Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: reuters.com
Nguyên nhân là do sự sụp đổ hàng loạt của các công ty phụ thuộc vào viện trợ của Chính phủ Nhật Bản trong thời đại dịch COVID-19. Một số nhà phân tích dự đoán rằng con số này có thể vượt 10.000 trong năm tài chính 2024 (kết thúc vào tháng 3-2025).
Theo dữ liệu công bố ngày 8-4 của Tokyo Shoko Research, các vụ phá sản doanh nghiệp liên quan đến các khoản nợ từ 10 triệu yen (66.000 USD) trở lên đã tăng 32% lên 9.053 trong năm tài chính kết thúc vào 31-3-2024. Trong lĩnh vực xây dựng, nơi giá vật liệu tăng vọt, tỷ lệ phá sản tăng 39% lên 1.777 vụ. Ngành bán buôn tăng 27%, lên 1.048 vụ.
Sự gia tăng các vụ phá sản phản ánh hoàn cảnh khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do lạm phát và thiếu hụt lao động, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chuyển từ giai đoạn nhận hỗ trợ thời COVID-19 sang một chu kỳ thành lập và phá sản doanh nghiệp thông thường.
Các vụ phá sản lan rộng khắp trên toàn Nhật Bản, trong đó Shikoku - hòn đảo nhỏ nhất trong bốn đảo chính của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tăng 57%.
Trong thời kỳ đại dịch, doanh nghiệp được hưởng lợi từ các khoản vay "0-0" (zero - zero), không cần trả lãi hoặc gốc trong một thời gian. Khi các thời gian ân hạn này kết thúc, các khoản nợ phải trả sẽ tăng vào năm 2023. Có 622 vụ phá sản trong năm tài chính 2023 tại các công ty nhận được khoản vay "0-0", tăng 14%.
Các vụ phá sản trong ngành nhà hàng, vốn nhận trợ cấp cho việc đóng cửa tạm thời hoặc giảm giờ làm, đã đạt mức cao kỷ lục 930 trong năm tài chính 2023.
Trong một cuộc khảo sát khác của Tokyo Shoko Research vào tháng 2-2024 với khoảng 3.000 công ty, chỉ 4% cho biết họ có thể lo liệu được toàn bộ chi phí nguyên vật liệu và nhiên liệu tăng lên, trong khi 38% trả lời là không.
Yamakon, một nhà bán buôn hải sản khô có trụ sở tại Nagoya, bị sụt giảm doanh thu do đơn đặt hàng từ các nhà hàng giảm trong khi chi phí cung ứng tăng vọt. Công ty đã nỗ lực để đối phó cho tới khi phải làm thủ tục phá sản vào tháng 11-2023.
Một quan chức việc làm ở vùng Tohoku, phía Đông Bắc Nhật Bản, lưu ý rằng tình trạng phá sản ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục gia tăng, đồng thời cho biết có một số lượng đáng kể người rời bỏ công việc do bị sa thải hoặc do các quyết định khác của công ty.
Một nhân viên ngành tài chính ở khu vực phía Nam Tokyo chỉ ra rằng "nhiều công ty sẽ phá sản vì giá nguyên liệu và nhiên liệu tiếp tục tăng". Ngoài việc hoàn trả các khoản vay và giá cả tăng cao, giới hạn về thời gian làm thêm giờ đã có hiệu lực trong ngành xây dựng và hậu cần từ tháng Tư này.
Trong bối cảnh ngày càng khó khăn trong việc tuyển dụng lao động như tài xế, số vụ phá sản do thiếu lao động đã lên tới 191 vụ trên tất cả các ngành trong năm tài chính 2023 và có khả năng còn tăng thêm.
Theo Nobuo Tomoda - Giám đốc điều hành của Tokyo Shoko Research,: "Sự gia tăng chi phí vận tải do tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực logistics sẽ có tác động lan tỏa đến nhiều ngành công nghiệp".
Lưu ý đến khả năng chi phí đi vay có thể tăng trong nửa cuối năm tài chính 2024 sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất, ông Tomoda cho rằng "đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các công ty đã xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên giả định lãi suất thấp và rất có khả năng số vụ phá sản sẽ vượt 10.000 trong năm tài chính 2024".
Trong khi các công ty đang gặp khó khăn đang rời khỏi thị trường, các công ty khởi nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Theo cơ sở dữ liệu khởi nghiệp ban đầu, việc gây quỹ khởi nghiệp vào năm 2023 ước tính đạt tổng cộng khoảng 850 tỉ yen. Mặc dù thấp hơn mức cao kỷ lục khoảng 970 tỉ yen vào năm 2022 nhưng con số này vẫn gấp 1,7 lần mức 500 tỉ yen của năm 2018.
Ông Seisaku Kameda, nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn Sompo Institute Plus, cho biết: "Nền kinh tế sẽ chỉ được hồi sinh nếu các doanh nghiệp có năng suất cao, lợi nhuận cao được tạo ra thay cho các công ty phá sản hoặc đóng cửa"./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận