26/03/2014 06:35 GMT+7

Số phận máy bay MH370 là bí mật lớn

MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Dù phía Malaysia đã chính thức tuyên bố không còn ai sống sót trong chuyến bay số hiệu MH370 của Hãng Hàng không Malaysia (MAS), nhưng việc giải mã nguyên nhân và hành trình của chuyến bay này được cho là nhiệm vụ bất khả thi.

CAs9Nyop.jpgPhóng to
Các thành viên tàu hải quân Úc HMAS Success theo dõi mặt biển nam Ấn Độ Dương - Ảnh: Reuters

Thời tiết xấu đã ngăn cản hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ máy bay tại các khu vực mà vệ tinh đã ghi hình ở vùng biển nam Ấn Độ Dương trong hôm qua. Cơ quan An toàn hàng hải của Úc (AMSA) cho biết hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ chiếc máy bay Boeing 777-200 sẽ được nối lại hôm nay.

6 quốc gia tham gia tìm kiếm

Việt Nam chia buồn

Sau khi được tin thủ tướng Malaysia thông báo về việc máy bay MH370 gặp nạn ở phía nam Ấn Độ Dương, hôm qua Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới Quốc vương Malaysia Abdul Halim Mu’adzam Shah, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Najib Razak. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Anifa Hj Aman.

Hãng tin ABC dẫn lời Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết tàu phá băng Rồng Tuyết của Trung Quốc cũng đang phải neo lại cách khu vực tìm kiếm hàng trăm kilômet do có một cơn bão nhiệt đới đang tiến gần. Ông Abbott cam kết sẽ miễn phí visa cho người nhà của hành khách trên chuyến bay muốn đến Úc đợi tin trong thời điểm này.

Thông tin từ AMSA cho biết đang có sáu quốc gia tham gia tìm kiếm ở khu vực nam Ấn Độ Dương là Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hiện nước này đã huy động 14 tàu cứu hộ, tàu chiến và tàu thương mại chia ba mũi tìm kiếm ở khu vực ngoài khơi nước Úc, vịnh Bengal và các vùng biển quanh Indonesia. Ước tính diện tích tìm kiếm đang mở rộng đến 15.000km2. Ngoài ra còn 20 tàu đánh cá khác của Trung Quốc đang tham gia tìm kiếm ở Ấn Độ Dương.

Hải quân Mỹ đã gửi hệ thống định vị hộp đen, phân tích dữ liệu giọng nói từ buồng lái cũng như phương tiện dò tìm không người lái dưới đáy biển đến nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm hộp đen của MH370. Lầu Năm Góc cho biết hai dụng cụ dò tìm được chuyển đến thành phố Perth (Úc) trong ngày 25-3.

Dụng cụ dò tìm dưới đáy biển Bluefin chỉ dài 5m, nặng khoảng 800kg và có thể hoạt động hơn một ngày với tốc độ chậm. Quân đội Mỹ từng cho Pháp mượn dụng cụ dò tìm này để truy tìm chiếc hộp đen của máy bay Air France rơi ở Đại Tây Dương hồi năm 2009. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết để sử dụng hiệu quả công nghệ này, phải thu hẹp khu vực cần tìm kiếm dưới đáy biển.

Lùng sục hộp đen

Giới chuyên gia cho rằng dù có tìm hộp đen thì cũng khó lý giải hết chuyện gì đã xảy đến với chiếc máy bay. “Khủng bố, phi công tự sát và hàng loạt nguyên nhân hỏng hóc động cơ, trước đây chưa thể khẳng định thì giờ đây những khả năng này đều có thể xảy ra trên máy bay” - AFP dẫn nhận định của ông Gerry Soejatman, cố vấn hàng không người Malaysia.

Trong khi đó, Công ty tư vấn hàng không Leeham của Mỹ cho biết hộp đen của máy bay có thể cho biết chi tiết đường đi và những thông tin về động cơ của chiếc máy bay. Tuy nhiên, bộ phận ghi âm giọng nói trong buồng lái lại chỉ có thể lưu giữ các cuộc đối thoại khoảng hai giờ trước khi máy bay rơi. Điều này đồng nghĩa với việc những trao đổi quan trọng trong thời gian máy bay mới chuyển hướng ở khu vực giữa Malaysia và Việt Nam sẽ mất. “Rõ ràng sẽ không có bất cứ tiết lộ nào về những gì xảy ra ở vịnh Thái Lan, những cuộc đối thoại sẽ biến mất cùng với sự kết thúc của chiếc máy bay số hiệu MH370”.

Ông Chris Yates - chuyên gia hàng không người Anh - cho rằng ngay cả khi những chiếc hộp đen được tìm thấy thì chưa chắc có câu trả lời xác đáng vì sao chiếc máy bay lại kết thúc hành trình ở nơi cách hành trình bay ban đầu đến hàng ngàn kilômet. “Đây là một bí mật lớn và nó không giống các vụ tai nạn máy bay nào hết” - ông Chris Yates bình luận.

Còn ông Paul Yap - chuyên gia hàng không ở Viện Bách khoa Temasek của Singapore - lo lắng nếu không tìm thấy những chiếc hộp đen của MH370 thì nhân loại sẽ không bao giờ có câu trả lời về chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay chở 239 người này.

Trung Quốc yêu cầu cung cấp dữ liệu vệ tinh

Hôm qua, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Chính phủ Trung Quốc muốn Anh cung cấp dữ liệu vệ tinh về chiếc máy bay mà Công ty Inmarsat của nước này đang lưu giữ. Bắc Kinh cũng yêu cầu Kuala Lumpur cung cấp thêm chứng cứ củng cố kết luận chiếc máy bay đã rơi ở nam Ấn Độ Dương như tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razak tối 24-3. Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho Thứ trưởng ngoại giao Trương Diệp Toại sang Kuala Lumpur làm việc trực tiếp với Chính phủ Malaysia.

Trước đó, báo The Star dẫn lời Thủ tướng Najib Razak khẳng định ông dựa trên những dữ liệu vệ tinh do Công ty Inmarsat phân tích và đưa ra kết luận rằng máy bay số hiệu MH370 đã rơi ở nam Ấn Độ Dương. Ông Najib không tiết lộ chi tiết máy bay mất dấu ở điểm nào nhưng nguồn tin từ Công ty Inmarsat cho biết họ có thể đoán ra đường đi của chiếc máy bay bằng cách phân tích những tín hiệu "ping" phát ra hàng giờ từ chiếc máy bay sau khi nó mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ở bờ đông Malaysia.

MỸ LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên