Sáng 25-9, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đối với Sở Xây dựng TP.HCM.
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Trương Công Nam - phó chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết thời gian qua UBND TP.HCM, các sở, ban, ngành và các UBND quận, huyện, TP Thủ Đức đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch 3333 của UBND TP.
Từ đó trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực. Sau 5 năm thực hiện chỉ thị 23, vi phạm xây dựng giảm 80,2% so với trước thời điểm ban hành chỉ thị.
Tuy nhiên, theo ông Nam, việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, các đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng mà đối tượng vi phạm mở tài khoản; đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng.
Có những đối tượng vi phạm cố tình khóa cửa không để các đơn vị chức năng vào khảo sát thực tế hiện trạng trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế, một số trường hợp không có mặt tại nơi cư trú, chết, mất tích hoặc tổ chức giải thể, phá sản...
"Quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là quy định có hiệu quả để ngăn chặn các công trình vi phạm. Tuy nhiên hiện nay không có cơ sở pháp lý để thực hiện", ông Nam nói.
Phát biểu tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát yêu cầu giải trình rõ nhiều vấn đề về quản lý trật tự xây dựng. Trong đó đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, phân tích rõ tình hình vi phạm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Trao đổi lại, ông Lê Trần Kiên - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết kể từ khi thực hiện chỉ thị 23, việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đạt được hiệu quả nhất định.
"Hiện tại có thể nhận định chính xác là tình hình quản lý về trật tự xây dựng đã kiểm soát được tình hình. Tuyệt đối không có một công trình nào mà không được kiểm tra. Tất cả hành vi vi phạm về xây dựng đều được kiểm tra, xử lý đúng quy định", ông Kiên khẳng định.
Theo ông Kiên: "Sau khi có chỉ thị 23, việc phối hợp quản lý giữa các cơ quan tốt hơn, các cấp quản lý phát huy vai trò của mình.
Quan điểm sắp tới phải giữ được tỉ lệ này và kéo giảm xuống, không phát sinh thêm bất kỳ điểm nóng nào về vi phạm xây dựng trên địa bàn".
Phát biểu kết luận, ông Phạm Thành Kiên - phó chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng việc quản lý không thể đòi hỏi 100% địa bàn không có xây dựng sai phép, trái phép.
Tuy nhiên phải quản lý để tỉ lệ vi phạm thấp nhất, vi phạm đến đâu ngăn chặn, xử lý triệt để đến đó.
Theo ông Kiên, nếu lực lượng thanh tra của sở và các quận, huyện, TP Thủ Đức hay địa chính các phường, xã buông lỏng sẽ dễ phát sinh vi phạm trở lại.
Do đó ông đề nghị thanh tra cũng như các lực lượng quản lý về trật tự xây dựng ở các địa bàn phải tập trung cao nhất, không để phát sinh các điểm nóng về xây dựng.
Ông Kiên đề nghị mở rộng các kênh giám sát, trong đó có các kênh tiếp nhận phản ánh trực tiếp từ người dân để kịp thời ngăn chặn, xử lý các công trình vi phạm.
Cùng với đó có nhiều mô hình tuyên truyền để người dân làm đúng pháp luật. "Phản hồi, bà con tập trung thấy được ghi nhận sẽ tăng cường giám sát, báo cho các cơ quan", ông Kiên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận