Sóc Trăng đất cảng

DƯƠNG THẾ HÙNG 07/11/2011 22:11 GMT+7

TTCT - Về vị trí địa lý, tỉnh Sóc Trăng giáp biển Đông ở phía đông và đông nam với bờ biển dài 72km và ba cửa sông lớn Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra biển.

Lâu nay người ta thường biết Sóc Trăng như là vùng đất nông - ngư nghiệp có đông người Khmer sinh sống, ít ai nghĩ rằng xưa kia nơi đây từng có một thương cảng lớn chẳng kém cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai).

Phóng to

Nơi đây ngày xưa là thương cảng Bãi Xàu (nhìn từ phía sau chợ Mỹ Xuyên) với cầu Chà Và bắc qua sông Bãi Xàu - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Phóng to
Thị trấn Mỹ Xuyên cách TP Sóc Trăng chừng 5km theo hướng biển Đông

Thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên) cách TP Sóc Trăng chừng 5km theo hướng biển Đông. Chợ Mỹ Xuyên khang trang ở trung tâm thị trấn, vòng ra sau chợ đi qua cầu Chà Và bắc trên con rạch nhỏ là tới khu phố với nhiều cơ quan hành chính của huyện. Dấu xưa còn lưu lại là những ngôi nhà kiểu Pháp, mái ngói, tường xây sơn vàng, phía trước là con đường nhựa chạy dọc con rạch uốn khúc mà theo các cụ già xưa cũng mang tên Bãi Xàu.

Thương cảng Bãi Xàu

“Khu này hồi xưa lớn lắm, có bưu điện, nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước do Pháp xây dựng, có công xi nấu rượu thiệt bự, nhà việc của hương chức, hội tề…” - lão nông Lâm Văn Bé, 74 tuổi, sống ở đây từ nhỏ, nhớ lại.

Theo tư liệu của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, địa danh Bãi Xàu tuy không được đưa vào văn bản hành chính nhưng đã quen dùng trong dân gian. Khoảng thế kỷ 17-18, nơi đây đã hình thành thương cảng Bãi Xàu (còn gọi Ba Thắc - Bassac) nức tiếng một thời. Những thương nhân lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn thường đưa vải lụa, đồ gốm, trà, thuốc bắc và đồ gia dụng về bán. Đổi lại, họ mua lúa gạo, nông sản và cá khô chở về. Hằng tháng có chừng 250 ghe thuyền ra vô tấp nập để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Thương cảng có nhiều con đường đẹp, nhiều cửa hàng buôn bán của người Hoa và nhiều ngôi chùa lớn. Các hãng tàu lớn chạy tuyến Cà Mau, Bạc Liêu - Mỹ Tho, Sài Gòn đều ghé qua.

Nhật ký của cố đạo Lavavasseur (1769) cho biết thương cảng Bãi Xàu được hình thành nơi sông Bãi Xàu, bởi nó thông với sông Hậu rồi đổ ra cửa biển. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo... Thay vì chở lúa gạo lên Sài Gòn rồi mới xuất đi nước ngoài, các thương gia người Hoa đã thu mua và bán thẳng cho ghe buôn đến từ nước ngoài. Có lúc thuyền buôn của người Hoa vào đậu san sát từ 100-150 chiếc để mua gạo và đường...

Phóng to

Cầu Ông Điệp - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Nhìn trên bản đồ, từ trung tâm Mỹ Xuyên sông Bãi Xàu uốn khúc tỏa ra hai hướng. Một nối với kênh Tiếp Nhật qua huyện Long Phú, rồi lại nối với sông Saintard đổ ra vàm Đại Ngãi hòa vào dòng chảy sông Hậu. Thật thuận tiện khi từ đây ghe tàu tiếp tục băng ngang sông Măng Thít (Vĩnh Long) để về Sài Gòn. Hướng còn lại vô các huyện Vĩnh Châu, Trần Đề nối với sông Dù Thoa, sông Mỹ Thanh rồi đổ ra biển Đông. Con sông cũng tỏa hướng về Bạc Liêu, Cà Mau nối với mảnh đất tận cùng Tổ quốc.

Theo lời ông Nguyễn Xuân Hồ - nguyên chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, hiện là phó bí thư Huyện ủy Trần Đề: “Tới thập niên 1970, thương cảng Bãi Xàu hồi xưa chính là con sông nằm cặp chợ Mỹ Xuyên, vẫn còn là phương tiện lưu thông chính để mua bán lúa gạo ngon nhất ở miền Tây. Lúc đó có ông Huỳnh Yến Truyền, người được mệnh danh “vua mễ cốc miền Tây”, chuyên nghề xay xát, mua bán lúa gạo cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cơ sở của ông Truyền ngày trước hiện là nơi đặt trụ sở UBND huyện Mỹ Xuyên. Doanh nhân Bãi Xàu hồi đó làm ăn rất giỏi. Công xi rượu (“công xi” do nhiều người hùn vốn thành lập, kiểu công ty cổ phần ngày nay) quy mô rất lớn, các thành viên công xi chọn người quản lý, điều hành gọi là “tài phú” giống như giám đốc bây giờ.

Công xi xây ba cái bồn, mỗi bồn chứa cả trăm ngàn lít; rượu chưng cất cho vô bồn chứa, cách sáu tháng mới bán một bồn, người ta nói rượu để càng lâu uống càng ngon là nhờ vậy. Còn nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu cũng đã có quy trình khép kín rồi. Máy chạy bằng nồi hơi, đốt bằng trấu. Bao nhiêu trấu xay ra đều cho vô lò đốt hết, không thải ra gây ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm nhiên liệu”.

Phóng to
Sông Bãi Xàu nhìn từ cầu Ông Điệp - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Những địa danh kỳ thú

Về tên gọi Bãi Xàu, Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển có đoạn: “Bãi Xàu là tên Nôm của huyện Phong Nhiêu thời đàng Cựu - thị trấn mua bán lúa gạo lớn trên con sông Mỹ Xuyên, nguồn gốc từ tiếng Khmer là Srok Bai Xau, tiếng Việt nghĩa là “xứ cơm sống”. Tương truyền ngày xưa, những cư dân đầu tiên khám phá vùng đất này đã tạm nghỉ qua đêm nơi đây, dưới một gốc cây bồ đề cổ thụ.

Tình cờ họ bắt gặp trong hốc cây có ổ trứng rắn khá lớn. Vô tình, họ nấu cơm và bỏ trứng vào luộc để làm thức ăn. Không ngờ gốc cây là nơi trú ẩn của cặp rắn thần. Khi đi tìm mồi trở về, cặp rắn thần phát hiện có người xâm nhập lãnh địa và lấy cắp trứng nên giận dữ rượt đuổi. Nhóm cư dân hoảng sợ bỏ chạy trối chết. Khi trời yên gió lặng, áng chừng cặp rắn đã bỏ đi, nhóm cư dân lén quay trở lại thì thấy trứng rắn không còn.

Cơm nấu khi nãy mới “bảy, tám” chớ không được chín, họ đành phải ăn cơm sống đỡ dạ. Để đánh dấu tai nạn đầu tiên nơi vùng đất mới, họ gọi nơi đây là Srok Bai Xau. Sau đó người Việt nói trại thành Bãi Xàu”.

Còn trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết: tương truyền ở Bãi Xàu xưa có nhóm người Khmer nổi dậy chống lại triều đình. Bị quân triều đình rượt đuổi, họ chạy đến nơi này tạm dừng nấu cơm ăn thì quân triều đình rượt tới khiến họ phải vội vã chạy tiếp và than thở “bài chau” có nghĩa “cơm chưa chín” (bài là cơm, chau là chưa chín). Người địa phương đọc trại âm thành Bãi Xàu.

Học giả Vương Hồng Sển kể rằng tại Bãi Xàu, gần chỗ công xi nấu rượu nếp và nhà máy xay lúa của ông hội đồng Diệp Văn Giáp vẫn còn nền cái kho bạc cũ. Tương truyền đó là kho chứa bạc của nhà vua. Người dân thường nói “xứ này có kho chứa bạc”. Từ “xứ” tiếng Khmer gọi là Srok, còn “kho, vựa, chỗ chứa bạc” gọi là Kh’leang, ráp lại là Srok Kh’leang, người Việt gọi thành Sóc Trăng.

Theo tư liệu của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, năm 1737 chúa Nguyễn lập đạo Trấn Di (bao gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay) nằm ở hữu ngạn sông Ba Thắc. Năm 1802, vua Gia Long chia đất Gia Định thành ngũ trấn, trong đó Sóc Trăng là một phần của trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1834, vua Minh Mạng lại chia đất Gia Định thành lục tỉnh gồm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, trong đó Sóc Trăng thuộc tỉnh An Giang. Một năm sau, vua lại lấy đất Ba Thắc đặt làm phủ Ba Xuyên. Kể từ đó, tên gọi Ba Xuyên được sử dụng khá nhiều trong các văn bản hành chính. Năm 1836, vua Minh Mạng cho xây dựng thành của phủ Ba Xuyên với chu vi 200 trượng, cao 3 thước, có ba cửa, xung quanh có hào sâu ngăn cách, đặt tại thôn Hòa Mỹ, huyện Phong Nhiêu (Bãi Xàu, Mỹ Xuyên ngày nay).

Phủ thành Ba Xuyên vừa là nơi làm việc của quan lại vừa là nơi trấn thủ, chống lại sự xâm nhập, cướp phá từ bên ngoài. Cái tên Ba Xuyên đến nay vẫn còn khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân Sóc Trăng.

Năm 1867, chính quyền Pháp đổi tên hạt Ba Xuyên thành hạt Sóc Trăng. Năm 1899, toàn quyền Đông Dương quy định tất cả các đơn vị hành chính thuộc ba kỳ đều thống nhất gọi là tỉnh. Nam kỳ lúc đó có 20 tỉnh, trong đó có Sóc Trăng. Năm 1976, tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang. Năm 1991, Hậu Giang lại được tách ra thành hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Theo nhiều tư liệu, trước khi có tên Sóc Trăng, xứ này còn được gọi là Ba Thắc - tên Việt hóa của Neak Basak, vốn là một hoàng tử xứ Lào thế kỷ 18 do phạm tội với triều đình nên cùng vợ lên thuyền trốn đi. Thuyền bị bão đánh dạt vào cửa biển Trấn Di (nay là Trần Đề), vợ chồng Neak Basak lưu lạc tới Bãi Xàu định cư.

Với tài lực mang theo, họ biến mảnh đất này thành nơi trù phú. Khi Neak Basak qua đời, để tưởng nhớ công ơn, người dân xây miếu thờ ông và đặt tên là Ba Thắc cổ miếu. Hiện miếu nằm trên đường đi Tham Đôn (Mỹ Xuyên), gần chùa Vat Luong Bassac của người Khmer.

Ba Thắc còn là tên của một trong chín cửa sông Cửu Long đổ ra biển Đông, nằm giữa hai cửa Định An và Trần Đề - người Pháp gọi là sông Bassac - thuộc địa phận xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng ngày nay. Cửa Ba Thắc đã bị bồi lấp theo thời gian, ngày nay chỉ còn là con rạch nhỏ.

Phóng to

Bến neo đậu ghe tàu ở cửa biển Trần Đề - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Từ Bãi Xàu tới Trần Đề

Từ cầu Chà Và, chúng tôi quay lại con đường sau lưng chợ Mỹ Xuyên. Ông Lâm Văn Bé nói ngày xưa con đường này là vòng cung của sông Bãi Xàu, dần dần lòng sông ở đó bị bồi lắng cạn dần, người dân lấp luôn xây phố chợ - nay là khu vực chợ Mỹ Xuyên - rồi đào một đoạn kênh ngắn chừng 600m xuyên qua vòng cung để nối liền con sông.

Từ cầu Ông Điệp bắc ngang qua kênh theo tỉnh lộ 8 đi tiếp 30km là tới cửa biển Trần Đề với hàng trăm ghe tàu neo đậu chật kín, đa số là tàu đánh cá của Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ông Nguyễn Hùng Thanh, chủ ghe tới từ Trà Vinh, cho biết: “Tàu đánh bắt xa bờ ở Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo về đây cũng thuận tiện vì cửa biển nằm sát biển Đông, “lú” cái ra tới biển liền”.

Cách đó chừng vài trăm thước, cảng cá Trần Đề nhộn nhịp đông vui. Dưới nước là tàu biển san sát, trên bờ lớp lớp xe đông lạnh, từng tốp người cả đàn ông lẫn phụ nữ kẻ bốc xếp, người cân đong. Tàu đánh cá chiếc đưa tôm cá lên, chiếc mang dầu, nước đá, thức ăn xuống chuẩn bị chuyến đi biển dài ngày, chiếc nổ máy rẽ sóng ra khơi.

Ông Nguyễn Thành Long, phó chánh văn phòng Huyện ủy Trần Đề, cho biết: “Có khoảng 500 chiếc tàu đánh bắt xa bờ như vậy ra vô mỗi ngày. Ở đây có đầy đủ dịch vụ hậu cần tàu biển như xăng dầu, nước đá, thực phẩm, bốc xếp, đặc biệt thích hợp ghe tàu neo đậu tránh bão. Từ đây chỉ mất 30 phút là tôm cá vô nhà máy đông lạnh nhờ đường giao thông thuận lợi. Sau đó, thủy sản xuất khẩu cũng sẽ lên đường về cảng Sài Gòn qua đường Nam Sông Hậu vừa hoàn thành, rút ngắn thời gian 7-8 giờ so với trước đây”.

Đứng trên cầu cảng nhìn ra, cửa biển Trần Đề rộng mênh mông. Từ bờ này qua bờ kia ước khoảng 4-5km. Không khó để hình dung khi dông gió nổi lên thì nơi đây nguy hiểm như thế nào, để rồi thấm thía cái tên Ba Xuyên tiền nhân đặt cho vùng đất này (*). Tháng 12-2009, huyện Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng được công bố thành lập và được coi là cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông với thế mạnh là khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu.

__________

(*) Có hai cách lý giải tên gọi Ba Xuyên: 1. Dưới thời vua Gia Long, vùng này thường xuyên bị cướp biển xâm nhập giết hại dân lành, quan quân triều đình đi dẹp loạn phải qua Vàm Tấn (Đại Ngãi ngày nay), khúc sông quanh co, hiểm trở, để tránh bị phục kích phải hành quân thần tốc; do vậy họ đặt tên con sông này là Ba Xuyên (“thần tốc đi vào”, theo tiếng Hán - Việt: ba là sóng nước, xuyên là đi qua). 2. Vùng này có ba cửa biển Trấn Di, Định An và Ba Thắc, nơi thường xuất hiện sóng thần hoặc triều cường gây nguy hiểm cho tàu ghe qua lại đòi hỏi người cầm lái phải có nhiều kinh nghiệm lướt sóng, vượt qua phong ba mới có thể vào xuyên nội địa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận