Có tổng cộng 6 HLV đến từ hai quốc gia này ở ASEAN Cup 2024, với sự cân bằng 3-3.
Xu hướng từ Park Hang Seo
Đó là ông Koji Gyotoku (người Nhật Bản) của Campuchia, ông Tsutomu Ogura (Nhật Bản) của Singapore, ông Masatada Ishii (Nhật Bản) của Thái Lan, ông Ha Hyeok Jun (Hàn Quốc) của Lào, ông Shin Tae Yong (Hàn Quốc) của Indonesia và Kim Sang Sik (Hàn Quốc) của Việt Nam. Vừa vặn tạo ra cuộc cạnh tranh khá sòng phẳng về khả năng vô địch, khả năng tạo bất ngờ, cũng như khả năng nâng tầm những nền bóng đá vùng trũng.
Hãy lật ngược dòng lịch sử để nhận ra sự khác biệt của xu hướng bóng đá theo từng thời đại. 20 năm trước, ASEAN Cup (khi đó còn mang tên AFF Cup) có 7/10 đội bóng sử dụng HLV ngoại.
Và 6/7 là các HLV từ châu Âu, người còn lại là ông Edson Tavares - người Brazil, HLV của tuyển Việt Nam. Không có bất kỳ HLV người Nhật Bản hay Hàn Quốc nào dẫn dắt các đội tuyển quốc gia ở Đông Nam Á thời điểm đó
Sau 2 thập niên, chỉ còn 3 đội sử dụng các "ông Tây" tại ASEAN Cup là Philippines, Malaysia và Timor Leste. Myanmar là đội duy nhất sử dụng HLV bản địa.
Phần lớn Đông Nam Á lúc này chạy theo xu hướng sử dụng HLV đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, do chính bóng đá Việt Nam khởi xướng. Thành công của HLV Park Hang Seo càng khiến cho xu hướng này nở rộ.
Có nhiều lý do để bóng đá Đông Nam Á mời về các chiến lược gia Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nền bóng đá phát triển thần tốc trong vài thập niên qua. Sự tương đồng ít nhiều về thể trạng, văn hóa, địa lý… giúp các HLV Nhật Bản, Hàn Quốc được đánh giá là "hiểu" cầu thủ Đông Nam Á hơn các chiến lược gia Tây phương.
Và không chỉ vậy, mặt bằng chung của HLV Nhật Bản, Hàn Quốc nhận được sự tin tưởng lớn về trình độ, với điểm mạnh là hệ thống giáo dục.
Bí quyết là sự... học
Chiến lược gia của tuyển Việt Nam - HLV Kim Sang Sik - là ví dụ điển hình khi có bằng thạc sĩ ngành giáo dục thể chất. Quan trọng hơn, ông Kim từng là một cầu thủ "ngôi sao" nhưng chưa bao giờ bỏ dở việc học hành.
Và hầu hết các tuyển thủ bóng đá Hàn Quốc đều có bằng đại học, trừ những người phải sang châu Âu chơi bóng trong quãng tuổi 18. Shin Tae Yong - đàn anh của HLV Kim - tốt nghiệp Đại học Yeungnam. Còn ông Park Hang Seo xuất thân từ Hanyang - trường đại học tốp đầu ở Hàn Quốc.
Nhờ đề cao việc học, các cầu thủ ngôi sao của Hàn Quốc hầu hết đều dễ dàng tiếp cận công việc HLV hoặc các vai trò cao hơn nữa trong hệ thống bóng đá.
Tinh thần học tập của các ngôi sao Hàn Quốc cao đến mức Park Ji Sung - người thành danh trong màu áo Man United - đã nỗ lực lấy bằng cử nhân ngành quản lý thể thao của ĐH Monfort (Anh) sau khi giải nghệ. Park từng bỏ dở việc học ở Đại học Myongjin để theo đuổi cơ hội chơi bóng tại nước ngoài. Và vào năm 2017, khi đã 36 tuổi, anh quyết định sống lại cuộc đời sinh viên.
J-League (Giải vô địch Nhật Bản) không nhiều sinh viên đại học như K-League (Hàn Quốc), nhưng cũng rất đề cao những kiến thức thực tiễn mà các cầu thủ chuyên nghiệp nhận được khi sống đời sinh viên.
Kaoru Mitoma, người đang làm mưa làm gió ở Premier League hiện tại, từng tốt nghiệp Đại học Tsukuba với luận văn "Nghiên cứu về vấn đề xử lý thông tin của bên tấn công trong những tình huống 1 đấu 1 trong bóng đá".
2 năm trước, Mitoma tạo ra cơn sốt toàn cầu khi tỏa sáng đúng y như… luận văn của mình, với những pha solo 1 chọi 1 cực kỳ ấn tượng ở sân cỏ châu Âu.
Đó là minh chứng không thể rõ nét hơn cho những giá trị thực tiễn mà các cầu thủ nhận được khi học đại học ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Để rồi nhiều năm sau đó nữa, họ giải nghệ và rảo bước khắp mọi nền bóng đá với một vị thế bậc thầy trong làng bóng đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận