Đó là ý kiến của ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - tại hội thảo Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt, do báo Lao Động, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức ngày 21-5.
Theo ông Lê Anh Dũng, số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng mạnh mẽ. Tính đến tháng 3, cả nước có hơn 150,6 triệu thẻ đang lưu hành, với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế.
15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Tính đến tháng 3, tổng số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 904.700 thẻ, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm nay đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỉ đồng.
"Hiện cả nước có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa. Mặc dù số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng mạnh nhưng còn khiêm tốn. Với quy mô dân số 100 triệu dân, đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới", ông Dũng nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - cho biết năm 2023, doanh số thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng hơn 234% so với cùng kỳ, song mới chiếm 0,5 - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận