Tranh minh họa. Nguồn: Infonet.vn
Phản vệ (Anaphylaxis) là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng, xảy ra trong vòng vài giây, vài phút hoặc muộn hơn vài ba mươi phút. Phản vệ, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể đặc hiệu (Globulin miễn dịch E hay IgE) để chống lại chất dị ứng (kháng nguyên hay dị nguyên) tạo ra một phản ứng không phù hợp hay quá mức với một chất, ngay cả khi chất đó vô hại (như thức ăn hàng ngày). Cơ thể người bệnh có thể chưa có phản ứng gì khi tiếp xúc với chất dị ứng lần đầu (do lượng kháng thể chưa sản xuất đủ), nhưng khi tiếp xúc với chất dị ứng đó lần sau (kháng thể đã đủ và tồn tại trong cơ thể từ trước) thì phản ứng kháng thể chống lại kháng nguyên xảy ra. Một loạt các chất trung gian hoá học được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể đẩy người bệnh vào tình trạng sốc gọi là sốc phản vệ (Anaphylactic shock): Tụt huyết áp (mạch nhanh, yếu), co thắt khí-phế quản (khó thở,tím tái),…
Người bị sốc phản vệ cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức và cần được tiêm Epinephrine (Adrenaline), nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng
Sốc phản vệ được chia thành 3 mức độ:
Diễn biến nhẹ: Người bệnh có những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nổi mề đay, mẩn ngứa, phù Quinke, buồn nôn hoặc nôn, tiêu tiểu không tự chủ, tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở,…
Diễn biến trung bình: Người bệnh hốt hoảng, choáng váng, lo âu, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, da tím tái, nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc không đo được.
Diễn biến nặng: Xảy ra trong những phút đầu tiên với triệu chứng dồn dập, người bệnh khó thở, tím tái, nhợt nhạt, mất mạch và huyết áp, có thể tử vong trong vài phút, kéo dài được vài giờ rất hạn hữu.
Biến chứng muộn có thể xảy ra sau sốc phản vệ như viêm cơ tim dị ứng, viêm cầu thận,… Hen phế quản, nổi mề đay, phù Quink có thể xuất hiện và tái phát nhiểu lần sau sốc phản vệ đã được điều trị vài tuần.
Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây sốc phản vệ thường gặp:
- Thuốc: Là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu, các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay bôi da đều gây sốc phản vệ nhưng đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
- Thức ăn: Các loại thức ăn có nguồn gốc động, thực vật đều có thể gây sốc phản vệ như cá thu, cá ngừ, tôm, cua, ốc, nhộng, trứng, sữa, dứa, khoai tây, đậu phọng (lạc), đậu nành, các loại hạt, các chất phụ gia,…
- Nọc độc côn trùng: Ong, rắn, rết, bọ cạp, nhện,…
- Các nguyên nhân khác: Phấn hoa, nhựa cây (mủ cao su),…
Lưu ý:
- Sốc phản vệ luôn là tai biến không chỉ gây hoang mang cho người nhà người bệnh mà còn cho cả y, bác sĩ điều trị. Nếu các triệu chứng xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Epinephrine (Adrenaline) là thuốc cần được tiêm ngay tức thì tại cơ sở y tế gần nhất.
- Trong thời gian chờ đợi y, bác sĩ cấp cứu hãy thực hiện các thao tác:
+ Đặt người bệnh nằm ở tư thế đầu thấp, chân cao;
+ Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh;
+ Nếu người bệnh bị nôn hoặc chảy máu miệng, nghiêng đầu sang một bên, đề phòng sặc;
+ Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy hồi sức tim phổi bằng cách ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt;
+ Kiểm tra xem nguyên nhân gây sốc phản vệ.
- Việc chẩn đoán và quản lý lâu dài người bị phản vệ rất phức tạp vì vậy người bệnh cần trao đổi thật kỹ với bác sĩ về tiền sử của bản thân khi bác sĩ kê đơn thuốc.
- Người bị phản ứng phản vệ một lần có nguy cơ phản vệ trong tương lai sẽ nặng hơn lần đầu, vì vậy người bệnh cần chú ý đến các chất mình đã từng bị phản ứng phản vệ (thuốc, thực phẩm, côn trùng, phấn hoa,…).
- Người có tiền sử dị ứng, hen và gia đình có người thân bị phản ứng phản vệ, nguy cơ mắc phải cao hơn bình thường./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận