09/10/2021 12:36 GMT+7

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ cuối: Người ở đầm phá mà hồn trên bờ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Các xóm vạn trên đầm phá ngoài con đò lênh đênh, 'không có cục đất mà quăng con chó', nói chi đến đất đai chôn cất mồ mả nên tâm thế họ luôn mong ước lên bờ.

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ cuối: Người ở đầm phá mà hồn trên bờ - Ảnh 1.

Phiến đá mốc giới của 3 vạn đò trên phá là Phao Võng, Tăng Sà và Thủy Bạn khắc năm 1821 cắm ven phá đoạn xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Khu vực đầm phá, biển ven bờ Thừa Thiên Huế từ lâu đã được đánh giá như một trong những số ít lãnh thổ của nước ta có cảnh quan thiên nhiên lẫn nhân tạo đa dạng, độc đáo, hấp dẫn và thơ mộng..., lâu nay cùng góp phần không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó bao gồm cả du lịch khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái khu vực".

(Trích sách Địa chí Thừa Thiên Huế)

Phao Võng làm đẹp cho đời

Hai người đàn ông trên đầu hai mũi ghe cạnh nhau cùng vặn mình quăng tay lưới tung ra hai phía. Đám lưới vây tròn trên không và cùng rớt xuống ôm lấy mặt nước một cách đều đặn dưới ánh nắng sớm. Trên bờ, hàng chục tay máy bấm lia lịa, thu vào máy những hình ảnh tuyệt đẹp... 

Hình ảnh đó rất thường xuyên bắt gặp trên sông Hương gần cầu Trường Tiền, hoặc trên sông Thọ Lộc đoạn gần cầu Vỹ Dạ, TP Huế.

"Diễn viên" chính là ông Phạm Văn Tràm và các con trai, người xóm Phao Võng ven đường Hàn Mặc Tử, phường Vỹ Dạ, TP Huế. Nay tuổi 63, ông Tràm rất hăng chuyện nghề quăng lưới truyền thống của mình: "Ảnh tui tầm cỡ thế giới, nhiều nước, nước mô cũng có, hàng chục nghệ sĩ nước ngoài, trong nước cứ về chụp tui, đoạt giải quốc tế nhiều lắm. Rứa mà tui vẫn nghèo, chỉ ước ao chi có tiền sắm cái chài đẹp, quăng nhìn cho sướng mắt".

Ông khoe tổ tiên mình tung chài nhứt hạng nổi tiếng từ xưa, và khoe bức ảnh tung chài tuyệt đẹp của một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Gia Lai đang treo trên tường. "Ảnh tui đó. Tung chài đẹp như rứa chỉ có người Phao Võng thôi, tụi tui dân tung chài mà" - ông nói đầy tự hào. 

Diễn giải nghề này, ông nói khó nhất vẫn là cái thế, góc và thời điểm buông tay sao cho lưới bung lên rồi giăng đều xuống nước tạo nên hình ảnh no tròn. Ông cũng tự hào mình được mời tung chài trên sông Hương trong những kỳ festival ở Huế, tạo nên không biết bao nhiêu bức ảnh làm đẹp cho đời.

Phao Võng có nghĩa tung chài, nằm trong số khá nhiều cộng đồng lấy tên theo nghề đánh bắt chủ đạo trên mặt nước, đặc điểm đặc biệt của cư dân đầm phá. 

Xóm Phao Võng này từ vạn đò sông Hương lên bờ khoảng sau cơn bão Cecil năm 1985, còn nguồn gốc xa xưa sống trên mặt phá và từng sở hữu một phần mặt nước phía nam của đầm phá Tam Giang. 

Tại gành đá ven đầm phá thuộc thôn Hòa An, huyện Phú Lộc hiện còn phiến đá mốc giới thủy vực ba xóm vạn Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, Tăng Sà nghĩa là "rớ bè" (có ý kiến cho biết tăng sà là cái "chàng" canh giữ nò sáo). Còn Thủy Bạn tức nhóm người làm nghề sông nước. Thời Nguyễn, nổi tiếng hơn cả vẫn là "tổng vạn" Võng Nhi (tạm hiểu: làm lưới đầm cạn) chuyên đánh bắt cá phục vụ kỵ giỗ cho triều đình...

Cư dân đầm phá từng hình thành ít nhất 12 vạn lấy tên theo nghề, mỗi vạn có những ước lệ riêng, sinh hoạt cộng đồng riêng và thể lệ nộp thuế riêng. Bao gồm: vạn sáo, vạn lưới, vạn câu, vạn rớ, vạn ruỗi (buôn bán cá)... 

Ở trong mỗi nghề, người ta cũng chia thành các "tiểu vạn". Trong vạn nghề sáo có các "tiểu vạn": sáo cao đăng (còn gọi sáo vời đóng ở độ sâu hơn 2m); sáo đoản đăng (đóng sâu khoảng 1,5m). Vạn nghề lưới có các "tiểu vạn": lưới thệ, lưới mòi, lưới bạc, lưới rụi, lưới kìm, lưới dạy. Vạn nghề câu có câu kiều (không mồi) và câu vàng...

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ cuối: Người ở đầm phá mà hồn trên bờ - Ảnh 3.

Người Phao Võng tung chài trên sông Hương - Ảnh: TRƯƠNG VỮNG

Từng phải gánh thi thể lên bờ chôn lén

TS sử học Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng ngư dân đầm phá Tam Giang nằm trong dòng lưu dân người Việt vào đất phương Nam ngay từ thời Trần thế kỷ 14 và đông dần vào thời Lê. 

TS Tiến xác định: "Trong quá trình di dân khai phá đất mới, bên cạnh bộ phận cư dân nông nghiệp từ Bắc kéo vào Nam cũng có nhiều cộng đồng cư dân vốn sống bằng nghề chài lưới đi cùng. Họ đến vùng đất châu Hóa với khát vọng tìm kiếm một tương lai tươi sáng, và đã dừng chân bên bờ đầm phá để tiếp tục nghề cũ".

Khác với làng biển ổn định trên bờ, có đầy đủ thiết chế văn hóa (đình, chùa, am, miếu, nghĩa địa...), dân vạn nghề trên phá hầu hết "chẳng có gì" ngoài con đò lênh đênh. Vì vậy, mồ mả tứ tán. 

Hay nói như ông Phạm Văn Tràm ở Phao Võng: "Người vạn tui vô chi điền địa, nói xin lỗi chú, cục đất không có mà quăng con chó". Trường hợp gia đình mình, ông Tràm cho biết ông cố nội, bà nội và cha của ông chôn ở làng Hải Cát, trong khi ông nội của ông chôn ở làng Triều Sơn...

Cũng vì không có đất, dân vạn đò thường lén lút đêm hôm lên chôn người mất ở các làng trên bờ. Vì vậy, dân vạn thường không dám khóc mỗi khi có người chết, sợ các làng trên bờ hay biết mà tổ chức canh phòng. Nguyên xưa vạn Thủy Tú sở hữu mặt nước rất rộng, cho thuê thu tiền chia cho dân rất khấm khá, song mỗi khi có người chết là họ đem chôn lén nhiều nơi. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Đăng cho biết dưới thời Tự Đức, có trường hợp vạn Thủy Tú có người chết lén chôn ở cồn mồ làng La Khê ven hạ nguồn sông Hương. Giữa đêm, khi vạn Thủy Tú gánh quan tài lên bờ, gặp nhóm người làng La Khê theo dõi, hai bên đã đánh nhau.

Người ta kiện nhau lên đến quan huyện, quan huyện xử không được nên đưa lên cấp trên. Đến Bộ Hình cũng không biết xử cách nào vì người ta không có đất chôn. Sự vụ lên đến nhà vua. 

"Khi đọc vụ tranh chấp, nhà vua đã phê một câu rất hay: "Sinh phù cư thủy diện, khởi tử táng ư giang tâm", tức khi sống trôi nổi trên mặt nước, chẳng lẽ chết chôn giữa dòng sông hay sao?". Khi đưa đơn về huyện, huyện nghĩ cách họp làng La Khê lại, cắt thành cái cồn giữa dòng sông cho người Thủy Tú táng người chết. Nhà vua trước đây giải quyết việc tận địa phương một cách thấu đáo như thế" - nhà nghiên cứu Phan Đăng cho biết.

Ước nguyện lên bờ

Làng Tăng Sà nhỏ hẹp dưới chân núi Thúy Vân, gồm mấy chục hộ dân sống quanh nhà thờ họ Nguyễn Đăng (Vinh Hiền, Phú Lộc). Dân vạn Tăng Sà xưa đã mua lại một phần mặt nước của làng Hà Trung để làm nghề. 

Cụ Nguyễn Đăng Thiệp, một cao niên người làng, cho biết tổ tiên mình đã may mắn mua được đám đất mấy sào của làng Vinh Hòa, ngoài phần làm đình, phần còn lại thì làm nghĩa địa. Hồi đó, người trong vạn tỏa đi khắp các dải đất ven chân núi Ngũ Phong và hàng chục cồn bãi thuộc các làng ven phá tìm mồ mả người làng đem về cải táng. 

"Cũng nhờ đám đất này mà về sau, con cháu vạn Tăng Sà lên bờ sinh sống. Dân làng tui luôn luôn nhớ ơn làng Vinh Hòa nhượng đất cho làng là vì rứa" - cụ Thiệp nói.

Ước muốn định cư trên bờ là thường trực của mọi dân thủy diện, cuộc "đại trường chinh" ấy diễn ra suốt hàng trăm năm qua. 

Ngoài việc mua đất như làng Tăng Sà khá phổ biến trước đây, có khá nhiều phương thức được "vận dụng" như: chiếm đất; ăn cắp giấy tờ điền địa; chính quyền cấp đất định cư. Có nhiều trường hợp phải đổi cả họ mới được nhập cư trên bờ...

Trong thế kỷ 20, có 2 đợt định cư lớn cho dân vạn từ phá lên bờ: đợt đầu thời chính quyền họ Ngô khoảng thập niên 1960, và đợt sau bão Cecil năm 1985. Mặt nước đầm phá từng dày đặc cư dân vạn đò, sau nhiều đợt lên bờ định cư như thế, dân vạn trên phá đến nay đã thành dĩ vãng.

Hiện nay, đầm phá Tam Giang là nơi đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của gần 10 vạn dân cư tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 6: Những tập tục ngược đời của dân sóng nước Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang - Kỳ 6: Những tập tục ngược đời của dân sóng nước

TTO - Cư dân đầm phá Tam Giang ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay vẫn còn giữ nhiều tập tục khá kỳ lạ, phần nhiều "phải làm ngược với dân trên bờ mới đúng"...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên