Phóng to |
Giới hâm mộ điện ảnh đang sốt ruột chờ đến ngày 22-10, khi Somewhere (Một nơi nào đó), tác phẩm mới nhất của Sofia Coppola, chính thức công chiếu tại Mỹ. Bộ phim là câu chuyện về những thay đổi lớn trong cuộc đời của Johnny Marco, một tay chơi Hollywood, khi cô con gái 11 tuổi Cleo đột nhiên xuất hiện.
Với Somewhere, Sofia Coppola đã giành được vinh quang cao quý: nữ đạo diễn Mỹ đầu tiên đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice 2010. Hollywood lên cơn sốt cũng còn vì Somewhere là cái nhìn của một người trong cuộc về cuộc đời của các sao Hollywood: sống như ông hoàng trong khách sạn năm sao, cưỡi siêu xe Ferrari, chìm đắm trong các cuộc trác táng, nhưng cũng rất buồn chán, cô đơn và bế tắc. Đạo diễn Quentin Taratino, chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Venice, khẳng định Somewhere đã thấm vào tâm hồn và trái tim các thành viên ban giám khảo ngay từ buổi chiếu đầu tiên tại Liên hoan phim Venice.
Diễn viên thất bại
Là con út và con gái duy nhất của đạo diễn Francis Ford Coppola, thành viên của gia tộc Coppola đầy quyền lực ở Hollywood, Sofia Coppola (31 tuổi) đã khởi nghiệp diễn viên từ khi mới lọt lòng nhờ sự ưu ái của người cha dù cô chưa hề tham gia học diễn xuất. Cô xuất hiện trong ít nhất bảy phim của cha khi còn rất bé, đáng chú ý nhất là The godfather (Bố già).
Năm 1990, cha cô chọn cô vào vai diễn quan trọng Mary Corleone, con gái ông trùm mafia Michael Corleone trong The godfather part III (Bố già phần 3). Ban đầu, ông Coppola chọn nữ diễn viên trẻ đầy tài năng Winona Ryder cho vai diễn này. Tuy nhiên, Ryder sau đó mắc bệnh và ông Coppola quyết định đặt niềm tin vào cô con gái rượu. Hãng phim Paramout đã nài nỉ ông Coppola tìm một ngôi sao có kinh nghiệm hơn và báo giới cũng phản ứng rất tiêu cực, nhưng không thành công.
The godfather part III bị đánh giá là phần yếu nhất trong chùm phim Bố già dù được đề cử Oscar, và báo giới đồng loạt vùi dập tơi bời vai Mary Corleone của Sofia Coppola. Nhà phê bình phim nổi tiếng Leonard Maltin mô tả việc ông Coppola chọn con gái là “một sai lầm chết người”. Sofia Coppola đã lĩnh hai giải mâm xôi vàng nữ diễn viên phụ tồi nhất và ngôi sao mới tồi nhất. Sự nghiệp diễn xuất của cô chấm dứt với vai diễn thảm họa này.
Lên đỉnh vinh quang
Những vết sẹo rồi cũng lành. Sau The godfather part III, Sofia Coppola mất phương hướng một thời gian dài và kinh qua nhiều nghề như người mẫu, nhiếp ảnh gia, thiết kế thời trang. Bước ngoặt cuộc đời cô đến khi cô đọc và mê đắm tiểu thuyết The virgin suicides của Jeffery Eugenides. Điều thú vị là khi đó ông Francis Ford Coppola ra sức ngăn cản con gái viết kịch bản và làm đạo diễn bộ phim, bởi bản quyền làm phim của tiểu thuyết đã được bán từ trước.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, trái với mọi dự đoán, The virgin suicides (1999) là một thành công lớn của Sofia Coppola. Bộ phim được giới phê bình đánh giá rất cao. Báo New York Post mô tả bộ phim là “tuyệt vời” và “hòa trộn xuất sắc những yếu tố trái ngược một cách tinh tế và điêu luyện”. Bốn năm sau, Sofia Coppola thực hiện tác phẩm tâm lý Lost in translation (Lạc lối) và giành giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất cùng ba giải Quả cầu vàng, trong đó có giải phim hay nhất.
Với Lost in translation, Sofia Coppola đã chứng tỏ cô không chỉ là “con ông cháu cha”. Được Hollywood thừa nhận tài năng, năm 2004 Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ mời cô tham dự với tư cách thành viên. Năm 2006, cô cho ra mắt tác phẩm lịch sử Marie Antoinette. Bộ phim không thành công như mong đợi và phản ứng của giới phê bình khen chê lẫn lộn.
Nhưng Somewhere chứng tỏ phong độ của Sofia Coppola vẫn rất ổn định. Cô tiết lộ bộ phim gần giống như một dạng tự truyện của cô, bởi cô đã dựa trên những trải nghiệm của chính mình, con gái một siêu sao Hollywood, để xây dựng câu chuyện. Sofia Coppola cũng thừa nhận cô chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mình. “Cảm ơn cha vì đã dạy dỗ con” - cô phát biểu khi nhận giải Sư tử vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận