30/10/2019 14:44 GMT+7

Sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng xung yếu tránh bão

DUY THANH - THÁI THỊNH
DUY THANH - THÁI THỊNH

TTO - Thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An chiều nay 30-10 đã sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão số 5.

Người dân đưa tôm hùm và đồ vật từ bè nuôi tôm trong vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) vào bờ - Video: DUY THANH

Ông Lương Công Tuấn - phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu (Phú Yên) - cho hay địa phương này đã sơ tán 837 hộ với 2.924 nhân khẩu ở 14 xã, phường đến nơi an toàn để tránh trú bão số 5.

Theo ông Tuấn, những hộ dân này thuộc vùng uy hiếp của triều cường, vùng có nguy cơ sạt lở đất nếu có mưa lớn, do vậy địa phương chủ động sơ tán trước.

Ở huyện Tuy An, ông Bùi Văn Thành - chủ tịch UBND huyện - cho hay cũng đã sơ tán 298 hộ dân với 939 người đến nơi trú bão.

Đến chiều 30-10, thị xã Sông Cầu đã hoàn thành việc kêu gọi toàn bộ người nuôi hải sản ở lồng bè trên biển vào bờ trú bão. 

Trong số này có 10 lao động trên bè nuôi hải sản của Đài Loan.Còn ở huyện Đông Hòa, lúc 17h chiều 30-10, ông Nguyễn Văn Hồng - phó chủ tịch UBND huyện - cho biết đang đưa 50 hộ nuôi cá bè ở Vũng Rô vào bờ.

Sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng xung yếu tránh bão - Ảnh 2.

Dọn dẹp đồ đạc từ lồng nuôi hải sản vào bờ - Ảnh: DUY THANH

Lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên, Bình Định ngay trong trưa nay (30-10) đã trực tiếp đến các khu vực xung yếu kiểm tra, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân ứng phó với cơn bão số 5 đang đến gần.

Phú Yên còn 1.250 người dân trên lồng bè

Trưa 30-10, ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 ở thị xã Sông Cầu, nơi dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào tối nay.

Người dân thị xã Sông Cầu neo, cột tàu vào vùng an toàn để tránh bão - Video: DUY THANH

Ông Thế cho biết ở vùng nuôi hải sản vịnh Xuân Đài mới có 800 người vô bờ, còn khoảng 1.000 người trên các lồng bè.  Ngoài ra, tại vùng Vũng Rô của huyện Đông Hòa vẫn còn 250 người trên các bè nuôi hải sản.

Ông Thế yêu cầu lãnh đạo thị xã Sông Cầu triển khai ngay công tác vận động người dân, dùng canô của quân đội, công an để kêu gọi người nuôi hải sản vào bờ tránh trú trước 14h. Những trường hợp không chấp hành phải cưỡng chế vào bờ.

Ông Trần Hữu Thế - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - trả lời về công tác ứng phó bão số 5 - Video: DUY THANH

Ngoài ra, một số vùng triều cường, nguy cơ sạt lở ở xã Xuân Thịnh phải xem xét, nếu cần thiết thì dời dân.

Theo quan sát của phóng viên, từ 10h trưa 30-10, ở thị xã Sông Cầu trời bắt đầu có mưa vừa, nhưng vẫn lặng gió.

Chúng tôi đến xã Xuân Phươmg, nơi nuôi tôm hùm tập trung lớn nhất tỉnh Phú Yên. Ông Đỗ Văn Vinh ở thôn Phú Mỹ đứng trong bờ nhìn ra vịnh Xuân Đài với vẻ mặt đầy lo lắng.

"Gia đình tôi nuôi 4.000 con tôm hùm được mấy tháng, bạc tỉ dưới nước đó. Mấy hôm nay nghe bão số 5 đổ vô Sông cầu mà lo không ngủ được. Sáng nay mấy cha con đã ra neo cột lồng bè chắc chăn rồi quay về nhà chứ sợ không dám ở lại ngoài đó" - ông Vinh nói.

Run lập cập sau khi dầm mình dưới biển giữa mưa để neo cột lồng nuôi tôm, ông Lê Văn Thành ở thôn Từ Nham (xã Xuân Thịnh) nói khi vừa lên bờ tránh bão: "Tôi nuôi 50 lồng tôm, khoảng 7.000-8.000 con, được 8 tháng rồi. Bão nên sáng giờ lo chằng lồng. Giờ cũng an tâm rồi nên về nhà lo chằng chống nhà cửa" - ông Thành nói.

Ông Lê Văn Thành trở về bờ sau khi chằng néo lồng bè nuôi hải sản trong vịnh Xuân Đài - Video: DUY THANH

Trưa 30-10, ông Đoàn Văn Hòa cũng ở thôn Phú Mỹ (xã Xuân Phương) đã vớt bán 400 con tôm hùm xanh nuôi 15 tháng với giá 700.000 đồng/kg để "chạy bão". Ông Hòa nói nếu nuôi thêm chừng 1 tháng nữa thì số tôm này bán được giá hơn, khoảng 900.000 đồng/kg. "Nhưng vì bão vô nên phải bán "non" thôi, chứ để dưới biển không biết sẽ thế nào" - ông nói.

Ông Đoàn Văn Hòa phải "bán non" tôm hùm để chạy bão - Video: DUY THANH

Lo ngại sóng gió lớn khi bão vô sẽ gây hư hỏng tàu thuyền, từ 2 ngày qua, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ cũng như các tàu nhỏ đã vào trong vùng an toàn của vịnh Xuân Đài neo đậu, cột lại với nhau thành từng dãy.

Ông Phan Văn Trí, một ngư dân ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) có tàu neo tránh bão ở đây, nói rằng anh em chủ tàu vẫn phải đến các nhà chắc chắn gần nơi neo đậu để giữ tàu khi bão đổ bộ.

Bình Định sơn tán 14.500 hộ dân
Ngày 30-10, để ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 5 ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND Bình Định - đã thành lập đoàn đi kiểm tra các điểm xung yếu, nơi vùng "rốn lũ", cảng cá, bờ kè thường xuyên bị thiệt hại nặng nề bởi mưa bão để có chỉ đạo kịp thời.

Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thành lập đoàn kiểm tra và chỉ đạo trứơc bão số 5 - Video: THÁI THỊNH

Huyện Tuy Phước được xem là vùng "rốn lũ" của tỉnh Bình Định và một trong những nơi xung yếu và ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nhất, khi hàng năm đều chịu những trận lũ lớn. 

Ông Trần Ngọc Quang, người dân thôn Kim Xuyên, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước cho biết khi mùa mưa lũ về năm nào nước cũng tràn vào nhà, và lũ chia cắt khiến nhiều vùng bị cô lập. 

"Hiện tại gia đình đã kê các bao lúa dự trữ lên cao để tránh lũ tràn vào. Dù biết bão số 5 rất nguy hiểm nhưng hiện gia đình tôi chưa thể di dời, sơ tán được vì còn phải ở lại bảo vệ tài sản trong nhà cùng vật nuôi bò, lợn, gà…" - ông Quang nói.

Sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng xung yếu tránh bão - Ảnh 8.

Ông Trần Ngọc Quang, người dân thôn Kim Xuyên, xã Phước Hoà chuyển lúa lên chỗ cao hơn trước cơn bão số 5 - Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Trần Hữu Tường - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước - cho biết toàn huyện Tuy Phước hiện có 1.500hộ/4.800 nhân khẩu sơ tán khi cần thiết trước bão số 5. Đến thời điểm này huyện đã triển khai xong công tác phòng chống mưa bão, chuẩn bị mọi phương tiện nhân lực để ứng phó, đặc biệt huyện đảm bảo được sinh mạng của nhân dân. 

"Huyện đã có những kế hoạch những vùng cần sơ tán dân lịp thời an toàn về nơi cao ráo. Địa phương triển khai các giải pháp, điều động bộ đội công an lực lượng xung kích trực 24/24 sẵn sàng giúp dân" - ông Tường nói.

Sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng xung yếu tránh bão - Ảnh 9.

Người dân huyện Tuy Phước chỉ tay vào vị trí nước lũ lên hàng năm đều ngập nhà - Ảnh: THÁI THỊNH

Trong sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Bình Định cũng đã đến cảng cá Nhơn Lý, bờ kè Bắc và Nam xã Nhơn lý để triển khai các công tác phòng chống bão.

Sơ tán hơn 1.100 hộ dân vùng xung yếu tránh bão - Ảnh 10.

Bờ kè đê biển Nhơn Lý nhiều năm nay đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến người dân thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến - Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Mai Thành Công, một chủ nhà hàng buôn bán tại xã Nhơn Lý cho biết bờ kè đê biển Nhơn Lý có tác dụng ngăn chặn triều cường, chống xâm thực, bảo vệ tính mạng, tài sản người dân hai thôn Lý Hòa và Lý Chánh xã đảo Nhơn Lý nhưng nhiều năm nay đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến người dân thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão đến. 

"Trước cơn bão số 5, hiện các hộ buôn bán, quán ăn ngay sát bờ đê biển đã đóng cửa và di tản đến các vùng an toàn" - ông Công nói.

Người nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong hối hả bán cá chạy bão số 5 Người nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong hối hả bán cá chạy bão số 5

TTO - Huyện Vạn Ninh là một trong những nơi có lượng tàu bè và lồng nuôi cá, tôm các loại nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa đang làm mọi thứ có thể để chuẩn bị chống chọi với bão số 5.

DUY THANH - THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên