29/10/2013 08:09 GMT+7

Soi gương mà tiết kiệm

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sở thích rượu tây không có gì là xấu, nếu người uống rượu có thu nhập tương xứng và tự móc ví của mình để trả tiền, thay vì bạo tay ký phiếu chi hàng chục triệu đồng cho những bữa tiệc xài tiền nhà nước. Thu xếp cho người nhà cùng đi đến địa điểm hội thảo, hội nghị để tranh thủ du lịch, nghỉ ngơi chưa hẳn là sai, nếu khoản chi phí cho người không có tư cách đại biểu được bóc tách ra để trả cho cơ quan, đơn vị.

Nhân viên trông chừng lãnh đạo, sếp nhỏ nhìn vào sếp lớn, tiết kiệm có thể trở thành phong trào giúp ích cho nước, làm lợi cho dân, và ngược lại, sự hoang phí cũng dễ dàng lan tràn từ trên xuống dưới.

Mấy người bạn làm việc ở Văn phòng Quốc hội thường kể chuyện ông Vũ Đức Khiển - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - trong suốt thời kỳ dài làm lãnh đạo đã dự bao nhiêu cuộc hội thảo, hội nghị ở các nơi danh thắng nhưng chỉ một lần để vợ đi theo. Nhưng ngay sau cuộc hội thảo ấy, ông Khiển yêu cầu cấp dưới tính đủ chi phí cho người đi cùng, và ông lấy tiền túi trả lại cho ban tổ chức. Một giáo sư là ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ VN từng nhận xét rằng: “Chỉ cần nhìn hình ảnh ông Bảy Đảm (Huỳnh Đảm) trên tivi và ở công sở thì biết ông ấy không có nhiều quần áo. Và ông Bảy là người thường xuyên ăn cơm ở bếp ăn tập thể. Người như ông ấy bây giờ hiếm lắm”.

Đúng là những người như vậy bây giờ hiếm lắm. Bao nhiêu quan chức kết hợp cho vợ con cùng đi hội thảo, ăn nghỉ ở khách sạn nhiều sao, nhưng làm sao mà biết được các vị ấy có móc tiền túi ra để trả lại cơ quan, đơn vị của mình hay không? Hỏi một ông chủ nhà hàng đặc sản sang trọng rằng những ai thường vào đây ăn thì nhận được câu trả lời: “Phần lớn là đại gia và quan chức”. Sao ông biết họ là quan chức? Ông chủ nhà hàng trả lời: “Thì đi xe biển xanh, đòi hóa đơn, nhẵn mặt rồi mà”!

Tại diễn đàn Quốc hội cách đây nửa năm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định rằng lãng phí hiện nay thậm chí còn gây thất thoát tiền ngân sách hơn cả tham nhũng, lãng phí từ cái rất nhỏ đến cái rất lớn, khó mà đo đếm được. Ông Nghị cho biết đã từ nhiều năm nay, ông yêu cầu cấp dưới khi tổ chức hội nghị không được mua hoa cài lên ngực đại biểu và không được chi tặng phẩm. “Mỗi bông hoa vài nghìn đồng, mỗi hội nghị hàng nghìn người tham dự, tốn kém mà chẳng để làm gì” - ông nói. Trớ trêu thay, theo ông Nghị, trong xã hội bây giờ những ông sếp nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước, sống liêm khiết, chặt chẽ trong chi tiêu của cơ quan thì nhiều khi lại bị coi là hâm, bị cấp dưới ghét. Còn những ông chi tiêu phóng túng, vung tiền không biết nương tay lại được khen là thoáng, là “thương anh em”.

Chuyện bông hoa cài ngực là việc rất nhỏ và có thể nhìn thấy, nhưng có nhiều việc lớn hơn với sự phung phí “khủng” hơn thì khó có thể tìm ra. Kỷ cương có thể được thiết lập từ tấm gương của những người lãnh đạo. Và kỷ cương sẽ chắc chắn được thiết lập nếu mọi quy định về chế độ, định mức đều rõ ràng, các cơ quan nhà nước công khai mọi khoản chi tiêu để người dân giám sát và có quyền buộc quan chức có trách nhiệm giải trình về những khoản chi mập mờ.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên