Hai con bồ nông người dân bắt được trên đầm phá tháng 1-2019, sau đó được thả về tự nhiên - Ảnh: HÀ VĂN TUYỂN
Một khu vực bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh tràm chim đang được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tại vùng đầu nguồn Tam Giang.
Đầm phá Tam Giang là nơi quan trọng không chỉ đối với các loài chim nước di cư mà còn cả các loài chim di cư thuộc bộ sẻ - passeriformes (các họ sẻ đồng, chào mào, đuôi cụt, đớp ruồi, chích...), trong đó có chích đớp ruồi mày trắng (VU-danh lục đỏ IUCN). Một số loài chim nước di cư, trú đông quan trọng như: choắt chân màng lớn (NT-danh lục đỏ IUCN), các loài vịt, choắt, choi choi...".
TS Lê Mạnh Hùng
Chim quý dừng chân
Làng chài Bãi Quả thuộc thị trấn Phú Lộc hướng ra đầm Cầu Hai, là mặt nước cực nam của vùng đầm phá Tam Giang. Hôm tôi ghé hỏi về "người bắt được chim bồ nông" thì một người đàn ông trung niên nói liên tù tì: "Đây có mấy người bắt được, ông Su ở đây, ông Nhứt bên tê.
Con chim to nớ hắn dễ thương. Mà dân đây hiền lắm, bắt được đem về rồi thả lên trời chứ không làm thịt ăn mô"... Ông Ngô Su, người từng bắt được bồ nông đang ngồi chuyện trò với hàng xóm trước hiên nhà, kể chuyện bắt con bồ nông với tôi rất sôi nổi nhờ có phần phụ họa của hàng xóm.
Ông Su kể những ngày đầu năm 2019, người ta kháo nhau có "bầy chim to gần bằng người" lai vãng, chao liệng khắp nơi quanh vùng đầm Cầu Hai. Thế rồi mọi người rủ nhau đi coi chim lớn khi ông Lê Nhất ở làng chài Đông Lưu thuộc xã Lộc Trì cạnh bên bắt được.
Ít hôm sau, khoảng 17h ngày 6-1-2019, ông và vợ tiến ghe ra đầm Cầu Hai, từ xa đã thấy cái gì nhấp nhổm trong trộ sáo (dụng cụ khai thác thủy sản) của mình. Lại gần, đúng là con chim to như của ông Nhất đang bơi lúi húi trong sáo đoạn gần nò.
"Khi tui tới thấy hắn loay hoay thụt lui thụt tới nhưng không có cách chi thoát ra được. Tới gần, hắn thốp thốp mổ nhưng miệng mỏng không đau. Tui ôm hắn lên đò, kêu vợ chở về. Chắc là hắn vô sáo ăn cá nên không ra được, không có chỗ lấy đà bay lên mới bị mắc kẹt trong sáo" - vừa kể, ông vừa khoác tay diễn tả.
Ông Su thử đặt lên cân, chim nặng 8,7kg, cao hơn 1,5m, sải cánh gần 3m, chân có màng bơi như vịt. Trên cánh trái có gắn "cục nhựa" định vị, có mã QR, các ký hiệu và số: "SN:HQ081, imei:861359038512123, HQBG5037S" và số điện thoại mã vùng Trung Quốc +86-0731-85568037.
Người dân trong làng và trong vùng kéo tới xem đông như trẩy hội. "Vui nhứt là khi cho hắn ăn, mỗi lần nửa ký cá vụn mà không thấm béo chi. Có người cầm cái tô sứ đôi, hắn chụp bằng miệng đưa vô cái mang phùng nơi cổ, thấy không ăn được thì nhổ ra, như con khỉ rứa đó. Hắn dễ thương lắm, có hắn rộn làng rộn xóm cũng vui" - bạn hàng xóm ông Su chen vô câu chuyện.
Đại diện chính quyền xã đến đề nghị giữ chim không bán, không làm thịt. Ngày 8-1-2019, cán bộ tỉnh và các nhà chuyên môn đã có mặt chụp hình, đo đạc, nghiên cứu. Trong ngày, hai con chim ông Su và ông Nhứt bắt được đã được chở ra giữa đầm phá thả bay lên trời.
Theo xác định của TS Lê Mạnh Hùng - chuyên gia điểu học thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), đây là loài bồ nông chân hồng (pelecanus onocrotalus). Loài chim thuộc hàng quý hiếm, trong vòng 50 năm chỉ có 1-2 lần ghi nhận tại đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 40 năm trước).
Hai con bồ nông nói trên vốn được nhập từ châu Phi về Trung Quốc, nằm trong đàn được nuôi bán hoang dã tại một vườn thú tỉnh Quảng Châu...
Gà nước mày trắng Porzana cinerea, loài chim quý phát hiện tại tràm chim đầu nguồn Tam Giang năm 2020 - Ảnh: Nguồn Sở NN-PTNT Thừa Thiên Huế
Vườn chim kỳ diệu
"Mấy đàn hơi nâu nâu nớ là vịt trời đó. Còn mấy con bay lẻ bên tê là cò. À, đám mười mấy con đang lượn tít đầu nớ hình như là chim trích..." - anh Hồ Quốc nói như hét trong tiếng lạch phạch của máy nổ con đò và những trận gió vùn vụt.
Chiều muộn, từ lạch nước ở thôn Lai Hà (Quảng Thái, Quảng Điền), con đò thẳng tiến ra mấy đảo nổi giữa mặt nước mênh mông vùng cửa sông Ô Lâu, vùng cực bắc của đầm phá Tam Giang.
Trong tôi vương chút sợ hãi, nhưng thoáng trông vẻ rắn rỏi và điềm tĩnh, chứng tỏ là một tay lái cừ khôi của Quốc làm tôi phần nào yên tâm trước những lần con đò chao đảo vì sóng lớn.
"Đây là cồn Chặng Nhứt, tui đã trồng mấy héc (ha) bần, tràm Úc năm trước, chừ nhiều loài chim về sinh sôi nảy nở, rồi đủ thứ con đang sống trong đó" - Quốc diễn giải khi kéo tôi từ đò lách qua hàng bần bước lên con đê đá đã phủ xanh đầy cây bụi, dây leo.
Là người rất thông thuộc vùng cửa sông này nên anh Quốc được ngành nông nghiệp tỉnh thuê trồng rừng ngập ngọt để phục hồi sân chim vào năm trước.
Sau hơn một năm, từ một cồn nổi lác đác vài cây bụi, nay đã trở nên rậm rạp, xanh tốt bởi tràm Úc, bần nước nhập về được trồng mới, xen kẽ với nhiều loại cây bụi, cây gai bản địa phục hồi, trở thành ngôi nhà chung của rất nhiều loài chim.
"Năm ngoái, đám vịt trời chỉ vài chục con, năm ni đã trăm mấy con rồi, mà chưa tới mùa. Cò mấy năm trước cũng lác đác, chừ đậu trắng đầu nớ. Nhiều loài tưởng chừng bị bắt mô hết, chừ cũng thấy trở lại, hình như hắn đang phục hồi tốt nhờ đám rừng mới trồng ni, mừng thiệt" - Quốc chỉ từng vị trí vừa diễn giải.
Anh cho biết kế hoạch được báo sắp tới khả năng mình sẽ tiếp tục được thuê trồng cây ngập ngọt tại cồn Thót, cồn Thồ Hàm và cồn Bợc Đông. "Nếu cây cối um tùm như cồn Chặng Nhứt và bảo vệ kỹ, không ai bắn phá thì ở đây chim sẽ về rợp trời" - Quốc nói.
Ông Phan Sang cùng thôn với ông Quốc cho biết trước khi người ta chặn dòng để xây dựng đập Cửa Lác, khu vực này "tha hồ chim". Thỉnh thoảng có một số con chim "to như người, sải cánh mấy mét" lượn lờ hai ba hôm. Nhiều loại như sâm cầm, vịt trời lông tía tới mùa hàng đàn bay về rợp cả trời.
Mùa gặt, chim "rôộc rôộc" không hiểu từ đâu mà bay nhảy rất nhiều, đám con nít "bắt được từng xâu". Cò thì rất nhiều mà không ai thèm bắt, chỉ nhắm chim triết, cao như con cò, thân hình to hơn.
Người dân cũng thích chim nghịch, khá to, cổ cao, lông đà, khi tìm thức ăn ngúc ngắc như gà nên gọi gà nước. Các loài như chim trích, chim đỏ mòng, chim đằm đắm... vùng này nhiều vô kể. Nhưng đó chỉ là chuyện của ngày trước, sau này chim càng ngày càng ít dần, thậm chí một vài loài sau này vắng bóng.
Được biết, cồn Chặng Nhứt nằm trong 157,3ha vùng lõi - bảo vệ nghiêm ngặt của 1.270,2ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định thành lập ngày 20-2-2020.
Khu vực này được xác định có 72 loài chim, trong đó có 8 loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn như: chích đầu nhọn mày trắng, diều trắng (elanus caeruleus), ó cá (pandion haliaetus), diều ăn ong, ưng Nhật Bản, diều Ấn Độ (butastur indicus), diều đầu trắng (circus spilonotus) và cắt lớn (falco peregrinus).
Ngoài ra, khu vực này còn ghi nhận có 48 loài cá với bốn loài trong danh lục đỏ IUCN (2020) và Sách đỏ VN (2007); 28 loài bò sát với 5 loài có giá trị bảo tồn nằm trong Sách đỏ VN cùng nhiều loài động thực vật quan trọng khác...
Theo nhận xét của TS Lê Mạnh Hùng: "Tràm chim Ô Lâu - Quảng Thái đã từng ghi nhận nhiều loài chim di cư, trú đông với số lượng lớn như các loài vịt trời, mõng két, rẽ, choắt...
Hiện quần thể trú đông đã giảm sút do việc phá sinh cảnh tự nhiên để xây dựng đập Cửa Lác và trồng lúa nước. Tuy nhiên, nếu có thể tái tạo phục hồi sinh cảnh (cỏ lác) như trước kia thì nhất định các loài chim sẽ di cư về trú đông".
*********
Cư dân đầm phá đến nay vẫn còn giữ nhiều tập tục khá kỳ lạ, phần nhiều "phải làm ngược với dân trên bờ mới đúng"...
>> Kỳ tới: Phong tục kỳ lạ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận