Thuốc và các hóa đơn so sánh giá thuốc chênh lệch - Ảnh: CTV
Việc "thả nổi" mạnh ai nấy "hét" này khiến người bệnh không biết đâu mà lần.
Mỗi nơi một giá
Chị N.T.L. (30 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) bị viêm gan siêu vi B nên khi mang thai đứa con gái đầu lòng bác sĩ kê đơn cho uống Tenofovir STADA 300mg - thuốc kháng virút, do Công ty TNHH LD STADA Việt Nam (chi nhánh tại tỉnh Bình Dương) sản xuất. Mục đích để giảm lượng virút trong máu, đồng thời giảm nguy cơ lây sang thai nhi.
Với hộp thuốc có 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên dạng nén bao phim (gồm 30 viên), chị L. được nhà thuốc của một bệnh viện tại Q.Tân Bình kê giá là 29.960 đồng/viên, tức 898.800 đồng/30 viên.
Trong khi đó, bố chồng chị là ông N.N.L. (58 tuổi, ngụ Vũng Tàu) bị viêm gan siêu vi B đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Tại đây sau khi thăm khám, ông cũng được bác sĩ chỉ định uống thuốc Tenofovir STADA 300mg.
Với đơn thuốc gồm 84 viên Tenofovir STADA 300mg, tổng số tiền thuốc ông phải chi trả là 1.339.212 đồng, tức mỗi viên thuốc chỉ có giá 15.943 đồng - thấp hơn gần một nửa so với thuốc chị L. uống (giá 29.960 đồng/viên).
Cũng vậy, với loại thuốc này trên một số trang web mua bán thuốc giá bán niêm yết 23.000 đồng/viên.
"Tôi thật không ngờ khi cùng một loại thuốc như vậy mà mỗi nơi bán một giá, chênh lệch một vài giá còn chấp nhận được chứ ở đây tỉ lệ chênh lệch rất cao" - chị L. ngao ngán nói.
Chị L. khá sốc khi cùng một loại thuốc với hoạt chất, hàm lượng và đơn vị sản xuất như nhau lại có nhiều loại giá.
Không chỉ loại thuốc nêu trên, còn rất nhiều loại thuốc khác có giá cả rất… thất thường. Chứng minh việc này, chúng tôi mang một đơn gồm 5 loại thuốc do bác sĩ của một bệnh viện tư ở Q.Phú Nhuận kê để khảo sát tại 3 nhà thuốc khác nhau.
Kết quả cho thấy với cùng một loại thuốc Esomeprazol (NOZAXEN) 400mg dùng đặc trị viêm loét dạ dày tá tràng, nhà thuốc PN đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) kê đơn giá 16.000 đồng/viên, nhà thuốc AX trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) chỉ kê 6.500 đồng/viên và nhà thuốc TĐ ở đường Lê Văn Chí (Q.Thủ Đức) chỉ bán giá 4.000 đồng/viên.
Như vậy cùng một loại thuốc nhưng khi mua ở 3 nhà thuốc khác nhau giá cả hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt con số chênh lệch khá cao từ gấp đôi đến gấp bốn.
Ngoài loại thuốc nêu trên, các loại thuốc như Xymex-MPS, Albendazol (Alzental) 400mg, Amoxicillin (Pharmox) 500mg và Levofloxacin (Qunflox) 500mg… ở các nhà thuốc trên đều có giá chênh nhau nhiều lần.
Đặc biệt với cùng đơn 5 loại thuốc trên ở nhà thuốc PN (Q.Phú Nhuận) bán với giá gần 1,6 triệu đồng, trong khi mua ở một nhà thuốc gần đó giá chỉ 818.000 đồng, tức mới chỉ bằng một nửa.
"Muốn bán giá nào thì bán"!?
Liên quan đến vụ việc này, ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM) - cho biết hiện nay dù bệnh viện công lập hay tư nhân, thuốc đầu vào cho điều trị nội trú đều phải là thuốc trúng thầu, giá bán không cao hơn giá trúng thầu.
"Nhưng khi bán ra đối với bệnh nhân nội trú, có BHYT bệnh viện phải bán đúng giá đã mua theo kết quả thầu. Còn với bệnh nhân điều trị ngoại trú, không có BHYT, họ phải trả một "cái lãi", thặng số lãi cho phép theo quy định là từ 2% đến 15% theo đơn giá thuốc" - ông Dũng phân tích.
Cụ thể thuốc dưới 1.000 đồng (viên) lãi tối đa 15%, từ 1.000 đến dưới 5.000 đồng lãi 10%, từ 5.000 đến dưới 100.000 đồng lãi 7%, từ 100.000 đến dưới 1 triệu đồng lãi 5%. Đối với những viên thuốc, lọ thuốc, ống thuốc… có giá từ 1 triệu đồng trở lên lãi tối đa 2%.
"Như vậy giá ngoại trú phải cao hơn nội trú bởi nhà thuốc bệnh viện được một tỉ lệ lãi cho phép, còn ở nhà thuốc tư nhân họ muốn bán giá bao nhiêu thì bán. Ví dụ giá đầu vào của cùng một loại thuốc là 1.000 đồng/viên nhưng nhà thuốc có thể kê lên 20.000 đồng/viên.
Thế nhưng điều này khó xảy ra bởi các nhà thuốc khác chỉ bán với giá 1.200 đồng/viên" - ông Dũng khẳng định nhà thuốc có quyền tự định giá thuốc theo cơ chế thị trường, miễn sao giá họ bán ra phải được niêm yết công khai và khi bán không được cao hơn giá niêm yết.
Ông Dũng cho rằng việc một số thuốc ở các nhà thuốc tư nhân bán rẻ hơn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như các nhà cung ứng có hình thức khuyến mãi thuốc, các loại thuốc có giá "mềm" tồn kho hoặc thậm chí trong quá trình cạnh tranh có đơn vị chấp nhận bán huề vốn, chịu lỗ để lấy uy tín bán các mặt hàng khác chuyên biệt hơn lấy lãi bù lỗ.
Cơ quan chức năng thông tin là thế, nhưng từ phía nhiều bệnh nhân, họ rất bức xúc chuyện giá thuốc hiện nay "thả nổi", bệnh nhân đi mua thuốc không bao giờ biết được giá thực và càng không thể trả giá như bó rau ngoài chợ.
Lo ngại giá thuốc… quá rẻ
Thuốc Levofloxacin (Qunflox) 500mg cũng là loại thuốc có giá chênh lệch khá cao - Ảnh: H.LỘC
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng cơ chế đấu thầu thuốc ở bệnh viện và nhà thuốc bệnh viện hiện nay thuộc loại rẻ.
"Rẻ đến độ chúng tôi là cơ quan quản lý cũng lo sợ. Bởi khi thuốc rẻ chúng tôi phải tập trung kiểm tra đánh giá chất lượng, tuyệt đối không để đơn vị cung ứng tìm cách gia giảm đẩy chất lượng xuống để có giá mềm" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay tiêu chí chất lượng kỹ thuật công nghệ vẫn là tiêu chí lựa chọn hàng đầu. Và khi thuốc đạt được các tiêu chí như thế, đơn vị nào cung cấp được "giá mềm" sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Không biết giá và không thể trả giá
Chị T.T.N. (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết đầu tháng 12-2018 chị đến Bệnh viện Hoàn Mỹ khám tổng quát, tầm soát. Tại đây, bác sĩ phát hiện đường ruột của chị có vi khuẩn HP nên kê toa với một danh sách gồm 5 loại thuốc khác nhau.
Chị N. sau đó được hướng dẫn ra nhà thuốc ngay trước cổng bệnh viện để mua.
Giá tiền chị N. phải trả cho đơn thuốc này là gần 1,6 triệu đồng. Do không đủ tiền mua, chị N. ghé một nhà thuốc trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) hỏi mua thì khá bất ngờ bởi đơn thuốc cùng loại giá chỉ 818.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận