Bệnh nhân đóng viện phí tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 13-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện nay, hầu hết các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP (45/50 bệnh viện) đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chỉ mới kết cấu hai trong bốn yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải).
Các chi phí khác vẫn chưa được đưa vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin, chi phí quản lý, chi phí đào tạo…). Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ.
Thực tế, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện mà thiếu tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư…
Như vậy, nếu chuyển sang mô hình quản lý mới (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách được giao) thì bệnh viện luôn trong tình trạng có nhiều nguy cơ và rủi ro.
Do vậy Sở Y tế kiến nghị UBND TP cho thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện, hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện.
Đồng thời, hội đồng này cũng tham mưu UBND TP các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện, thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành (Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp…).
Trước đó, Sở Y tế đã phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách TP để hỗ trợ cho 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù cho nhân viên y tế.
Những khó khăn của các bệnh viện trong chi trả thu nhập tăng thêm là hệ quả của tự chủ bệnh viện chưa bền vững, đặc biệt là ở thời điểm hiện nay một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch COVID-19, số lượt khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu của bệnh viện giảm sút tương ứng.
Đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, kết quả đạt được rõ nét nhất là ngân sách TP chi cho lĩnh vực y tế đã giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (2020), một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn với sự xuất hiện những khoảng cách giữa các bệnh viện công lập với nhau, và các khoảng cách này ngày càng rõ nét hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận