06/04/2017 09:24 GMT+7

Sốc với đề xuất tăng thuế xăng ​ 8.000 đồng/lít

L.THANH - T.MẠNH 
- T.V.NGHI - N.AN
L.THANH - T.MẠNH 
- T.V.NGHI - N.AN

TTO - Bộ Tài chính khẳng định một trong những mục đích đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng mục đích chủ yếu để tăng thu ngân sách.

Việc đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít chồng thêm gánh lo lên doanh nghiệp. Trong ảnh: vận chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Thực tế, số thu thuế bảo vệ môi trường hiện nay chưa được dùng hết cho mục đích môi trường.

Tăng thu do ngân sách khó khăn?Ngày 5-4, liên quan đến việc trình Quốc hội dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện tại Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình làm luật trong năm nay.

“Thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất để tạo ra nguồn thu, đề xuất của Bộ Tài chính có vẻ như sẽ làm thui chột động lực sản xuất của doanh nghiệp, không để nguồn thu có thời gian tái tạo

Ông Vũ Ngọc Bảo (phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy VN)

Tuy nhiên, đề nghị này có được chấp thuận hay không thì thẩm quyền thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được bộ đề xuất là 8.000 đồng/lít bị dư luận phản ứng rất mạnh, trước câu hỏi liệu mức thuế đề xuất có giảm được hay không, ông Dũng trả lời chưa thể nói lùi hay không mà sẽ phải tổng hợp, đánh giá tổng thể, khách quan. Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng sắc thuế này của các nước.

Mặc dù đề xuất khung, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại có khung, việc tăng thuế sẽ được tiến hành và sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ. Ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, nhấn mạnh thực tế mấy năm qua, số tiền chi cho bảo vệ môi trường quá ít so với số thuế thu được từ thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể như năm 2016, tổng số tiền thu được từ sắc thuế này là 42.393 tỉ đồng, trong khi đó tổng chi cho bảo vệ môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng. Như vậy, thu được 3,5 đồng mà chi chỉ 1 đồng thôi. Năm 2015, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.020 tỉ đồng, trong khi đó chi cũng chỉ 11.400 tỉ đồng. Ông Long cho rằng chính sách thuế bảo vệ môi trường có mục đích chính là thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh.

Trong khi đó, Bộ Tài chính công nhận trong giá bán xăng RON 92 hiện hành, tỉ trọng thuế đã chiếm 41,5% (thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu 5-10%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít). Như vậy, với mức giá xăng RON 92 hiện hành là 17.230 đồng/lít thì tổng số tiền thuế mà 1 lít xăng đang phải cõng là hơn 7.150 đồng.

Thời điểm không phù hợp

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM, việc đề xuất thuế môi trường xăng dầu lên mức cao nhất là 8.000 đồng/lít xăng, chiếm khoảng 40% trên giá xăng, là một khoản thu mà nhiều người không thể ngờ có ngày lại xảy ra. Cho rằng môi trường ở VN một số nơi bị hủy hoại có lý do những sai lầm trong chính sách thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Vì vậy, hãy chỉnh sửa chính sách, buộc những nhà máy gây ô nhiễm đóng cửa thay vì tăng thuế.

Ông Thơ nhấn mạnh thời điểm đề xuất mức thu thuế môi trường kể trên đúng lúc kinh tế bắt đầu có những khó khăn như lạm phát quý 1 tăng 4,96% (cao hơn mục tiêu 4%), trong khi tăng trưởng GDP đạt thấp (5,1% so với mục tiêu 6,7%). Ông Thơ cho rằng việc chọn thời điểm là bất cẩn và thiếu nghiêm túc. Vì các đề xuất này có khả năng đánh vào niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Cẩn thận khả năng giảm sản xuất

Cách đây hơn một năm, ông Trà Văn Bé (Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) quyết định bán đi một cặp ghe, chỉ giữ lại một cặp để bám biển vì tình hình khai thác ngày một khó khăn. Ông Bé cho hay biển ngày một ít cá, vùng chồng lấn bị kiểm soát gắt gao nên đa số ghe đi biển đều ở tình trạng lỗ nhiều hơn lãi.

Với mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 1 tháng, mỗi cặp ghe phải tốn chi phí 700 - 800 triệu đồng, trong đó chi phí cho 30.000 lít dầu chiếm tới gần 60%. Đó là chưa kể nếu xăng dầu tăng giá thì các chi phí khác liên quan cũng rục rịch tăng theo. Với giá xăng dầu như hiện nay, Nhà nước tăng thuế môi trường lên gấp đôi, ông Bé lo “giá thành có thể tăng thêm 20 - 30%, chúng tôi không thể đi biển được”.

Theo ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tác động trực tiếp lên đời sống của người lao động và các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn có giá trị gia tăng chưa cao. Đối tượng bị tác động lớn thứ hai là tầng lớp lao động có thu nhập trung bình trở xuống.

Việc đưa khung quá cao như đề xuất, theo ông Hiển, có cảm tưởng Bộ Tài chính đang tập trung vào các nguồn dễ thu thuế. Khi ngân sách gặp khó, Bộ Tài chính phải tìm cách tăng thu. Nhưng định hướng điều hành của Chính phủ là kích thích cầu tiêu dùng nội địa để kích thích sản xuất. Ông Hiển cảnh báo việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ làm giảm cầu tiêu dùng trong nước, tạo nên vòng xoáy nhu cầu giảm, bán hàng giảm, sản xuất giảm, giảm việc làm.

Ông Trương Chí Thiện (tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt):

Mất thêm hàng trăm triệu đồng/năm

Với mức đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế môi trường lên 6.000 đồng/lít đối với dầu diesel, tính sơ sơ chi phí đội lên của chúng tôi có thể khoảng 45 triệu đồng/tháng, một năm khoảng 540 triệu đồng. Đây là một con số vô cùng lớn so với tình hình hoạt động kinh doanh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh việc điều chỉnh giá bán sản phẩm vô cùng khó. Lợi nhuận của doanh nghiệp đã teo tóp qua từng năm rồi, bây giờ chắc chắn sẽ còn teo thêm khi mọi gánh nặng thuế phí cứ đổ lên đầu doanh nghiệp như vậy.

 

L.THANH - T.MẠNH 
- T.V.NGHI - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên