Tu viện dòng Franciscaines Misionnaires de Marie - Đà Lạt - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tu viện có diện tích hơn 7ha nằm lọt giữa hai con đường song song Trần Quang Diệu - Hùng Vương. Bên trong khuôn viên tu viện có hai khối công trình lớn: nhà nguyện và khu nội trú.
Đã rất nhiều năm, khu nhà nguyện là chủ thể cho nhiều sinh viên mỹ thuật, kiến trúc tới Đà Lạt nghiên cứu. Với những nghệ sĩ thì đó là cảm hứng sáng tác chưa bao giờ cũ dù công trình mỗi năm mỗi hoang phế.
Nhiều tranh vẽ về các công trình kiến trúc ấn tượng tại Đà Lạt đã vẽ Tu viện dòng Franciscaines Đà Lạt.
Đứng trước tu viện không chỉ thấy đẹp mà còn thấy cả ký ức và thấy cả những điều mình không thể diễn đạt bằng lời hay bằng hội họa, nhiếp ảnh. Sức hấp dẫn ngồn ngộn dưới những trầm tích hoang phế của tu viện có giá trị hơn cả công năng của công trình.
Họa sĩ trẻ Thế Thông - người thực hiện nhiều ký họa tại đây - nhận định
Tu viện Franciscan Missionaries of Mary - Đà Lạt nằm trong một khu vực có nhiều thông và địa thế gần khu vực trung tâm - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tu viện hoang phế lâu năm
Theo cây bút biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên, công trình nhà nguyện và đan viện Benedict (Biển Đức) được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế, xây dựng vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940.
Công trình ghi những dấu chân đầu tiên của các đan sĩ Benedict từ phương Tây vào VN. Năm 1954, các đan sĩ Benedict chuyển ra Huế lập Đan viện Thiên An và công trình đan viện tại Đà Lạt được nhượng lại cho các nữ tu dòng Franciscaines.
Do nhu cầu mở rộng cơ sở giáo dục, dạy nghề và nội trú, các xơ dòng Franciscaines đã xây thêm dãy phòng học phía sau. Bản thiết kế khu trường học Franciscaines Missionnaires de Marie do kiến trúc sư Phạm Khánh Chù - một tên tuổi quan trọng trong giới kiến trúc miền Nam - thực hiện năm 1961.
Máy móc được đưa tới Tu viện Franciscan Missionaries of Mary - Đà Lạt để tiến hành tháo dỡ phần mái đã hư hỏng nặng - Ảnh: ĐỨC THỌ
Theo ông Trần Ngọc Trác - nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, từ năm 1969, nơi đây trở thành Trường Thương mại Việt Nữ. Năm 1979, toàn bộ diện tích 7ha được bàn giao cho Nhà nước.
Từ đó đến nay sau hơn 40 năm, hai khối nhà học và khu nội trú của Trường Thương mại Việt Nữ được chuyển đổi nhiều công năng; ban đầu dùng làm cơ sở cho Trường bổ túc văn hóa, sau đó là khách sạn Lâm Viên (khoảng những năm 1980, xây thêm block giữa hai khối nhà học) rồi đến Trường THPT Trần Phú.
Còn nhà thờ và khu nội viện dùng làm nhà kho, phòng học thể dục và chỗ ở. Trước khi trở thành cơ sở của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, công trình hoang phế nhiều năm, nhà nguyện có hơn 20 hộ gia đình sinh sống trái phép, nay đã giải tỏa.
Bên trong nhà nguyện chính của tu viện dù đã hư hỏng nặng nhưng vẫn giữ đường nét đẹp - Ảnh: ĐỨC THỌ
Sẽ "bảo tồn tối đa"
Trước thông tin việc Tu viện dòng Franciscaines Đà Lạt bị tháo dỡ khiến nhiều người yêu Đà Lạt tâm tư, báo Tuổi Trẻ đã trao đổi với Trường đại học Kiến trúc TP.HCM - đơn vị được cấp quyền sử dụng toàn bộ công trình tu viện cũng như khuôn viên xung quanh rộng lớn.
Đại diện đơn vị này khẳng định: "Nhà trường lên kế hoạch rất tỉ mỉ để tu sửa, cải tạo tu viện. Chúng tôi sẽ bảo tồn tối đa tu viện để lưu giữ giá trị thẩm mỹ và có công năng phù hợp.
Sau khi hoàn tất, không gian bảo tồn sẽ là điểm nhấn của phân hiệu Trường đại học Kiến trúc TP.HCM tại Đà Lạt, một cơ sở đào tạo kiến trúc sư cho khu vực Tây Nguyên và vùng lân cận".
Phía Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết bên trong khuôn viên tu viện sẽ xây mới một khu giảng đường. Các công trình cổ đã xuống cấp sẽ được tu sửa, bảo tồn tối đa chi tiết.
Phần mái của khu khu nhà nội trú thuộc tu viện đang tháo để cải tạo - Ảnh: ĐỨC THỌ
Khu vực nhà nguyện sẽ là thư viện, nơi tổ chức các workshop về kiến trúc, mỹ thuật. Khu nhà nội trú hình thành trong quá trình phát triển tu viện ở sau nhà nguyện được cải tạo để trở thành nhà nội trú của giảng viên.
Đại diện Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chia sẻ: "Chúng tôi xác định cải tạo các công trình hiện hữu là nhà nguyện, khu nội trú dù đây là công trình không nằm trong nhóm bắt buộc phải trùng tu, cải tạo theo quy định của Nhà nước.
Chúng tôi nhìn nhận tu viện là công trình có ý nghĩa, có giá trị nên thực hiện phương án sửa chữa rất tốn kém so với việc xây mới. Việc tu sửa, cải tạo đã được cơ quan chức năng thẩm định, có ý kiến dựa trên nguyên tắc gìn giữ một kiến trúc có giá trị".
Mặt tiền của tu viện đã đi vào tranh của nhiều họa sĩ - Ảnh: ĐỨC THỌ
* Kiến trúc sư Lê Tứ (chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng):
Giữ lại tu viện thông qua cải tạo là quyết định đúng
Theo Quy hoạch 704 được Thủ tướng phê duyệt năm 2014, trục di sản được xác định là tuyến đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo (hướng đông - tây).
Công trình tu viện cổ này dù không được Nhà nước đánh giá là di sản hoặc được xếp trong nhóm biệt thự cần bảo tồn nhưng đây là công trình giới chuyên môn đánh giá có giá trị về mặt kiến trúc, có cảm xúc khi đứng trước nó. Như vậy, việc giữ lại tu viện thông qua cải tạo sửa chữa là quyết định đúng đắn.
Về mặt pháp lý, có thể phá bỏ tu viện để làm một công trình mới. Tuy nhiên, chủ đầu tư Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã chọn đường đi khó nhưng đáng ghi nhận là trùng tu, bảo tồn.
Chưa nói đến chuyện sẽ bảo tồn được đến mức độ nào nhưng giữ lại được một phần ký ức đô thị cổ Đà Lạt là điều đáng để suy nghĩ trong việc quản lý sử dụng quỹ biệt thự cổ tại Đà Lạt.
Nếu chúng ta mất lần lượt các biệt thự cổ hoặc các chủ đầu tư chờ các biệt thự cổ hư hại đến mức không cứu vãn được để lấy cớ phá bỏ thì chúng ta sẽ phai nhạt dấu ấn đô thị di sản, đánh mất ký ức đô thị Đà Lạt.
Phần còn lại trong câu chuyện này là phải xác định dinh thự cổ ở Đà Lạt trùng tu, sửa chữa rất khó khăn. Ngoài mong muốn tốt đẹp, cần sự chuẩn bị nhiều phương án để có thể xử lý khi nảy sinh các sự cố phức tạp ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận