Theo Chương trình Chống lao quốc gia, dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề. Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao.
Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao, năm 2023, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Cùng với đó là gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc không ngừng gia tăng.
Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Năm 2023 đã có 106.086 trường hợp mắc bệnh lao các thể được phát hiện, tăng 2.282 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù số ca mắc bệnh lao được phát hiện tăng, nhưng theo ước tính của Chương trình Chống lao quốc gia, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Như vậy, sẽ có 40% người mắc bệnh nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Hiện Chương trình Chống lao quốc gia đang triển khai nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược, bao gồm hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, Chương trình Chống lao quốc gia đề xuất triển khai bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.
Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc xin mới, các tiếp cận/can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24-3 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của bệnh lao đến sức khỏe và kinh tế - xã hội.
"Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao" là chủ đề Việt Nam lựa chọn để hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống lao năm nay.
Làm sao để phòng chống bệnh lao?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, do vi khuẩn lao gây nên. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, trong đó lao phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm 80%-85%
Triệu chứng phổ biến của bệnh lao bao gồm ho kéo dài trên 3 tuần, ho khạc đờm xanh; ho ra máu; đau ngực, khó thở; gầy, sụt cân; sốt; đổ mồ hôi đêm; mệt mỏi, chán ăn,..
Để dự phòng bệnh lao, các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện tiêm phòng vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh. Người dân khi ra ngoài, tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh.
Khi phát hiện cơ thể có triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận