VN30 là chỉ số gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HoSE có giá trị vốn hóa thị trường cũng như thanh khoản cao nhất. Hầu hết các doanh nghiệp đều đứng "top" mỗi lĩnh vực mà họ tham gia.
Ngân hàng áp đảo trong VN30
Thống kê của Tuổi Trẻ Online từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp rổ VN30, lợi nhuận trước thuế quý 2-2024 đạt hơn 107.000 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau trừ thuế đạt hơn 85.000 tỉ đồng, tăng hơn 24%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, 30 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 193.000 tỉ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.
Nếu tính riêng trong quý 2, hầu hết doanh nghiệp nhóm VN30 tăng trưởng tốt, có những đơn vị tăng gấp nhiều lần, chỉ riêng VIB "đi lùi".
Theo đó, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của VIB khá lạc lõng trong hệ thống khi giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 4.605 tỉ đồng.
Còn gộp cả nửa năm kinh doanh, danh sách tăng trưởng âm gọi tên doanh nghiệp điện, khí, bất động sản và sản xuất xe điện như POW, GAS, Vingroup với mức giảm lần lượt -10%, -22%, -17%.
Về cơ cấu phân theo lĩnh vực, tăng trưởng lợi nhuận của 13 ngân hàng đóng góp rất lớn với hơn 65.600 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và chiếm gần 62% toàn bộ rổ VN30.
Ngân hàng cũng được ví như nhóm cổ phiếu "vua" với quy mô vốn hóa lớn. Diễn biến cổ phiếu nhóm này thực tế luôn có ảnh hưởng lớn không chỉ đến VN30-Index mà cả VN-Index.
Tiếp đến là nhóm bất động sản với sự phân hóa khi với Becamex và Vincom Retail vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt về lợi nhuận, trong khi Vinhomes có xu hướng giảm.
Công nghệ vốn là lĩnh vực được kỳ vọng có thêm nhiều tên tuổi lớn nhưng thực tế, rổ VN30 chỉ có FPT. Không chỉ hiếm hoi trong rổ vốn hóa lớn, cả sàn đều vắng bóng doanh nghiệp lớn lĩnh vực này.
Ai lãi lớn nhất?
Dữ liệu thể hiện, Vinhomes (VHM) là doanh nghiệp lãi lớn nhất trong nhóm VN30.
Trong quý 2-2024, doanh nghiệp bất động sản này báo lãi trước thuế 12.247 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nếu tính bình quân, mỗi ngày trong quý 2 vừa qua Vinhomes lãi 136 tỉ đồng.
Lũy kế nửa năm nay, Vinhomes lãi trước thuế 13.664 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, Vinhomes có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt 494.460 tỉ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.
Xếp thứ hai là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 10.116 tỉ đồng trong quý 2, và 6 tháng đầu năm đạt 20.834 tỉ đồng. Ngân hàng này giữ vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng.
Nếu tính về tốc độ tăng trưởng, Thế Giới Di Động (MWG) và Hãng hàng không Vietjet Air (VJC) gây ấn tượng nhất nhóm VN30. Cũng cần lưu ý, mức lãi này được so với nền rất thấp năm ngoái.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của VJC quý 2-2024 đạt 634 tỉ đồng, gấp hơn 200 lần con số 3 tỉ đồng trong quý 2-2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 1.311 tỉ đồng, tăng gấp hơn 5 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động báo lãi trước thuế đạt 1.516 tỉ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 6 tháng đầu năm, ông lớn ngành bán lẻ này lãi trước thuế 2.722 tỉ đồng, tăng gần 9,5 lần.
Tập đoàn Hòa Phát là một cái tên khác cũng góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhóm VN30.
Theo đó, doanh nghiệp thép có thị phần lớn hàng đầu thị trường này báo lãi trước thuế quý 2-2024 đạt 3.733 tỉ đồng, tăng gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Lũy kế nửa năm, đạt 6.994 tỉ đồng, gấp 3,2 lần.
Cần có thêm tiêu chí khác cho rổ VN30?
Nhiều ý kiến từng đề xuất việc có thêm tiêu chí khác cho rổ VN30 nhằm bổ sung gương mặt doanh nghiệp khác đại diện cho nền kinh tế. Nếu xét tiêu chí vốn hóa, thì phần lớn doanh nghiệp khó "đọ" với ngân hàng.
Cơ quan quản lý cũng cần thêm điều kiện để hạn chế ưu thế quá lớn một cổ phiếu hay một nhóm ngành nghề nào tác động lên chỉ số. Thực tế lâu nay với rổ VN30, nhiều nhà đầu tư vẫn nhìn nhận xu hướng "thịnh suy" theo nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận