Ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - Ảnh: ĐAN THUẦN
Cụ thể, khi người vay không trả tiền đúng hạn hoặc không liên lạc được, bên cho vay sẽ xâm nhập, sử dụng dữ liệu danh bạ của người vay để nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ một người bất kỳ dù không liên quan đến các khoản vay.
Không ít trường hợp bị các đối tượng cho vay cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm đăng lên các trang mạng xã hội, tạo áp lực để nạn nhân trả nợ thay.
Theo ông Lê Quốc Cường, hiện nay tình trạng này xảy ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình thường, uy tín, danh dự của người không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn khi xử lý kiểu đòi nợ này, việc xử lý đòi hỏi phải có đầy đủ chứng cứ.
"Đề nghị người dân khi vô cớ bị đòi nợ như trên mạnh dạn trình báo đến Sở Thông tin và truyền thông hoặc cơ quan công an, để có phương án can thiệp, xử lý. Cần tránh tâm lý e dè, "thỏa hiệp" để mau qua chuyện, như vậy là tạo điều kiện để bên đòi nợ "được nước làm tới".
Và để có căn cứ xử lý các đối tượng đòi nợ, nạn nhân cần thu thập đầy đủ chứng cứ như: ghi âm cuộc gọi, tin nhắn, những hình ảnh cắt ghép sai sự thật… cung cấp cho cơ quan chức năng", ông Cường đề nghị.
Cũng theo ông, ngoài việc người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác với "tín dụng đen"; các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý thì các nhà mạng cũng cần có những biện pháp hiệu quả hơn nhằm xử lý triệt để sim rác để "tín dụng đen" không có điều kiện lợi dụng mạng viễn thông "khủng bố" người khác.
Theo số liệu từ thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, tính từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 11 trường hợp cá nhân thông tin bị quấy rối, đe dọa gây áp lực, vô cớ bị đòi nợ.
Đơn vị này đã xử phạt 3 trường hợp, với số tiền tổng cộng là 27,5 triệu đồng; thu hồi, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với 23 thuê bao di động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận