SG, 1964. NXB Trẻ in lại chung với tập truyện ngắn Biển cỏ miền Tây (2003).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận