"Đất nước mình nhiều cảnh đẹp quá con ơi!". Ngồi trên chuyến xe lửa đang vút đi, đưa chúng tôi từ Nghệ An về Ninh Bình, cha tôi đã thốt lên với tôi như thế.
Tôi hân hoan ngắm nhìn cha tôi: một người 85 tuổi với mái tóc bạc đang nở nụ cười rạng rỡ như trẻ thơ khi ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những rặng núi mờ ảo trong sương, những dòng sông cuộn mình trong nắng sớm.
Tôi đã viết nhiều bài thơ, tác phẩm về vẻ đẹp của quê hương, và giờ đây tôi cảm thấy vẻ đẹp đó gần gũi và máu thịt hơn bởi chúng được nhìn qua đôi mắt của cha mẹ tôi - những người đã phải sống xa quê trong nhiều thập niên.
Và tôi thầm nhủ mình thật may mắn bởi vì cha mẹ tôi luôn tạo cơ hội để tôi gắn bó hơn với quê hương.
Hành trình về cội nguồn của chúng tôi có ý nghĩa thật đặc biệt sau khi tôi vừa kết thúc những chuyến đi tới nhiều nơi trên thế giới để ra mắt hai quyển tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh, The Mountains Sing và Dust Child.
Hành trình ấy bắt đầu từ TP.HCM, nơi cha mẹ tôi đã định cư gần 30 năm nay. Cha tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, còn mẹ tôi chào đời ở Nghệ An. Cuộc sống mưu sinh đã buộc họ phải rời quê nhà, lưu lạc đến tận Bạc Liêu và từ năm 1994 định cư tại TP.HCM. Dẫu ở nơi đâu, cha mẹ tôi luôn thao thức nỗi nhớ quê cha đất tổ.
Và thật xúc động khi được chứng kiến cha mẹ tôi thỏa nỗi khát khao mong nhớ quê hương khi tôi và anh tôi đưa cha mẹ trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Dẫu đã về quê với cha mẹ khá nhiều lần, nhưng chuyến đi này có ý nghĩa nhất với tôi.
Sau những năm gần đây, khi đã qua nhiều quốc gia, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, tôi thấu hiểu được sự thiêng liêng của hai chữ nguồn cội và sự ấm áp, chân tình của quê hương.
Sự ấm áp ấy bao trùm lấy tôi từ những ngày đầu tôi đặt chân về quê ngoại và quê nội, khi các anh chị em họ của tôi và cô tôi gác lại tất cả sự bộn bề công việc thường ngày của họ, dành thời gian cho chúng tôi.
Họ nhiệt tình đưa đón, vào bếp nấu cho chúng tôi những món ăn thơm phức vị quê nhà, đưa chúng tôi đi thăm những danh lam thắng cảnh để chúng tôi trực tiếp cảm nhận được sự phát triển và đổi mới của quê hương.
Tôi đã rơi nước mắt khi đi thăm mộ của tổ tiên, nghe cha mẹ, họ hàng ôn lại câu chuyện về những người đã khuất. Tôi nhận ra rằng đời người hữu hạn, nhưng những người đã khuất sẽ không mất đi nếu con cháu biết nối mạch những câu chuyện kể.
Và những câu chuyện ấy đã râm ran ngày đêm ở những ngôi nhà mà chúng tôi trú ngụ khi về đây. Nghe những câu chuyện, tôi hiểu thêm về quá khứ vất vả của cha mẹ tôi, nỗ lực vươn lên của họ và những hy sinh mà họ đã trải qua để tôi và các anh tôi được ăn học thành người.
Ở những ngôi nhà mà cha mẹ tôi đã cất tiếng khóc chào đời vào hơn 80 năm trước, tôi cảm thấy hương hồn của tổ tiên ở khắp mọi nơi. Họ vẫn đợi tôi trở về. Tôi tự nhủ cần phải trở về thường xuyên hơn, ở lâu hơn để sợi dây với cội nguồn của mình thêm bền chặt.
Những ngày gần Tết này, hơn một trăm triệu người Việt - những người trong nước và cả những người Việt xa quê như tôi - đang thu dọn những ngày cuối cùng của năm Quý Mão để đón chào năm mới Giáp Thìn 2024.
Những người may mắn sẽ được đoàn tụ với gia đình và được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Năm nay, lần đầu tiên sau đại dịch COVID, tôi sẽ được về Tết cùng gia đình ở Việt Nam.
Tôi sẽ được hòa vào dòng người từ bốn phương để trở về dải đất hình chữ S, nơi ấy, sẽ có hàng trăm ngàn các cuộc trở về từ thành phố đến miền quê. Rất nhiều những chuyến đi ấy xa xôi và vất vả, nhưng chúng giúp chúng tôi gắn bó hơn với quê hương, và với cội nguồn.
Và tôi cầu chúc cho mỗi người Việt, dù ở nơi đâu, cũng được đón năm mới Giáp Thìn 2024 hân hoan tình nghĩa quê hương, một năm mới đầy ắp hương thơm của những cuộc trở về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận