15/12/2019 06:31 GMT+7

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Đầu năm học 2019-2020, 8 giáo viên Trường mẫu giáo Hoa Pơ Lang (Đắk Nông) không được tái ký hợp đồng. Sợ trò phải nghỉ học giữa chừng, lang thang lên nương rẫy giữa cái lạnh như cắt, các cô tình nguyện ở lại.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 1.

Cô H’Ny dạy các học trò tại điểm trường Hoa Pơ Lang - Ảnh: TRUNG TÂN

Hàng ngày, trong ngôi trường đầy tiếng trẻ bi bô hồn nhiên là bao nỗi vất vả lặng thầm của các cô giáo trẻ. Trường có hai phân hiệu và điểm trường đặt tại bon Đắk Snao 1 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cách trung tâm xã gần 20km. 

Với khoảng cách ấy, đây gần như là nơi duy nhất để các bé được đi học. Ba lớp học được tận dụng từ các lớp học của một trường tiểu học cũ và một khu nhà công vụ cho gia đình các giáo viên tá túc, cũng đang xuống cấp.

"Không nỡ bỏ các con"

Khi chúng tôi đến, lớp mẫu giáo cho các bé 5 tuổi của cô H’Ny (28 tuổi, dân tộc M’Nông) đang đọc: "Chú gà con/cái mỏ xinh xinh/cái chân bé xíu/ơi chú gà ơi/ta yêu chú lắm…". Các bé hào hứng theo nhịp tay cô giáo đưa lên, đưa xuống. Cô giáo hỏi ai thuộc bài thơ, cả lớp tranh nhau: "con thuộc", "con cũng thuộc". 

Cô H’Ny cho biết các bé trong trường phần lớn con em người H’mông, theo cha mẹ di cư từ phía Bắc vào, cuộc sống vô cùng vất vả.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 2.

Cô giáo H’Ny đón trẻ vào lớp học - Ảnh: TRUNG TÂN

"Gắn bó với trẻ quá lâu rồi nên cũng không nỡ rời xa các con. Hơn nữa, cha mẹ các bé ngày ngày lên nương rẫy nên ít quan tâm được con cái. Nếu không đến lớp, các bé phải theo cha mẹ hoặc lang thang khắp các con đường, bờ suối trong thời tiết giá lạnh. Mình thấy vậy rất tội và nguy hiểm nên bỏ mặc không đành" - cô H’Ny tâm sự.

Nhà cô H’Ny cách trường hơn 10km. Mỗi ngày cô phải dậy rất sớm lo cho con ăn uống để còn đến lớp kịp giờ đón trẻ. Đã hai năm như vậy, H’Ny sớm đi, chiều về không bỏ lớp một ngày nào, ngay cả khi không được ký hợp đồng giảng dạy nữa.  

Còn cô giáo Nguyễn Thị Dung (29 tuổi) nhà ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) - cách nơi dạy gần 100km - nên cũng phải ở nhà công vụ. Vợ chồng cô Dung có hai con trai, cháu đầu phải gởi ông bà nội chăm sóc, còn cháu sau cô Dung đưa theo vào trường. Hàng ngày cô vừa dạy các bé, vừa chăm sóc con. 

"Cuộc sống vất vả. Có khi cả tháng mới về thăm nhà được một lần. Mấy tháng nay không có lương, phụ cấp sống nhờ vào tiền chạy taxi của chồng nên cũng ít về thăm nhà" - cô Dung ngậm ngùi.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 4.

Do thiếu người, mọi việc tại điểm trường đều do các cô giáo tự lo. Trong ảnh: cô H’Ny sửa một đoạn ống nước bị hư hỏng – Ảnh: TRUNG TÂN

Cô Dung cho biết thêm, cô là giáo viên hợp đồng từng năm nên 9 tháng có lương, 3 tháng hè đi làm thuê kiếm sống. Đầu năm 2019, không tiếp tục ký hợp đồng, các cô rơi vào cảnh thất nghiệp. "Chúng tôi đã rất buồn nhưng rồi bàn nhau phải ở lại, gắng gượng một thời gian để cấp trên tìm cách. Nếu cùng lúc cả 8 cô giáo nghỉ, hàng trăm cháu nhỏ sẽ không ai dạy dỗ, chăm sóc", cô Dung trăn trở.

"Cuộc sống vất vả. Có khi cả tháng mới về thăm nhà được một lần. Mấy tháng nay không có lương, phụ cấp sống nhờ vào tiền chạy taxi của chồng nên cũng ít về thăm nhà" - cô Dung ngậm ngùi.


Nhỏ tuổi nhất nhưng cô giáo Ngô Thị Thanh (25 tuổi, trú huyện Krông Ana, Đắk Lắk) lại có "thâm niên" nhất trong các cô giáo dạy hợp đồng tại Trường mầm non Hoa Pơ Lang. 

Tốt nghiệp trung cấp mầm non, Thanh được nhận về dạy hợp đồng tại trường. Ở đây, cô quen và lập gia đình với một công nhân cạo mủ cao su quê ở Quảng Bình. 

Không đất đai, thu nhấp thấp nên hai vợ chồng cũng ở tạm nhà công vụ, trong căn phòng rộng chưa đến 20m2.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 6.

Sau giờ dạy, các cô giáo sống, sinh hoạt trong những căn phòng tạm bợ trong khuôn viên trường - Ảnh: TRUNG TÂN

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 7.

Căn phòng của gia đình cô giáo Ngô Thị Thanh - Ảnh: TRUNG TÂN

"Thu nhập của chồng chỉ 3-4 triệu/tháng và cũng bấp bênh theo thời vụ. Vậy nên khi bị cắt hợp đồng, gia đình mình đã rất khó khăn nhưng cứ nghĩ đến việc trò phải nghỉ học lại không nỡ bỏ. Vậy nên mình đi vay mượn, cuối tuần rảnh, mình đi hái cà phê thuê cho người dân để kiếm thêm thu nhập", cô Thanh cho biết.

Vì chồng ngày ngày đi cạo mủ, vợ phải lên lớp nên mẹ chồng của Thanh từ Quảng Bình vào ở cùng để chăm sóc cháu nội gần 2 tuổi.  

Ngoài tình thương với trò, các cô giáo tâm sự đang rất hy vọng sẽ có biên chế trong dịp tới vì mọi người vừa trải qua kỳ thi tuyển viên chức giáo dục của huyện. 

"Khi không được ký hợp đồng, tụi mình tình nguyện ở lại dạy và nghĩ duy trì được đến lúc nào hay lúc ấy. Nhưng hai tháng trước, khi biết có kỳ thi tuyển, tụi mình đã rất vui mừng, chờ đợi. Nếu tất cả các cô giáo dạy tình nguyện đều trúng tuyển, đó là niềm hạnh phúc rất lớn cho chúng tôi", cô Dung kỳ vọng.  

300 trẻ chỉ 3 biên chế

Nói về việc này, bà Nguyễn Thị Oanh - hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang - cho biết các cô giáo đứng lớp đều là giáo viên hợp đồng của trường và đầu năm học này không được ký nữa.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 9.

Các cô giáo cho biết, do phụ huynh các bé bận lên nương rẫy, ít có thời gian chăm sóc con cái nên nếu không đến lớp, các bé sẽ lang thang ngoài đường, bờ suối rất nguy hiểm - Ảnh: TRUNG TÂN

Thế nhưng, trường có hơn 300 trẻ với 11 lớp học nhưng chỉ có 3 biên chế. Nếu cả 8 cô giáo cùng lúc nghỉ thì trường sẽ không thể tiếp tục duy trì việc dạy và học vì quá thiếu giáo viên. 

"Thương học trò, lo các cháu thất học nên các cô tự nguyện đến lớp dạy không lương. Hai tháng gần đây, thấy các cô quá vất vả, UBND huyện đã hỗ trợ cho mỗi cô giáo 3 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguồn động viên vật chất, tinh thần rất lớn để các cô giáo thắp lên niềm hy vọng", bà Oanh nói.

Bà Oanh cho biết thêm, cả 8 giáo viên dạy tình nguyện tại trường vừa trải qua cuộc thi tuyển viên chức giáo dục. Nếu cả 8 cô giáo đều trúng tuyển, trường vẫn thiếu thêm 11 biên chế nữa để duy trì việc dạy học tại tất cả các điểm trường. 

"Tuy nhiên, tới đây huyện sẽ giao trước 13 biên chế cho trường để tạm thời đảm bảo công tác dạy và học. Nếu các cô giáo đang dạy tình nguyện ở trường trúng tuyển, đó là niềm vui rất lớn cho cô trò nơi đây", bà Oanh mong mỏi.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 10.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung dạy các bé dán hoa lên vở để trang trí – Ảnh: TRUNG TÂN

Nói thêm về việc này, ông Vũ Tá Long - chủ tịch UBND huyện Đắk Glong - khẳng định năm nay địa phương "gặp khủng hoảng" về việc thiếu giáo viên. Nhiều nơi không có giáo viên mầm non để duy trì các điểm trường. 

Đầu năm, nhiều cô giáo không được tái hợp đồng đã đăng ký ở lại dạy tình nguyện nhưng cũng đành bỏ cuộc sau vài tháng. Chính vì vậy, việc các giáo viên trên địa bàn, đặc biệt 8 cô giáo ở Hoa Pơ Lang bám trụ đến nay là điều rất đáng trân trọng, giảm phần nào áp lực của địa phương.

"Từ đầu năm học đến nay, huyện đã vận động nhiều nguồn, chủ yếu từ kêu gọi các mạnh thường quân để có kinh phí  hỗ trợ cho các giáo viên bám bản, bám trường. Hai tháng gần đây, huyện đã hỗ trợ cho 29 cô giáo mầm non dạy tình nguyện với mức 3 triệu đồng/tháng/cô để chia sẻ phần nào những khó nhọc của giáo viên", ông Long cho biết.

Sợ trò mất lớp đi lang thang, 8 cô giáo tình nguyện xin dạy không lương - Ảnh 11.

Cô H’Ny dạy các học trò tại điểm trường Hoa Pơ Lang - Ảnh: TRUNG TÂN

Cũng theo ông Long, toàn huyện thiếu gần 200 giáo viên mầm non và hiện đã được tỉnh cho 125 chỉ tiêu chỉ tiêu để đảm bảo công tác dạy và học trước mắt. 

"Huyện đang trong quá trình làm thủ tục, ra quyết định để đưa giáo viên về các điểm trường chưa có hoặc thiếu giáo viên. Chúng tôi sẽ cố gắng bổ sung biên chế về các trường vào đầu tháng 1-2020", ông Long thông tin.

"Toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên"

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, việc thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm và đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó thiếu gần 800 biên chế bậc mầm non.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết trong các năm qua, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như hợp đồng từng năm, chuyển đổi biên chế từ kế toán, văn thư làm giáo viên bằng cách cho đi học nghiệp vụ sư phạm.

"Giữa học kỳ 1 năm học này, Bộ Nội vụ đã cho Đắk Nông hơn 600 biên chế để phân về các trường. Hiện tỉnh đã giao các địa phương tổ chức thi, xét tuyển để sớm giao các biên chế này về các trường, đảm bảo sớm ổn định việc dạy và học trong thời gian sớm nhất", bà Hạnh nói.

Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc Hiệu trưởng giúp giáo viên hạnh phúc

TTO - Nhà trường, mà đặc biệt là người hiệu trưởng, có thể làm gì để giáo viên hạnh phúc?

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên