Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM hôm 14-11 đã trình báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (quận 3) lên Hội đồng nhân dân thành phố, UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 1.850 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện 2024-2029.
Sự cần thiết đầu tư
Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đã được thanh lý, tháo dỡ từ tháng 2-2017 để triển khai dự án xây dựng mới theo hình thức đối tác công tư xây dựng - chuyển giao (BT).
Nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai vì nhiều lý do. Quan trọng hơn, thể thao thành phố đang rất cần những cơ sở thể thao để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và phục vụ cho thể thao thành tích cao của ngành.
Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao cho biết việc đầu tư xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là hết sức cần thiết để TP.HCM có được một cơ sở thể thao khang trang, hiện đại, đủ tiêu chuẩn cho các sự kiện thể thao, văn hóa tầm quốc gia và quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, góp phần phát triển kinh tế của thành phố.
Ngoài ra dự án cũng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, giới thiệu hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại, chú trọng phát triển các công trình phúc lợi xã hội.
Quy mô dự án
Năm 2016, dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng từng được UBND TP.HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.953 tỉ đồng, gồm 7 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Nhưng ngày 26-4-2024, UBND thành phố đã thông báo dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng theo hình thức BT, chuyển thành phương thức đầu tư công.
Thay đổi hình thức đầu tư nên dự án cũng có thay đổi so với ban đầu. Theo đó Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng dự kiến có 13 hạng mục thể thao với 2 khối nhà cao 3 tầng. Khối nhà thi đấu với 4 mặt khán đài, có sức chứa tối đa 4.900 khán giả, mặt chính hướng về đường Võ Văn Tần. Khối nhà tập luyện mặt chính hướng về đường Nguyễn Đình Chiểu, trên sân bố trí bãi xe ngoài trời cho VĐV.
Khoảng không giữa 2 khối nhà sẽ bố trí đường tập chạy 100m ngoài trời và bãi xe buýt dành cho các đoàn VĐV thi đấu. Ngoài ra còn bố trí 1 cầu kính bằng thép trên cao kết nối 2 công trình, cho phép các VĐV di chuyển từ khu tập luyện sang khu thi đấu.
3 tầng hầm và hầm lửng sẽ gồm các phòng chức năng sử dụng cho 2 khối kiến trúc bên trên, bố trí bãi đậu xe và hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ công trình. Số chỗ đậu xe bố trí sơ bộ đạt 745 xe ô tô, 2.458 xe máy.
Công trình rất có ý nghĩa với TP.HCM
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, báo cáo của sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một môi trường tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao khang trang, đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời là cơ sở để TP.HCM đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch, tạo động lực phát triển cho thành phố.
Về tác động của dự án đối với xã hội, báo cáo cho biết dự án sau khi hoàn thành sẽ trang bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu thể thao chuyên nghiệp, nghiệp dư, thể thao phong trào. Đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn quận 3 nói riêng và thành phố nói chung.
Dù vậy cũng có ý kiến khác cho rằng nên dùng tiền xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng để xây trung tâm TDTT ở nơi khác đã được quy hoạch như Rạch Chiếc, hoặc ở ngoại thành vì khu vực này ngày thường hay kẹt xe.
Hay biến khu đất này làm công viên cho người dân thay vì xây nhà thi đấu vì quận 3 còn thiếu công viên, trong khi gần đó cũng đã có nhà thi đấu thể thao Hồ Xuân Hương (quận 3), Nguyễn Du (quận 1).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-11, ông Nguyễn Nam Nhân - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết: "20 năm qua, TP.HCM chưa được xây mới công trình thể thao nào lớn. Bên cạnh đó khu đất này được TP.HCM quy hoạch để xây dựng trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa - thể thao, công trình phúc lợi rất có ý nghĩa đối với người dân thành phố.
Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất, duy trì lịch sử khi nơi đây là công trình thể thao đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Thứ hai, ý nghĩa với sự phát triển thể thao - văn hóa của TP.HCM. Hiện nay tổng quỹ đất của các công trình thể thao cấp thành phố chỉ có 225ha, con số tương đối hạn chế với quy mô thành phố hơn 10 triệu dân.
Theo ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM, khi xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng phải tính tới công năng của công trình, không chỉ gói gọn trong thể thao. Đây còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của TP.HCM ngay ở khu trung tâm".
Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng
Năm 2024: Lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Năm 2025: Thi tuyển phương án kiến trúc (nếu có); lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (vốn phân bổ cho giai đoạn này 10 tỉ đồng).
Năm 2026: Lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị; khởi công xây dựng công trình (vốn phân bổ cho giai đoạn này 693 tỉ đồng).
Năm 2027: Thi công phần ngầm, phần thân (vốn phân bổ cho giai đoạn này 935 tỉ đồng).
Năm 2028: Thi công hoàn thiện công trình, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán dự án đầu tư (vốn phân bổ cho giai đoạn này 198 tỉ đồng).
Năm 2029: Quyết toán dự án (vốn phân bổ cho giai đoạn này 14 tỉ đồng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận