Hung thủ cầm súng tiểu liên bắn không thương tiếc trong tòa nhà Quốc hội Iran - Ảnh: Reuters |
Ngày 8-6, Iran đã công bố hình ảnh (trích xuất từ camera giám sát) của những thủ phạm hai vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày trước đó tại thủ đô Tehran.
Iran khẳng định các đối tượng này là một phần của mạng lưới đã thâm nhập vào Iran trong giai đoạn tháng 7 và 8-2016 dưới sự lãnh đạo của chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là Abu Aisha.
Theo cơ quan tình báo Iran, Aisha từng dự định tiến hành chiến dịch khủng bố tại nhiều thành phố ở Iran nhưng đã bị tiêu diệt và mạng lưới trên đã buộc phải rút khỏi Iran sau đó.
Theo thông tin mới nhất, 17 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong hai vụ tấn công khủng bố tại tòa nhà Quốc hội Iran và lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Tất cả 6 thủ phạm bao gồm 4 kẻ tấn công tại tòa nhà Quốc hội và 2 kẻ tấn công tại lăng mộ đã bị tiêu diệt tại hiện trường.
Tuy nhiên chi tiết của vụ tấn công vẫn chưa được công bố rõ ràng, như cách chúng vượt vòng bảo vệ an ninh ra sao.
Hung thủ cầm súng ngắn trong tòa nhà Quốc hội Iran ngày 7-6 - Ảnh: Reuters |
Hắn nổ súng ngay cả vào những người đã nằm xuống mặt đất - Ảnh: Reuters |
Phá hơn trăm âm mưu khủng bố
Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi cũng cho biết các vụ tấn công ngày 7-6 ở thủ đô nước này không phải những âm mưu khủng bố đầu tiên. Thậm chí, các cơ quan an ninh Iran đã triệt phá hơn 100 âm mưu tấn công trong hai năm qua.
"Đây không phải là âm mưu khủng bố đầu tiên. Những kẻ khủng bố đã cố gắng thực hiện hơn 100 âm mưu khủng bố trong hai năm qua, tất cả đều bị triệt phá", Bộ trưởng Alavi khẳng định.
Ông cho biết trong những tháng gần đây, các lực lượng chức năng nước này phải chịu nhiều áp lực từ nguy cơ bị tấn công khủng bố.
Lực lượng tình báo Iran đã xác định và bắt giữ nhiều băng nhóm khủng bố có 2 hoặc 3 thành viên và cả những kẻ khủng bố hoạt động đơn lẻ.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Reza Seifollahi cho biết những kẻ tấn công tại thủ đô Tehran ngày 7-6 đều là người Iran đã gia nhập IS.
Ông Seifollahi nêu rõ những đối tượng trên đến từ nhiều vùng khác nhau của Iran và đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. Sau những thất bại gần đây của IS trên thực địa, các đối tượng trên đã trở lại Iran.
Iran là quốc gia Hồi giáo dòng Shiite. Từ nhiều tháng qua, nhóm khủng bố IS (theo dòng Sunni) không ngừng tuyên truyền kích động với thiểu số Hồi giáo người Iran dòng Sunni - chiếm khoảng 10-15% dân số Iran - đang sống tập trung tại khu vực gần biên giới Iraq và Pakistan thực hiện tấn công vào người dòng Shiite.
Hung thủ cầm súng tiểu liên đi bắn người trong tòa nhà Quốc hội Iran ngày 7-6 - Ảnh: Reuters |
Đáp trả “lời chia buồn” của tổng thống Trump
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bác bỏ bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến hai vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Tehran.
Ngay sau khi biết tin về vụ khủng bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ cảm thông đối với các nạn nhân trong hai vụ tấn công nhưng lại khẳng định Iran phải chịu trách nhiệm cho điều này bởi "các nước tài trợ khủng bố có nguy cơ là nạn nhân của tội ác mà các nước này thúc đẩy".
Ngoại trưởng Iran ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như các lệnh trừng phạt gần đây của Thượng viện Mỹ bởi Iran đang chống lại những kẻ khủng bố nhận được "ủng hộ từ các khách hàng của Mỹ".
Ông Zarif nhấn mạnh "người dân Iran từ chối những tuyên bố thân thiện kiểu như vậy của Mỹ".
Tổng thống Trump lâu nay vẫn cáo buộc Iran hỗ trợ các nhóm khủng bố. Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông từng tuyến bố một trong những ưu tiên chính sách của ông là xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 giữa Iran và các cường quốc nhằm ngăn Tehran đạt được vũ khí hạt nhân đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Mặc dù Washington vẫn gửi lời chia buồn đến nạn nhân vụ tấn công khủng bố tại Tehran, nhưng ngay trong ngày 7-6, Thượng viện Mỹ vẫn thúc đẩy dự luật cho phép áp đặt các lệnh trừng phạt mới vào Iran. Với 92 phiến ủng hộ và 7 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã dỡ bỏ rào cản thủ tục, mở đường cho việc thông qua dự luật này lần cuối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận