Đấu giá 3 mỏ cát: "Họ cứ trả thì chúng tôi tiếp tục làm"
Liên quan tới phiên đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội được tổ chức xuyên đêm và sau đó chốt với giá gần 1.700 tỉ đồng (cao gấp nhiều lần giá khởi điểm), sáng 7-11, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để tìm hiểu thêm về sự việc.
Nói về thời gian đấu giá kéo dài xuyên đêm, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đây "là quyền của khách hàng", bởi quy định của Luật Đấu giá là "đấu tới cùng".
"Họ cứ trả thì chúng tôi tiếp tục làm" - vị này nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng mức giá gần 1.700 tỉ là quá cao so với giá thị trường, lo ngại việc các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá sẽ "bỏ cọc", vị này cho biết mọi tình huống đều có thể xảy ra, tuy nhiên đến nay "chưa có gì bất thường".
Với mức giá được chốt cao như trên, dư luận đặt câu hỏi liệu có tình trạng trữ lượng thực của các mỏ cát vừa trúng đấu giá nhiều hơn trữ lượng được công bố, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khẳng định việc xác định trữ lượng đã được thực hiện chính xác.
"Việc xác định trữ lượng, giá khởi điểm và các bước giá đã được thực hiện theo đúng quy định, có công thức hẳn hoi. Tất cả đều có công thức chứ không có ai dám tự đặt ra giá khởi điểm. Còn kết quả trữ lượng thì có cả một hội đồng đánh giá và trữ lượng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt" - vị này thông tin.
Lo ngại việc "giấu trữ lượng"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tống Văn Nga - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho rằng cát trước đây là vật liệu xây dựng thông thường, được giao cho các địa phương quản lý.
Tuy nhiên hiện nay, theo ông Nga, cát đã trở thành vật liệu xây dựng quý hiếm, vì vậy Bộ Xây dựng nên làm quy hoạch chung của cả nước về cát. Từ đó mới có cơ sở để quản lý chặt và giữ vững, ổn định được nguồn tài nguyên này.
Với mức giá gần 1.700 tỉ cho ba mỏ cát trên, vị lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt nghi vấn có việc "giấu trữ lượng", bởi với mức giá trên là quá đắt so với trữ lượng công bố.
Đấu giá xuyên đêm 3 mỏ cát
Chiều 6-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết Trung tâm Phát triển quỹ đất của sở này vừa tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn TP.
Điều đáng nói, thời gian diễn ra phiên đấu giá trên được kéo dài xuyên đêm từ 9h sáng 5-11 đến khoảng 6h sáng 6-11. Tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá được "chốt" rất cao, gần 1.700 tỉ đồng.
Cụ thể, đối với mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536m³, giá khởi điểm là 2,881 tỉ đồng, bước giá đấu 144 triệu đồng. Tuy nhiên, qua 89 vòng đấu giá, ban tổ chức mới xác định được đơn vị trúng đấu giá với giá trúng là 396,865 tỉ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát), phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603m³, giá khởi điểm 2,051 tỉ đồng, bước giá đấu 103 triệu đồng. Sau 53 vòng đấu, giá đấu trúng lên tới 408,290 tỉ đồng, gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu trên địa bàn thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) có trữ lượng cát khai thác 4.899.000m³, giá khởi điểm 19,29 tỉ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Kết quả, qua 21 vòng đấu, đến sáng 6-11 ban tổ chức cũng đã xác định được đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền đấu trúng là 883,930 tỉ đồng, gấp gần 46 lần giá khởi điểm.
Tổng số tiền được các tổ chức, cá nhân trả trong phiên đấu giá 3 mỏ cát trên là 1.689,085 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận