TTCT-Dịch bệnh luôn song hành với con người. Sự thay đổi về khí hậu, địa chính trị và xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều đại dịch xuất hiện, gây ra bao mất mát, đau thương cho con người. Dịch bệnh luôn song hành với con người. Sự thay đổi về khí hậu, địa chính trị và xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều đại dịch xuất hiện, gây ra bao mất mát, đau thương cho con người. Thay vì phỏng đoán khi nào đại dịch xuất hiện, con người nên có sự chuẩn bị để đón đầu.Hồi tháng 5 vừa qua, tại Genève (Thụy Sĩ), các thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành cuộc đàm phán lần thứ chín về Hiệp ước ứng phó với đại dịch nhưng không đạt được kết quả và nhất trí tiếp tục thảo luận trong thời gian tới. Hiệp ước này là sáng kiến được đề xuất năm 2021, sau khi đại dịch Covid-19 làm bộc lộ nhiều điểm yếu trong hệ thống quốc tế về ứng phó với đại dịch, khiến hơn 7 triệu người tử vong.Trong khi các nhà lãnh đạo còn đang tranh luận, cân nhắc, chia rẽ về các điều khoản thì các mầm bệnh đang biến đổi từng ngày và có thể bùng phát thành đại dịch vào bất kể thời điểm. Mối nguy hiểm được nhắc tới nhiều nhất hiện nay là vi rút cúm gia cầm A/H5N1.Mầm bệnh nguy hiểmMới thứ năm tuần trước (26-7), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo số ca nhiễm vi rút cúm gia cầm ở người đã tăng lên 13, sau khi xác nhận thêm 3 trường hợp ở Colorado. Đây đều là các ca liên quan tới đợt dịch bùng phát trên gia súc ở Mỹ.Sự xuất hiện liên tiếp của các ca bệnh cùng với đặc tính của vi rút - vật chủ ngày càng đa dạng (chim hoang dã, gia cầm, gia súc…), độc lực và tính gây tử vong cao và việc đột biến diễn ra mạnh mẽ, liên tục khiến nhiều chuyên gia cho rằng đại dịch có thể sắp xảy ra.Vi rút cúm A/H5N1 là một phân nhóm của vi rút cúm A, được phát hiện lần đầu ở ngỗng năm 1996 và lưu hành chủ yếu ở chim. Kể từ năm 2020, biến thể đã xuất hiện ở gia cầm, động vật có vú trên cạn và dưới nước và gây ra tử vong hàng loạt. Điển hình, hơn 650.000 loài chim biển, 30.000 sư tử biển ở Nam Mỹ và hơn 95% hải cẩu voi con ở miền nam Argentina đã chết, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng.Ở người, gần 900 ca bệnh được báo cáo từ năm 2003, trong đó hơn một nửa đã tử vong. So sánh với đại dịch Covid-19 vừa qua, tính đến tháng 4-2021 Yemen có tỉ lệ tử vong cao nhất là 19,49% còn thấp nhất là Singapore 0,05%. Điều này cho thấy mức độ tử vong cao nếu vi rút H5N1 trở thành đại dịch.Đặc tính nguy hiểm nhất là khả năng gây đột biến cao. Vi rút cúm có cấu tạo phân đoạn gene riêng biệt, cho phép tái tổ hợp di truyền bằng cách sắp xếp lại đoạn gene ở những vật chủ bị nhiễm hai chủng vi rút cúm khác nhau cùng một lúc.Ví dụ, lợn là một vật chủ trộn vi rút mạnh. Lợn có các thụ thể ở đường hô hấp thích nghi với cả con người và gia cầm. Giả sử một con lợn nhiễm cùng lúc vi rút cúm A ở người và vi rút cúm A ở gia cầm. Trong quá trình trao đổi và sắp xếp lại các đoạn gene, từ một chủng không ảnh hưởng đến con người, sau khi có được các đặc điểm từ một chủng khác, chủng vi rút trong lợn lúc này có thể lây nhiễm và truyền từ người sang người.Thật may, sự thay đổi này vẫn chưa được ghi nhận với H5N1, nhưng nó đã xảy ra với một dạng mới của H1N1 - một loại vi rút có nguồn gốc từ sự kết hợp các gene giữa vi rút cúm lợn, gia cầm và người - gây ra đại dịch H1N1 vào năm 2009. Ngoài ra, vi rút H5N1 còn có một sự thay đổi đặc hiệu trong protein làm tăng khả năng nhân lên và kháng thuốc cao hơn.Đại dịch tiếp theo?Theo WHO, điều kiện để một tác nhân hoặc biến thể của chúng gây đại dịch là khi chúng có khả năng lây truyền cao và liên tục từ người sang người trong một quần thể có khả năng miễn dịch kém hoặc không có khả năng miễn dịch.Do vậy, đầu tiên cần xác định mầm bệnh cúm gia cầm có khả năng lây truyền mạnh từ động vật sang người và từ người sang người hay không. CDC Mỹ đã tiến hành giải trình gene của vi rút trong bệnh phẩm của người nhiễm H5N1 và trình tự gene từ chim hoang dã, gia cầm và gia súc. Kết quả công bố vào tháng 4-2024 cho thấy trình tự vi rút của gia súc và của người bệnh đều duy trì các đặc điểm di truyền của gia cầm, chỉ có một thay đổi nhỏ liên quan đến sự thích nghi của vi rút với vật chủ là động vật có vú và không có bằng chứng về sự lây lan tiếp theo giữa người với người. Điều này đồng nghĩa hiện tại vi rút H5N1 có khả năng lây truyền cho người ở mức độ thấp, và CDC kết luận rằng rủi ro đối với sức khỏe con người hiện vẫn ở mức thấp.Trở lại với đợt dịch H5N1 xảy ra ở trang trại bò sữa tại Mỹ. Trước đó, cả Mỹ và thế giới chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của vi rút ở bò, và bò vốn không phải là vật chủ lý tưởng. Vậy đây có phải là một biến thể mới?Để tìm hiểu rõ hơn và kiểm tra xem vi rút này có lây truyền giữa các loại động vật có vú thông qua giọt hô hấp (ho, hắt hơi…), tiến sĩ Amie Eisfeld của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và các cộng sự đã tiến hành thí nghiệm cho vi rút H5N1 ở bò tiếp xúc với chồn và chuột. Chồn có các triệu chứng lâm sàng, phản ứng miễn dịch và phát triển các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp giống như con người nếu bị nhiễm vi rút cúm.Ảnh: ReutersKết quả công bố trên Nature ngày 12-7 cho thấy ở chuột và chồn, vi rút lây lan đến phổi và khắp cơ thể (não, ruột, thận, tim và tuyến vú). Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những con chuột cái bị nhiễm bệnh có thể truyền vi rút cho những con non đang bú sữa, nhưng không có sự lây truyền nào thông qua tiếp xúc trực tiếp. Chỉ một trong bốn con chồn tiếp xúc với những con vật bị nhiễm bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng, cho thấy vi rút lưu hành trong đàn bò vẫn chưa lây lan tốt qua không khí.Một khía cạnh khác là miễn dịch của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Vào thời điểm Covid-19 xuất hiện, đây là một chủng mới và không ai có khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, với vi rút H5N1 nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người đều có một mức độ miễn dịch nhất định. Khả năng miễn dịch tương tự, phát sinh từ việc tiếp xúc với các chủng cúm trước đó, có thể yếu hơn nhưng cũng góp phần giảm mức độ nghiêm trọng của một đại dịch cúm mới. Ngoài ra, các loại thuốc kháng vi rút hiện có và quá trình phát triển vắc xin tiến bộ. Nhiều quốc gia như Mỹ và châu Âu đã có kho dự trữ vắc xin H5N1.Từ những điều trên cho thấy ở thời điểm hiện tại chưa chắc chắn vi rút H5N1 có thể gây đại dịch tiếp theo. Tuy nhiên, không có cách nào có thể dự đoán liệu vi rút có đạt được khả năng lây lan giữa người với người hay không, hoặc khi nào và trong điều kiện nào nó sẽ thực hiện "bước nhảy vọt" này.Còn nhớ, chỉ sau một năm vi rút SARS-CoV-2 đã có biến thể Delta làm tăng khả năng gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và kháng vắc xin. Do vậy, cần có kế hoạch ứng phó nếu đại dịch xảy ra.Để không uổng phí bài học CovidHồi tháng rồi, một báo cáo điều tra công khai và độc lập dài 240 trang được công bố, chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ Anh trong cách chuẩn bị ứng phó với đại dịch.Trong thời gian đầu dịch, Anh là một trong những nước đầu tiên sản xuất và có tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cao. Tuy nhiên nhiều sai lầm đã khiến hơn 230.000 người thiệt mạng và chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng. Một vài nguyên nhân được chỉ ra gồm: không có kế hoạch chiến lược ứng phó dịch (bản kế hoạch gần nhất được công bố năm 2011 và chưa được sửa đổi); xét nghiệm, truy vết, cách ly không đáp ứng tình hình dịch; quy mô sản xuất vắc xin hạn chế…Do vậy, rút kinh nghiệm từ những đại dịch đã qua, cần có sự chuẩn bị về con người, thuốc men và vắc xin phòng bệnh. Đầu tiên, cần tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm. Phần Lan đã bắt đầu cung cấp vắc xin cho những người lao động có nguy cơ cao trong nông trại như người làm việc với gia cầm, cáo và chồn. Người mắc bệnh phải được cách ly điều trị nghiêm ngặt. Gia cầm bị bệnh phải tiêu hủy để giảm lượng vi rút trong môi trường, giảm khả năng lây truyền cho con người cũng như ngăn sự xuất hiện của biến thể mới. Mở rộng quy mô giám sát quần thể chim, động vật và sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo để phân tích nhanh chóng. Kế đó, cần phát triển xét nghiệm phát hiện vi rút H5N1 có độ nhạy cao, thực hiện nhanh chóng, giá cả phải chăng và có khả năng phân biệt cúm gia cầm H5N1 với cúm theo mùa. "Cả công chúng lẫn các nhà lãnh đạo (thế giới) đều phải thừa nhận rằng một đại dịch khác sẽ xảy ra, và có thể xảy ra sớm hơn dự kiến. Giờ là lúc chúng ta cần nhìn lại những gì đã xảy ra vào thời kỳ dịch Covid-19 để rút ra những kinh nghiệm và phương hướng để biết nên làm gì tiếp theo".Nhà vi sinh vật học Yuen Kwok-YungNhư đã thấy trong đại dịch COVID-19, các xét nghiệm nhanh có thể cung cấp kết quả trong khoảng 10-15 phút là một công cụ quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh - ngay cả khi chúng kém nhạy hơn các xét nghiệm phân tử.Cuối cùng là phát triển vắc xin phòng bệnh. Vắc xin H5N1 cũ là vắc xin có nguồn gốc từ trứng gà. Quá trình sản xuất có thể phải mất sáu tháng. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, có thể cần hàng tỉ liều vắc xin trong một thời gian ngắn. Cách nhanh nhất là sử dụng công nghệ mRNA, sử dụng một phần vật liệu di truyền của vi rút thay vì toàn bộ vi rút, để kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể vật chủ. Những loại vắc xin này có thể được tạo ra trong bốn tuần. Hiện nay, nhiều công ty dược phẩm đã tập trung phát triển loại vắc xin này.Dịch bệnh và con người sẽ luôn song hành cùng nhau và đại dịch có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. "Càng chuẩn bị nhiều hơn ngay từ bây giờ để phòng ngừa thì phản ứng sẽ càng nhanh và càng có nhiều khả năng ngăn chặn được vi rút" - phó giáo sư Louise Moncla, một nhà nghiên cứu về cúm gia cầm tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết. Tags: Dịch bệnhCúm gàCúm gia cầmCovid-19Đại dịch
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.