Những đứa trẻ nhập cư sáng học, đêm đi làm
Gần 0h đêm, trong một nhà máy lớn tại thành phố Grand Rapids (bang Michigan, Mỹ), các công nhân vẫn hối hả làm việc. Trong số đó có cô bé Carolina Yoc, 15 tuổi.
Một năm trước, Carolina đã đi đường bộ hơn 1.000km từ quê nhà Guatemala đến Mỹ với hy vọng đổi đời.
Một năm sau, hằng ngày, cô bé chỉ qua lại hai địa điểm: trường học vào ban ngày, nhà máy vào ban đêm.
Thế nhưng Carolina không phải là "công nhân" vị thành niên duy nhất trong nhà máy này.
Carolina Yoc (đằng sau, bên phải) đến trường ngay sau khi tan ca. Bạn cùng bàn của em cũng làm ca đêm tại một nhà máy - Ảnh: NEW YORK TIMES
Trước khi làm bốc vác ở cùng nhà máy, cùng ca với Carolina, Kevin Tomas từng làm tại một phân xưởng sản xuất linh kiện của hãng ô tô nổi tiếng Ford từ lúc mới 13 tuổi.
Hằng ngày, cậu làm việc đến tận 6h30 sáng, sau đó không nghỉ ngơi mà lập tức chuẩn bị đến trường học.
"Chúng em không ham thích gì công việc này. Nhưng chúng em phải làm để nuôi gia đình", Kevin chia sẻ thành thật.
Những trẻ nhập cư đi kiếm tiền nuôi gia đình
Năm 2008, chính quyền Mỹ cho phép những trẻ vị thành niên không đến từ Mexico sống cùng người bảo hộ trong khi chờ đợi được nhập tịch.
Người bảo hộ thường là họ hàng, người quen của các em, nhưng trong nhiều trường hợp có thể là người hoàn toàn xa lạ. Số trẻ này được đăng ký và bảo vệ bởi Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.
Trên thực tế, những đứa trẻ nhập cư đó chịu áp lực khủng khiếp của việc kiếm tiền gửi về cho gia đình ở cố hương.
Hơn nửa số chúng đến từ Guatemala, nơi khủng hoảng kinh tế cùng đại dịch COVID-19 khiến đời sống vô cùng khổ cực. Khắp nơi trên quốc gia này, cách duy nhất để trang trải cuộc sống là nhận ngoại hối được người thân gửi về từ Mỹ.
Trẻ em đang được chờ tuần tra biên giới Mỹ hoàn thành hồ sơ tại cửa khẩu Roma, bang Texas - Ảnh: NEW YORK TIMES
Hải quan Mỹ chắc chắn sẽ không cho người trưởng thành nhập cảnh, nhưng họ không được phép từ chối những đứa trẻ đói khổ, một mình xa nhà hàng ngàn cây số.
Trên toàn nước Mỹ, những đứa trẻ này không có lựa chọn nào ngoài những công việc nặng nhọc, không phù hợp lứa tuổi: công nhân lợp mái 12 tuổi ở bang Florida, thợ nướng bánh 14 tuổi cho các chuỗi siêu thị Walmart, nhân viên 13 tuổi đứng tại nhà máy linh kiện Ford...
Năm 2017, Mỹ ghi nhận ít nhất 12 trẻ nhập cư thiệt mạng khi lao động, báo The New York Times tổng hợp từ báo cáo an toàn lao động các bang và liên bang.
Trong số này có một trường hợp 16 tuổi qua đời dưới gầm xe ủi tại bang Atlanta, một đứa trẻ 15 tuổi khác không may bỏ mạng khi rơi từ mái nhà cao 15m, hay một nhân viên giao đồ ăn 14 tuổi qua đời do tai nạn giao thông.
Trẻ nhập cư - miếng mồi ngon
Khi Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ được yêu cầu xử lý các trường hợp trẻ nhập cư nhanh hơn, các biện pháp bảo vệ như kiểm tra lai lịch người bảo hộ, nghiên cứu hồ sơ, theo dõi trẻ đều bị lơi lỏng.
Từ đó, trẻ em nghèo ở các nước Trung Mỹ trở thành miếng mồi ngon để các đối tượng xấu lợi dụng.
Sổ ghi chép những khoản Nery Cutzal từng nợ người bảo hộ của mình - Ảnh: NEW YORK TIMES
Nery Cutzal gặp người bảo hộ của mình qua Facebook khi mới 13 tuổi. Tên này thuyết phục cậu đến Mỹ, hứa sẽ cho cậu đi học và chăm sóc cậu.
Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân đến bang Florida, hắn yêu cầu Nery nhận khoản nợ lên đến 4.000 USD và bắt cậu tự tìm nơi ở.
Từ đây, Nery phải làm việc đến 3h sáng hằng ngày tại một nhà hàng Mexico để trả nợ. Cậu chỉ được giải thoát khi tình cờ liên hệ được với cơ quan chức năng, và tên bảo hộ kia bị bắt.
Tuy nhiên, trường hợp như Cutzal rất hiếm. Trong 10 năm qua, cơ quan công tố liên bang mới chỉ khởi tố 30 vụ ép trẻ nhập cư không người thân làm việc, theo số liệu do báo New York Times tổng hợp.
Những đứa trẻ nhập cư "mất tích"
Lao động vị thành niên tan ca đêm tại một nhà máy thịt ở thành phố Worthington, bang Minnesota - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trong hai năm 2021-2022, Mỹ đã tiếp nhận đến 250.000 trường hợp trẻ nhập cư đi một mình. Trong số này, chỉ có 1/3 được gửi đến sống cùng cha mẹ.
Số còn lại được gửi đến sống cùng họ hàng, người quen hoặc thậm chí cả người xa lạ. Trong đó, hơn 85.000 trẻ biến mất ngay sau khi được gửi đến ở cùng người bảo hộ, chiếm đến quá nửa.
Người bảo hộ, trường học, các cơ quan chức năng đứng trước lựa chọn đạo đức khó khăn: nhắm mắt làm ngơ cho trẻ làm những công việc nguy hiểm, hoặc bắt trẻ dừng đi làm, trực tiếp đẩy họ cùng gia đình ngập sâu hơn trong nghèo đói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận