02/05/2011 06:23 GMT+7

Sôi động "bán, mua" doanh nghiệp

(Nguồn: PWC)
(Nguồn: PWC)

TT - Hoạt động mua bán, sáp nhập trong những tháng đầu năm nay trở nên sôi động với những thương vụ lớn giá trị hàng trăm triệu USD. Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) kinh doanh khó khăn, thiếu vốn cũng là những nhân tố thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn trong năm nay.

E5VMsbNA.jpgPhóng to
Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn vừa bán 38% cổ phần cho một tập đoàn cùng ngành và một công ty quản lý quỹ của Nhật. Trong ảnh: đóng gói giấy tại Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn - Ảnh: T.V.N.

Trong Báo cáo khảo sát kinh doanh toàn cầu (IBR), Công ty nghiên cứu Grant Thornton nhận định có đến 20% DN tư nhân ở VN sẽ chuyển đổi chủ sở hữu trong vòng ba năm tới.

Phiếu tín nhiệm

Năm 2010 có 345 thương vụ mua bán được công bố với tổng giá trị đạt gần 1,75 tỉ USD, trong khi năm 2009 có 295 thương vụ, giá trị khoảng 1,1 tỉ USD.

Chủ một DN nhỏ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ở Cần Thơ nói trong quý này ông sẽ phải quyết định bán ít nhất 45% vốn trong công ty nếu muốn tiếp tục tồn tại và theo đuổi lĩnh vực vốn cạnh tranh hết sức gay gắt này. Bán để có thêm vốn đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ và cũng là “mở cửa” cho đối tác bên ngoài tham gia quản trị công ty.

Câu chuyện “bán - mua” nghe đơn giản nhưng ông và gia đình phải mất hai năm giằng co giữa được - mất. Giám đốc đầu tư của Công ty tư vấn B (TP.HCM) làm môi giới cho thương vụ này chia sẻ: “Trường hợp này khá điển hình cho tình hình mua bán, sáp nhập các DN nhỏ hiện nay ở VN bởi họ phải lựa chọn giữa giữ lại giá trị truyền thống và vốn cho sản xuất, phát triển.

Nhiều công ty nghiên cứu về mua bán, sáp nhập DN như PricewaterhouseCoopers (PWC) hay Grant Thornton đều dự báo hoạt động này ở VN sẽ sôi động trong năm nay. Trong quý I đã xảy ra một số thương vụ đình đám như sự kiện KKR, một tập đoàn tài chính toàn cầu có trụ sở ở Mỹ đã bỏ ra đến 159 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần trong Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan, một nhánh trong hoạt động đa ngành của Tập đoàn Masan (VN).

Giá trị của vụ mua bán DN này được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, thương vụ này đã giúp giải tỏa tâm lý e ngại của một số nhà đầu tư hiện vẫn lưỡng lự với VN.

Một thương vụ khác được giới đầu tư chú ý hồi giữa tháng 3 là việc Thiên Minh, một DN ngành du lịch của VN, bỏ ra 45 triệu USD mua lại chuỗi sáu khách sạn Victoria (Hong Kong) ở VN và Campuchia. Vụ mua bán này được đánh giá là khá táo bạo trong bối cảnh “kiếm tiền khó” hiện nay. Mới đây nhất là vụ Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn bán 38% cổ phần cho một tập đoàn cùng ngành và một công ty quản lý quỹ của Nhật Bản.

20% thay đổi chủ

"Câu chuyện vốn không chỉ là tiền nong mà quan trọng hơn là vấn đề nâng cấp việc quản trị DN theo tiêu chuẩn quốc tế. Cổ phần hóa đã giúp VN tạo nên những thương hiệu lớn và làm ăn hiệu quả như Vinamilk, nay câu chuyện đó cần phải tiếp tục"

Với nhóm hàng tiêu dùng nhanh, PWC nhận định: “Lĩnh vực này có liên hệ trực tiếp đến mức độ tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng trong nước, đặc biệt tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại VN và dân số trẻ khiến ngành này trở thành một trong những ngành tiềm năng nhất cho các hoạt động mua bán, sáp nhập DN.

Dự kiến sẽ có một vài thương vụ quy mô tương đối lớn liên quan tới các công ty hàng tiêu dùng nhanh trong năm 2011”.

Hoạt động mua bán, sáp nhập trở nên thuận lợi hơn nhờ giá trị DN VN đang rẻ hơn như lời đánh giá của giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Mekong Capital, ông Thomas Lanyi: “Việc định giá các công ty VN dễ hơn và giá trị cũng rẻ hơn so với hai năm trước”.

Hồi tháng 3, Mekong Capital công bố quỹ Mekong Enterprise Fund II Ltd (MEFII) đã đầu tư 3,4 triệu USD vào Công ty cổ phần hóa chất Á Châu. Đây là khoản đầu tư thứ 10 và cũng là khoản đầu tư cuối cùng của MEFII kể từ khi thành lập ở VN năm 2006.

Mekong Capital cho biết một quỹ đầu tư cổ phần riêng lẻ thứ ba của công ty sẽ khai trương trong năm nay. Quỹ mới này cũng sẽ tập trung đầu tư vào cổ phần có tiềm năng tăng trưởng của những công ty được quản lý tốt thuộc các ngành tiêu dùng.

Trong khi đó, Grant Thornton tiếp tục có cái nhìn lạc quan trong lĩnh vực này ở VN khi đưa ra dự báo trong vòng ba năm tới có đến 20% các công ty tư nhân sẽ chuyển đổi quyền sở hữu, gấp đôi mức bình quân toàn cầu.

Nhìn nhận thị trường không có nhiều công ty có giá trên 1 tỉ USD, ông Don Lam - tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital - cho rằng đây là thời điểm Nhà nước nên đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, DN nhà nước.

“Trong lúc Nhà nước đang cần vốn, còn các DN nhà nước khó huy động vốn từ nước ngoài, việc bán bớt phần vốn Nhà nước trong các DN là điều nên làm nhanh hơn. VinaCapital và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ cơ hội đầu tư vào những DN tiềm năng như Vinaphone, MobiFone và những DN khác trong lĩnh vực dầu khí” - ông Don nói.

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm

Nhìn nhận bức tranh mua bán, sáp nhập sáng sủa trong một số lĩnh vực như bất động sản, cơ sở hạ tầng, PWC cho rằng lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2011 là do nhu cầu về điện, đường sá, cầu cảng và cơ sở hạ tầng khác ngày càng tăng cao để đáp ứng việc tăng trưởng của đất nước.

Theo các chuyên gia, việc Chính phủ xác định lĩnh vực này cần được đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân, cùng với xu hướng bán đi các tài sản trong lĩnh vực năng lượng của các doanh nghiệp nhà nước, sẽ góp phần khuấy động các hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này.

(Nguồn: PWC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên