Liên quan việc các trường đại học đăng công khai trên mạng danh sách sinh viên nợ học phí, nhiều sinh viên tiếp tục lên tiếng tranh luận việc này.
Nhiều trường đã gỡ danh sách nợ học phí
Sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh việc trường đại học đăng danh sách sinh viên nợ học phí, nhiều trường đã gỡ toàn bộ thông báo, danh sách "đòi nợ" sinh viên khỏi website trường.
Trong khi đó, sinh viên tiếp tục bàn luận sôi nổi về câu chuyện này. Hầu hết ý kiến đều không đồng ý với cách làm trên của các trường.
Một sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing cho rằng: "Các trường công khai trên mạng danh sách sinh viên nợ học phí là hết sức vô duyên. Thực tế ngân hàng cũng không đòi nợ người vay bị quá hạn nợ kiểu như vậy".
B. - sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, cho biết: "Tôi có tên trong danh sách sinh viên chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp học phí với món nợ vài chục nghìn đồng nhà trường công bố trên mạng. Tôi thật sự chưa biết vì sao tôi còn nợ với số tiền ít ỏi như vậy. Trường đòi nợ học phí như vậy khác gì làm nhục công khai?".
D. vừa tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP.HCM cho hay bạn có tên trong sách sinh viên tốt nghiệp còn nợ tài sản, phòng kế hoạch tài chính nhà trường công bố lên website do còn nợ học phí và lệ phí cấp bằng với tổng số tiền chưa đến 500.000 đồng.
Chính cách làm của trường đẩy bạn vào tình huống vô cùng ái ngại và "mất điểm" khi đi phỏng vấn tuyển dụng. "Thật sự tôi không biết mình còn nợ một ít học phí (hơn 300.000 đồng) như vậy vì tôi đã tốt nghiệp và chờ ngày nhận bằng. Còn lệ phí cấp bằng tôi nghĩ đến lúc nhận bằng sẽ nộp luôn.
Tôi có nộp hồ sơ tuyển dụng tại một doanh nghiệp, họ kiểm tra rất kỹ bằng cách tra cứu thông tin ứng viên… Đến lúc vào phỏng vấn, trưởng phòng nhân sự hỏi tôi sao lại có tên trong danh sách sinh viên tốt nghiệp còn nợ tài sản của nhà trường. Lúc đó tôi thật sự sốc khi bị trường công khai tên nợ học phí", D. chia sẻ.
Nên có phần mềm tra cứu thay cho công khai tên nợ học phí
Không ít sinh viên thừa nhận thực tế có những bạn chây ì trong việc đóng học phí nên các trường mới dùng đến biện pháp đăng danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng.
Song hầu hết sinh viên cho rằng có rất nhiều cách để nhà trường nhắc nhở sinh viên đóng học phí. Không nên làm tổn thương sinh viên bằng cách "bêu tên đòi nợ trên mạng".
"Bản thân tôi chưa từng nghĩ việc nhà trường công khai tên nợ học phí trên website là chuyện gì đó hệ trọng, nhưng giờ đọc báo cũng giật mình, lo lắng việc bị lộ thông tin cá nhân. Đúng là các trường nên gửi nội bộ hơn là đăng như thế này", một sinh viên chia sẻ.
Theo Trung Dũng - sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), không chỉ vụ nợ học phí, việc các trường đăng danh sách cảnh cáo học vụ hay buộc thôi học cũng là cách làm thiếu tế nhị.
"Các trường hoàn toàn có thể gửi email, tin nhắn riêng tới từng sinh viên để nhắc việc nộp học phí. Bên cạnh đó nhà trường cần tăng cường hỗ trợ sinh viên khó khăn bằng cách hướng dẫn các bạn làm đơn gia hạn học phí, miễn giảm học phí.
Sau khi đã làm tốt những việc trên mà sinh viên vẫn chưa nộp thì trường có thể áp dụng biện pháp mạnh và nghiêm khắc bằng cách thông báo qua tin nhắn hoặc email sinh viên 2 tuần trước khi thi, nếu không nộp thì khỏi thi", Dũng nói.
Trong khi đó nhiều sinh viên "flex" (khoe) cách làm của trường mình "vừa hợp tình vừa lý". Chẳng hạn sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM khoe trường mình tích hợp phần mềm tra cứu học phí trên website, giúp phụ huynh, sinh viên thuận tiện trong việc theo dõi, tra cứu công nợ.
Còn ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) hiện đã đưa vào sử dụng ứng dụng trực tuyến USSH-VNUHCM tương thích với nền tảng iOS và Android.
"Giao diện app cung cấp đa dạng các tính năng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên trong quá trình học tập. Sinh viên có thể tra cứu thông tin và thực hiện thanh toán học phí thông qua tài khoản ngân hàng liên kết rất thuận lợi" - Anh Chi, sinh viên của trường, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận