TTCT - Đứa cháu học lớp 8 của tôi thường hay kể chuyện về thầy giáo dạy văn của nó. Mới vào đầu năm học được một tuần, nó về xin bằng được tiền đi học thêm môn văn. Ba mẹ nó một phần vì không có tiền, một phần nghĩ rằng xưa nay có ai học thêm văn bao giờ nên cứ chần chừ. Cho đến một hôm, con bé về thút thít khóc. Hỏi ra mới biết thầy cho nó kiểm tra miệng môn văn được 5 điểm. Nó nói trong nước mắt: “Con không buồn vì điểm kiểm tra miệng thấp, mà chỉ buồn tại sao thầy lại phân biệt học sinh có học thêm thầy và học sinh không học thêm...”. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Dần dần hỏi con bé thì tôi được biết trong lớp, những học sinh nào có đi học thêm môn văn của thầy thì kiểm tra miệng thế nào cũng được 8, 9 điểm, cùng lắm thì thầy cho nợ. Còn học sinh nào không đi học thêm thì tối đa cũng chỉ 7 hoặc 7,5 điểm. Rồi đến bài kiểm tra viết cũng vậy. Có đi học thêm thầy mới biết được đề và được thầy hướng dẫn làm bài cũng như châm chước đôi chút khi chấm bài... Vậy là ba mẹ nó phải cố gắng cho con mình theo học thầy. Con bé bảo nhà thầy nghèo lắm. Thầy rất gầy yếu. Vợ mất sớm, một mình thầy phải nuôi hai đứa con nhỏ và cả bố mẹ già nữa. Thầy lại là con một. Học sinh học thêm chỉ ngồi tạm trên những chiếc ghế thầy tận dụng được hoặc xin lại từ đâu đó. Thầy vừa dạy thêm, lại phải vừa tranh thủ lo việc nhà. Nghe vậy, tôi thấy lòng chùng xuống. Phải chăng, không hẳn là thầy muốn ép buộc học sinh đến học thêm môn của mình. Phải chăng, thầy không có nhiều sự lựa chọn khi lương tâm và đạo đức nghề giáo không thể giúp thầy nuôi nổi năm miệng ăn của gia đình... Rồi một hôm, cháu về thủ thỉ với tôi rằng thầy giáo dạy văn của nó đã bỏ hẳn ra một tiết dạy để cầm “sổ nợ” đòi tiền từng học sinh học thêm mà chưa nộp tiền, ngay trong lớp học. Nó nói thầy bảo không nộp tiền thầy sẽ không dạy thêm nữa. Mà thầy không dạy thì điểm môn văn của lớp chắc chắn sẽ lại xuống thấp. Nó nói nó buồn, giận thầy lắm. Với những đứa học trò vùng nửa quê nửa phố này, ba mẹ chúng phần lớn là làm nông hoặc các nghề phụ khác, thu nhập không đáng bao nhiêu. Sợ con mình bị ép điểm, cũng ráng cho nó đi học thêm học bớt cho bằng bạn bằng bè, mà đâu phải chỉ một môn, đến 4-5 môn. Đành cứ khất đi khất lại chứ tiền đâu mà trả cho hết. Vậy là thầy phải lên lớp đòi tiền học thêm... Tôi thấy thương người thầy ấy nhiều hơn là trách. Trong cuộc mưu sinh ngày càng vất vả bởi giá cả cứ tăng vọt mà tiền lương vẫn còn eo hẹp, thầy mang trọng trách của một người thầy dạy văn nhưng cũng gánh trên lưng trách nhiệm nặng nề của gia đình. Tôi tin rằng nếu hoàn cảnh gia đình không khó khăn thì không bao giờ thầy lại ép học sinh đi học thêm môn mình như vậy. Và biết đâu, hôm thầy cầm “sổ nợ” lên lớp đòi tiền học sinh là hôm ba hoặc mẹ thầy bị bệnh; hoặc con thầy cần một chiếc áo mới, cần tiền để nộp tiền học thêm cho một người thầy khác... Giá như thầy có điều kiện gia đình và kinh tế ổn định hơn. Giá như thầy được quan tâm hơn, ít nhất là một sự tạo điều kiện nào đó của ngành giáo dục để vững tin hơn và đi đúng hướng với con đường thầy đã chọn... Tags: Câu chuyện giáo dụcHọc thêmSổ nợ
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.