Phóng to |
Nhiều người dân kéo về cống ngăn mặn để ngăn chặn việc đóng cống |
Năm nào cũng có tranh chấp
Theo người nuôi tôm, nguyên nhân xảy ra sự việc là do quyết định đột ngột ngăn mặn của chính quyền địa phương. Theo một số cán bộ (đề nghị giấu tên), hiện trong bờ kênh có khoảng 300ha đã được người dân đào ao, lên vuông và đến thời điểm này có gần 25ha đã thả tôm 2-3 tháng nay, và 60ha khác thả từ 10-30 ngày. Nếu chính quyền xã thực hiện chủ trương đóng cống ngăn mặn là đồng nghĩa với việc số tôm này chết và hàng trăm hộ phải trắng tay, nợ nần.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nguyên nhân sâu xa là khoảng năm 1999, khu vực này được UBND xã Thạnh Quới cho phép người dân nuôi tôm theo mô hình “một vụ tôm, một vụ lúa”. Đó cũng là chủ trương chung của tỉnh lúc bấy giờ đối với vùng đất phía nam quốc lộ 1A. Từ đấy diện tích nuôi tôm của người dân tăng tự phát ngày một nhiều.
Để nuôi được tôm trên ruộng lúa, chính quyền địa phương đã cho phép người dân mở đập để lấy nước mặn vào vuông tôm. Tuy nhiên do hệ thống kênh mương nội đồng chưa hoàn chỉnh, nên chỉ có những hộ dân ở cặp kênh mới chuyển đổi được cơ cấu sản xuất theo mô hình mới, còn những hộ ở vùng lõi và xa kênh thì vẫn cứ phải “ôm” cây lúa.
Cuối cùng, để qui hoạch lại vùng “tôm - lúa” đồng bộ, chính quyền địa phương đem xáng cạp vào để múc đất làm kênh, cải tạo hệ thống nội đồng, dẫn nước mặn vào vùng lõi. Thế nhưng khi thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân quyết tâm “ôm” cây lúa và những hộ bị mất đất để làm kênh mương đã phản ứng quyết liệt nên việc thi công phải tạm dừng lại. Vậy là việc nuôi tôm, trồng lúa của người dân trong vùng bị thả nổi từ đó đến nay. Và mỗi năm cuộc tranh chấp “mặn - ngọt”, hay đúng hơn là cuộc tranh chấp giữa người trồng lúa và người nuôi tôm cứ xảy ra dai dẳng.
Con tôm hay cây lúa?
Anh Phạm Thanh Bình, phó chủ tịch xã Thạnh Quới, cho biết đúng là trong năm 1999-2000 tỉnh đã có chủ trương cho các hộ trong bốn ấp phía nam quốc lộ của xã thực hiện theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Nhưng khi thi công hệ thống kênh dẫn nước thì vướng mắc vấn đề giải tỏa nên chính quyền thả nổi qui hoạch. Trong khoảng thời gian đó, đơn khiếu kiện của các hộ trồng lúa cũng tăng lên. Thấy tình hình có vẻ không ổn, tỉnh chủ trương “khép kín vùng ngọt” trong năm 2005, cấm người dân nuôi tôm với lý do “hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, việc nuôi tôm sẽ không hiệu quả”, đồng thời cho ngăn mặn bảo vệ diện tích lúa.
Ông Nguyễn Tự Lực, phó chủ tịch huyện Mỹ Xuyên, cho rằng chủ trương trên của tỉnh là đúng đắn. Nhưng chỉ khép kín trong năm 2005, khi hệ thống kênh dẫn mặn và ngọt hoàn chỉnh thì việc nuôi tôm sẽ được mở rộng. Còn về việc đóng cống ngăn mặn đột ngột khi người dân đã lỡ thả tôm, ông Lực cho biết chủ trương, nghị quyết đã được phổ biến, đã được triển khai nhưng không hiểu sao người dân lại cho rằng không nắm được (?).
Cũng theo ông Nguyễn Tự Lực, vào khoảng cuối năm 2004 “huyện đã nêu chủ trương này trong các hội nghị, các cuộc họp HĐND nhưng có lẽ do cán bộ xã không biết cách phổ biến đến người dân, không nhất quán trong việc quản lý và xử lý vấn đề nuôi tôm tự phát mới để xảy ra hậu quả như hôm nay”. Ông Lực băn khoăn: “Việc đóng cống ngăn mặn chúng tôi cũng đau lòng lắm, nhưng không thể vì mấy chục hecta tôm mà hi sinh hàng ngàn hecta lúa!”.
Khi chúng tôi rời Thạnh Quới, các cấp đoàn thể của xã, huyện cũng đã xuống đây để vận động, giải thích người dân “thông” chủ trương này. Thế nhưng mọi chuyện vẫn chưa ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận