12/09/2018 11:52 GMT+7

Sợ mình cha lo không xuể

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Lá thư của Đào Kim Ngân (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) viết cho Tuổi Trẻ chứa đựng bao nỗi trăn trở: “Em rất ham học, muốn được đi học lắm nhưng đắn đo mãi không biết có nên bước tiếp hay không vì sợ một mình cha lo không xuể”.

Sợ mình cha lo không xuể - Ảnh 1.

Ngân chăm chú gia công lông mi giả với mỗi dây được trả công 550 đồng - Ảnh: NGỌC TÀI

Men theo con đường đất quanh co, chúng tôi tìm đến nhà Ngân.

Tui dốt một chữ bẻ đôi không biết nên quyết tâm cho các con học hành. Cha mẹ đã nghèo không lẽ để chúng nghèo luôn sao!

Bà NGUYỄN THỊ NGUYÊN

550 đồng chắt chiu

12 năm qua, với Ngân không chỉ thiếu thốn đủ bề mà còn phải vật lộn với con đường nắng bụi mưa lầy trước nhà để đến trường. Thấy có khách đến, Ngân nheo mắt liên tục vì ròng rã hơn 17 tiếng làm công việc dán lông mi giả, kiếm tiền trang trải trong gia đình. 

Mỗi dây lông mi gồm 30 bụi, mỗi bụi 3 sợi phải gắn đúng vị trí, đúng kích cỡ. Chỉ cần sai một sợi là phải làm lại. Công việc nhìn qua có vẻ nhẹ nhàng nhưng không hề dễ dàng, đòi hỏi tính tỉ mỉ và kiên trì. Tiền công mỗi dây lông mi thành phẩm là 550 đồng.

550 đồng - số tiền với nhiều người là rất nhỏ nhưng với Ngân lúc này có ý nghĩa vô cùng lớn, giúp bạn tiếp tục nuôi hi vọng sẽ đủ tiền trang trải những ngày đầu vào đại học. 

Trung bình mười phút căng mắt, tập trung Ngân sẽ làm xong một sợi. Làm từ sáng đến khuya Ngân kiếm được chừng 20.000 đồng.

Kể rồi Ngân thở dài, đã nghèo còn gặp cảnh trớ trêu. Tháng trước vừa thi xong thấy trên mạng xã hội tuyển nhân viên bán nước mía làm việc ở TP Cần Thơ. 

Ngân cùng chị gái rủ nhau đi làm. Mỗi ngày tiền công là 55.000 đồng/người. Làm ròng rã 10 ngày liền hai chị em Ngân như chết trân khi chủ quán quỵt tiền không trả. 

Xứ lạ quê người, hai chị em chỉ còn biết năn nỉ xin chút ít tiền xe về. Về rồi, Ngân không cho phép mình buồn lâu, hai chị em nhanh chóng tìm việc mới. Với gia đình Ngân, việc học là con đường thoát nghèo duy nhất.

Đã ba đứa con gãy gánh học hành

Bà Nguyễn Thị Nguyên, mẹ Ngân, vì sinh nhiều nên sức khỏe vốn đã yếu lại mang căn bệnh ung thư vú, đã vô hóa chất nhiều lần. Bà cứ day dứt mãi vì nghèo lại thiếu kiến thức nên không kế hoạch hóa gia đình. 

"Đẻ nhiều, đẻ dày, kinh tế gia đình bấp bênh không thể lo cho con đủ đầy" - bà áy náy.

Dù rằng người mẹ tuổi ngũ tuần này làm quần quật không có một giờ rảnh nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn chưa thôi đeo đẳng. Ba người con lớn của bà Nguyên phải nghỉ học giữa chừng để đi làm công nhân. 

Hai người kế tiếp đang theo học tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ.

"Sắp tới Út Ngân lại vô đại học không biết ổng còn có thể lo nổi không. Tui dốt một chữ bẻ đôi không biết, nên cũng quyết tâm cho các con học hành mà hết ba đứa gãy gánh giữa đường rồi. Còn ba đứa thì đang ráng, tới đâu hay tới đó" - bà Nguyên thở dài. 

Thương mẹ, Ngân an ủi: "Con sẽ ráng đi làm để có tiền đi học nghen mẹ".

Kênh Bảy Thước, ấp 3 trước nhà bà Nguyên chẳng có mấy trẻ được cho ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều người còn cười vợ chồng bà Nguyên đã nghèo mà còn "làm phách" cho con đi học làm chi. 

Nhìn con sông trước nhà đầy lục bình và nhiều phận người mưu sinh nhờ những nhánh lục bình trôi nổi muôn phương, bà Nguyên tâm sự: "Cha mẹ đã nghèo không lẽ để chúng nghèo luôn sao".

Cô Lê Thị Mỹ Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Cao Lãnh 1, cho biết đã dạy Ngân 3 năm, không chỉ giáo viên mà bạn bè đều yêu quý và nể phục em. 

"Biết nhà em xa xôi, đi học bằng xe đạp mà chưa hôm nào Ngân đi trễ. Nhiều hôm thấy em dầm mưa lấm lem mà ai cũng thương. Năm nào Ngân cũng là học sinh giỏi của lớp dù hoàn cảnh gia đình còn thiếu thốn đủ bề" - cô Hạnh chia sẻ.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 Ngân đạt được 21,7 điểm khối B, đậu ngành bảo vệ thực vật Trường ĐH Cần Thơ.

Mang gánh nặng vào giảng đường

ảnh 1 tsv hiếu 3(read-only)

Mỹ Hiếu hằng ngày chăm sóc cha bệnh tâm thần - Ảnh: MINH TRÂN

Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo dẫn đến nhà ông Trung "ấp gà" cuối thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Ông Trương Ngọc Trung (48 tuổi) được mọi người quan tâm vì mắc bệnh tâm thần, nhà rất nghèo nhưng có con hiếu học.

Con gái ông, Trương Thị Mỹ Hiếu vừa trúng tuyển vào Trường CĐ Y tế Khánh Hòa.

Đến nhà, gặp ông Trung ngồi đong đưa trên võng, chúng tôi mới biết không phải ông làm nghề ấp trứng gà mà vì ông bị bệnh tâm thần, gà đẻ trứng nào là ông Trung ôm trứng gà vào lòng để... ấp.

Hiếu kể ba khởi phát bệnh tâm thần từ 5 năm trước, sau thời gian gắng sức kiếm tiền, dành dụm sửa lại gian nhà trên. Ba của Hiếu đêm thì thức, ngày thì ngồi lơ mơ rồi tùy hứng bỏ nhà đi quanh làng lúc nào không hay, nên cả nhà thường phải cất công đi tìm dẫn ba về.

"Ba thường lên cơn bệnh vào buổi trưa nắng nóng. Giờ không biết làm sao cho ba hết bệnh" - Hiếu nói giọng trầm buồn.

Còn mẹ Hiếu, bà Bùi Thị Lán (44 tuổi) là lao động chính trong gia đình kể từ ngày chồng phát bệnh. Ông bà có bốn đứa con. Hiếu là con thứ hai và có hai em nhỏ. Bà Lán còn phải nuôi hai cháu ngoại nữa vì vợ chồng con gái đầu bỏ nhau, mẹ chúng cũng bỏ nhà đi không về.

"Dù rất khó khăn nhưng cũng ráng nuôi luôn hai đứa cháu ngoại chứ biết làm sao bây giờ" - bà Lán nói.

Ngày nào cũng như ngày nấy, mẹ Hiếu sáng chạy xe máy 15km vào Phan Rang nhổ lông vịt thuê cho cơ sở làm vịt sống cung cấp thịt cho các quán ăn, đến chiều mới về đến nhà.

Bà Lán nhổ lông vịt đến nỗi cùn cả năm ngón tay phải, mỗi ngày thu nhập được 100.000 đồng. Bà lại mắc bệnh thiểu năng tuần hoàn hai bán cầu não, gai cột sống, nên làm việc ngày càng khó khăn hơn.

Làng Mỹ Nhơn, nơi Hiếu sinh ra, được bao quanh là cánh đồng lúa mênh mông nhờ có hệ thống thủy lợi dẫn nước quanh năm nhưng nhà Hiếu không có mảnh ruộng nào.

Khuôn viên nhà có chừng 100m2 thì hết một nửa dành để Hiếu thay mẹ chăn nuôi heo, gà, vịt kiếm sống.

Thương mẹ tần tảo kiếm tiền nuôi gia đình, Hiếu học xong là tất tả đạp xe về nhà lo tìm ba, cho heo, gà, vịt ăn, nấu ăn, dạy học cho em và cháu.

"Mình còn tranh thủ chạy bàn đám cưới, quán cà phê để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình" - Hiếu kể.

Hoàn cảnh thiếu trước hụt sau nên cả nhà Hiếu không có ăn sáng, bữa ăn chính vào bữa trưa, còn bữa chiều thì thường ăn cơm với mì gói làm canh.

Ngày Hiếu nhận giấy báo nhập học, hai mẹ con Hiếu vừa mừng vừa lo. Mẹ chạy vạy vay tiền khắp nơi để Hiếu nhập học. Những việc chăn nuôi, chăm sóc ba... giờ em gái kế Hiếu đang học lớp 10 đảm trách.

Hiếu vào giảng đường, mang theo gánh nặng, nỗi lo về cuộc mưu sinh của mẹ, bệnh tình của ba, bữa cơm chiều không đủ no của các em, các cháu...

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo

TTO - Cha bệnh tâm thần, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Thành vừa học vừa chăm lo hai đấng sinh thành. Dù vất vả, Thành vẫn vui 'còn ba má ráng mà nuôi...'

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên