"Chợ" video clip khiêu dâm của trẻ em
Chỉ riêng trên Telegram, một ứng dụng cung cấp các cuộc trò chuyện bí mật, đã có đến hàng trăm tài khoản và nhóm chat được lập ra với mục đích trao đổi, mua bán những hình ảnh, video clip có nội dung khiêu dâm, thậm chí là quan hệ tình dục với trẻ em.
Chúng tôi thử gõ một vài từ khóa thì xuất hiện ngay hàng loạt "diễn đàn" mà mục đích xấu đã thể hiện ngay trong tên nhóm. "Mua bán clip sex trẻ em", "Clip ch**ch học sinh", "Video 18+ con nít", "Động trẻ em khỏa thân"... là những hội nhóm thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia để cập nhật và sưu tầm các video clip khiêu dâm mà đối tượng bị xâm hại là trẻ em.
Trong những nhóm chat này, các list (danh sách - PV) video trẻ em, học sinh thủ dâm được rao bán với giá bằng 1 ly trà sữa, list quan hệ tình dục với trẻ em có giá chỉ 2 ly trà sữa.
Điểm chung của các nhóm này là đều dẫn về tài khoản Telegram có tên "Admin List Vip" để giao dịch.
Rất nhanh chóng, người này báo giá: "List trẻ em thủ dâm (tổng gần 110 video clip) có giá 150.000 đồng, list quan hệ tình dục với trẻ em (tổng gần 140 video clip) có giá 200.000 đồng. Nếu mua combo 2 list bên em giảm còn 290.000 đồng, tặng thêm 100 video, tặng nhóm VIP quay lén, tặng thêm 17 nhóm clip sex".
Người này quảng cáo: "Hơn 300 video clip đều là trẻ em Việt Nam, bên em tự quay, full không che, thấy rõ mặt, nếu ưng món nào chỉ cần chuyển khoản và nhắn tin xác nhận là list video sẽ được gửi đến ngay".
Toàn bộ hoạt động mua bán, giao dịch đều được thực hiện qua mạng, người này đảm bảo toàn bộ "nhân vật" trong list video clip đều là học sinh tiểu học và gửi số tài khoản ngân hàng để khách mua thanh toán.
Nhiều chiêu trò dụ dỗ trẻ
Sở thích bệnh hoạn của những kẻ ấu dâm và sự ngây thơ của trẻ em đã "mở đường" cho những đối tượng mua bán tình dục qua mạng trục lợi.
Quá trình tiếp cận nhóm mua bán video clip trẻ em qua mạng, chúng tôi thử đề nghị người này "demo" một vài nội dung chính trong các list đang được rao bán, và thật không thể tin được những gì tệ hại, vi phạm luật pháp mà những đối tượng này có thể làm với trẻ em.
Đó là hàng nghìn hình ảnh, hàng trăm video của các bé gái có độ dài từ 30 giây đến hơn 20 phút. Thẩm định nội dung và chất lượng hình ảnh của các "sản phẩm" này, dường như các bé được ít nhất một người hoặc cả ê kíp có mặt tại hiện trường ghi hình có chủ đích. Những thước phim được quay nhiều góc, bằng thiết bị hiện đại, độ phân giải rõ nét đến từng chi tiết.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trẻ lại chịu làm theo, thậm chí là tự tay quay lại những thước phim tệ hại đó? Có thể xác định nhiều đối tượng đã chủ động tiếp cận trẻ, đặc biệt là các bé gái (từ 6 - 15 tuổi) thông qua nhiều môi trường như mạng xã hội, cộng đồng game online, các điểm truy cập Internet công cộng (quán game)...
"Chị hàng xóm nhà tôi có lần phát hiện cô con gái mới học lớp 4 mang cả điện thoại vào phòng tắm để quay phim lại cảnh khỏa thân tắm rửa của mình, gặng hỏi cả ngày thì cháu mới kể là làm như vậy để gửi cho một người bạn nào đó quen trên game để đổi lấy mấy cái thẻ game online gì đó!", chị Thu Phương (34 tuổi, TP Biên Hòa, Đồng Nai) kể.
Không chỉ vậy, bé gái này còn thú nhận đã làm "chuyện đó" và không biết đó là hành động xấu vì một số bạn của bé cũng làm vậy, thậm chí có bạn còn quay lén cảnh tắm hoặc sinh hoạt riêng tư của cha mẹ mình để gửi qua Zalo cho một người nào đó. Người bạn này còn dặn dò các bé rất kỹ là: "Gửi xong phải xóa tin nhắn ngay!".
Cứ vậy rồi những trẻ mê các trò chơi trực tuyến truyền tai nhau cách để có được những thẻ game, vật phẩm online mà không phải xin tiền cha mẹ.
"Tôi có một cháu gái đang học lớp 5, có lần đến đón tôi thấy bé đang nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt trước cổng trường, tôi hỏi thì bé kể chú đó chỉ hỏi con thích nhất cái gì và có muốn được chú ấy tặng quà hay không", chị Kim Hương (37 tuổi, quận 12, TP.HCM) nhớ lại. Hiện tượng lạ này khiến chị lo lắng về sự an toàn của con gái những lúc không có chị bên cạnh.
Gia đình và nhà trường cùng phòng chống
Ông Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM) bày tỏ: "Thực trạng có nhiều bạn trẻ chọn con đường bán hình ảnh riêng tư của mình trên các diễn đàn, mạng xã hội hoặc thậm chí là bán dâm bằng nhiều hình thức. Điều này có thể đem lại lợi nhuận trước mắt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả về pháp lý lẫn tâm lý. Cần nhấn mạnh đây là hành động bị nghiêm cấm bởi pháp luật".
Theo ông An, đa số những hình ảnh hoặc đoạn phim khiêu dâm trên các diễn đàn thường được chia sẻ một cách không đồng thuận từ nạn nhân, đặc biệt khi nạn nhân là trẻ em, trẻ vị thành niên. Đây được xem là hành vi bắt nạt tình dục trực tuyến, vốn là một vấn đề không mới nhưng chưa được nghiên cứu bài bản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặc dù công tác giáo dục giới tính hiện nay đã được phổ biến đến từng trường lớp, nhưng nhìn chung những nội dung này vẫn chỉ xoay quanh việc chăm sóc cơ thể, thay đổi tuổi dậy thì hoặc tình yêu trong sáng.
"Riêng chủ đề tình dục an toàn, đồng thuận trong tình dục, hay việc người trẻ tiếp cận thông tin 18+ trên Internet vẫn còn bị xem là vùng cấm bởi sự thiếu liên kết giữa gia đình - nhà trường trong quan điểm giáo dục giới tính toàn diện!", ông An nói.
"Hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, dụ dỗ trẻ hoạt động khiêu dâm không những vi phạm pháp luật mà còn là tội ác, tạo những sai lệch xã hội rất lớn. Trẻ em rất dễ bị lợi dụng, lạm dụng, thậm chí bị xâm hại.
Nhẹ là trẻ có thể bị dụ dỗ bởi bánh kẹo, đồ chơi, tiền bạc; nặng hơn là bị đe dọa, bạo lực, ép buộc, cưỡng hiếp và trở thành nạn nhân. Cơ quan chức năng cần có sự quan tâm quyết liệt để ngăn chặn và xử lý loại tội phạm này.
PGS.TS Trương Văn Vỹ
(giảng viên xã hội học, tội phạm học Đại học Quốc gia TP.HCM)
Cách bảo vệ tốt nhất là tác động lên nhận thức của trẻ
ThS giáo dục học Chế Dạ Thảo (trưởng bộ môn kỹ năng Trường đại học Công nghệ TP.HCM) cho biết sự thiếu kiểm soát và giới hạn nội dung trong bối cảnh phát triển bùng nổ của mạng xã hội có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan các hoạt động mua bán tình dục, đặc biệt khi đối tượng bị xâm hại trực tuyến là trẻ em và vị thành niên.
"Đây là một tình trạng đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và hình thành nhân cách của các bạn nhỏ.
Nếu như các nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam không được kiểm duyệt và quản lý chặt chẽ dựa trên các quyền bảo vệ trẻ em và vị thành niên thì tình trạng nêu trên có thể gia tăng nhiều hơn!", bà Thảo cho biết.
Theo bà Thảo, cách bảo vệ tốt nhất là tác động lên nhận thức của trẻ để các em có thể nhận diện được những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và "đong đếm" được những hậu quả xấu tác động lên bản thân sẽ lớn hơn rất nhiều so với những quyền lợi trước mắt mà các em đã nhận được từ việc bị các đối tượng xấu dụ dỗ, thúc giục hoặc ép buộc.
"Phụ huynh và nhà trường cần để tâm nhiều hơn đến trẻ, nhất là khi trẻ có những biểu hiện lạ, ví dụ như trẻ thường xuyên muốn ở một mình trong không gian riêng tư hoặc bỗng dưng trẻ có những món đồ chơi mới, có nguồn thu nhập bất thường...
Mặc dù không xâm phạm quyền riêng tư của trẻ nhưng chúng ta cần phải có sự quan sát và trao đổi ngay để kịp thời bảo vệ trẻ khỏi các đối tượng xấu và trước nguy cơ bị xâm hại", bà Thảo nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận