Sợ mắc COVID-19 quá mức, coi chừng bị coronaphobia

HỒNG VÂN 06/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Chúng ta đang sống trong thời buổi mà chỉ cần bị ho nhẹ, sụt sịt hay mất khứu giác là giật mình tự hỏi phải chăng mình đã nhiễm COVID-19. Sợ bị nhiễm COVID-19, tiếng Anh là coronaphobia, là một dạng rối loạn lo âu bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy điều này liên quan đến việc sợ bị nhiễm bệnh, tử vong và cả phong tỏa.

Tập thể dục, yoga tại nhà vừa giúp tăng cường sức khỏe vừa có tác dụng giảm lo lắng. Ảnh: Getty Image

Quá sợ bệnh cũng là bệnh

Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ định nghĩa ám ảnh (phobia) là một chứng rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự sợ hãi dai dẳng, quá mức, phi thực tế với một đồ vật, con người, động vật, hoạt động hoặc tình huống. Chứng ám ảnh này khiến người ta tránh xa những tác nhân gây ra nỗi sợ và khi không thể tránh được, sẽ gây ra lo lắng và đau khổ cho họ.

Với hơn 211 triệu ca và 4,4 triệu người chết trên thế giới (trang web thống kê worldometers.info ngày 22-8) cùng những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội ở quy mô toàn cầu, đại dịch COVID-19 là sự kiện đau buồn và gây ra chứng coronaphobia.

Nghiên cứu về coronaphobia trên Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ về y khoa chỉ ra rất nhiều yếu tố có thể là tác nhân gây ám ảnh liên quan đến bệnh COVID-19. 

Sự thiếu chắc chắn về nguồn gốc của virus và dịch bệnh là một trong số đó. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về nguồn gốc của virus, thời gian ủ bệnh, tác động của các biến thể mới, sống chung với dịch thế nào... khiến nhiều người lo lắng. Căn bệnh cũng khiến tương lai khó đoán, bấp bênh hơn. 

Quá tải bệnh viện làm sứt mẻ niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. Tin tức về việc các lãnh đạo thế giới, người nổi tiếng nhiễm bệnh làm tăng cảm giác vô vọng, lo lắng. 

Đó mới là các yếu tố kích hoạt tâm trạng lo lắng. Khi chúng ta sợ COVID-19, các phản ứng về sinh lý, nhận thức và hành vi của cơ thể sẽ góp phần củng cố sự sợ hãi. Về sinh lý, nỗi lo lắng thường trực về việc bị nhiễm COVID-19 làm tim ta đập thình thịch, run, khó thở, chóng mặt, thay đổi cảm giác với đồ ăn, khó ngủ. 

Về nhận thức: sợ mắc bệnh khiến ta liên tục giả định các tình huống xấu: Tôi có thể chết nếu bị mắc COVID-19; tôi không thể đi làm, sẽ thất nghiệp; gia đình tôi có nguy cơ cao, họ có thể chết...

Những suy nghĩ này lại tiếp tục kích hoạt các cảm xúc như buồn bã, tội lỗi, tức giận. Vì sợ bị nhiễm bệnh, người lo lắng thái quá sẽ tránh các nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu không thể tránh được, khi phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chạm vào các bề mặt, đến nơi công cộng, nơi đông người... họ đều rất sợ hãi.

Họ sợ gặp người khác, lạm dụng các hành vi an toàn liên quan đến sức khỏe (như rửa tay). Để tự trấn an, họ liên tục kiểm tra các chỉ số sức khỏe để xác nhận mình không có bệnh: kiểm tra khứu giác, vị giác, đo thân nhiệt... Nhưng các hành động này “nuôi dưỡng” sự sợ hãi chứ không giúp họ yên tâm hơn.

Ông Gordon Asmundson - giáo sư tâm lý học tại Đại học Regina (Canada), đồng tác giả cuốn It's Not All in Your Head: How Worrying about Your Health Could Be Making You Sick - And What You Can Do about It - lý giải vì sao “bệnh tưởng” có thể làm chúng ta “bệnh thiệt” cho biết: 

“Khi xảy ra dịch bệnh như COVID-19, người lo lắng thái quá về sức khỏe có thể bị ám thị rằng các cơn đau cơ sau khi tập thể dục hoặc một cơn ho là dấu hiệu bị nhiễm COVID-19. Điều này khiến họ lo lắng hơn, có dấu hiệu bị căng thẳng”.

Lo lắng về bệnh tật, như COVID-19, ở mức độ nào đó là có lợi, là động lực để chúng ta có những hành vi bảo vệ sức khỏe: đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, thường xuyên rửa tay... nhưng lo lắng quá mức là lợi bất cập hại. 

Steven Taylor, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia (Canada), cho biết: “Người lo lắng về sức khỏe quá mức thường xuyên kiểm tra huyết áp, thân nhiệt. Họ có nhu cầu đi hết bác sĩ nọ đến bác sĩ kia về một vấn đề sức khỏe. Họ lật tung Internet để tìm hiểu các triệu chứng của mình”.

Mà “bác sĩ Google”, theo giáo sư Taylor, có thể đưa ra những chẩn đoán gây hoang mang, “sau khi đọc thông tin trên Internet, họ có thể còn sợ hãi hơn”.

Lo lắng thái quá có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhất là khi tâm trí ta luôn ám ảnh với suy nghĩ nếu mình bị bệnh thì sao, làm tim đập nhanh hơn, thở gấp, gây đau đầu, đau bụng... Nó thậm chí khiến ta mất tập trung, gây bi quan, không còn khả năng tận hưởng các hoạt động vui vẻ bình thường, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

“Khi sự lo lắng và tưởng tượng về bệnh tật không tương xứng với rủi ro thực tế, hoặc khi nó cản trở khả năng làm những công việc bình thường như học hành hay chăm sóc gia đình, đó là vấn đề cần giải quyết” - nhà tâm lý Bufka nói.

 
 Hãy đi khám với bác sĩ chuyên khoa thay vì tìm kiếm thông tin trên Google. Ảnh: Reuters

Cách tự xử nỗi lo

Dù lo lắng thái quá về bệnh tật làm phiền cuộc sống của chúng ta, tin vui là chúng ta có thể tự khắc phục hoặc nhờ sự trợ giúp của chuyên gia. Sau đây là lời khuyên của các chuyên gia:

Kiên trì lối sống lành mạnh 

Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kết nối với người khác (nếu không gặp mặt thì gọi điện, nhắn tin...) và thể dục thường xuyên. Mặc dù những người bị chứng rối loạn lo âu bệnh tật nghiêm trọng có thể không muốn tập thể dục vì nó khiến họ mệt thêm, hãy cố gắng tập chút ít khi có thể. 

Theo giáo sư Taylor, “sự sa sút về thể chất diễn ra rất nhanh, có thể gây ra các triệu chứng đáng lo ngại khác như nhịp tim tăng hoặc khó thở khi leo cầu thang. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy các bài tập thể dục theo động tác, đặc biệt là thể dục cường độ cao, như chạy bộ, có thể có tác dụng nhanh và nhiều trong giảm lo lắng”.

Nghĩ về hiện tại

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, không thể biết trước tương lai. Cái duy nhất chúng ta kiểm soát là hiện tại. Nhà tâm lý Bufka khuyên: Khi lo lắng nổi lên, hãy quan sát nó, chấp nhận rồi đặt nó vào một góc của tâm trí để tiếp tục cuộc sống của mình. 

Bạn thử viết về nỗi lo lắng của mình ra một cuốn sổ, sau đó đóng sổ lại và suy nghĩ sang vấn đề khác. Với bài tập này, bạn có thể dần gác sự lo lắng sang một bên.

Làm dịu hệ thần kinh

Nhà tâm lý Asmundson gợi ý “tập cách kiểm soát sự kích hoạt của hệ thần kinh thực vật - hệ thần kinh thúc đẩy các phản ứng chiến đấu hay từ bỏ trước các kích ứng - giúp đưa hệ thần kinh chúng ta về trạng thái bình thường thay vì trạng thái đối mặt với nguy hiểm, nhờ đó giúp giảm lo lắng”.

Chúng ta tập kiểm soát hệ thần kinh thực vật bằng cách tập thở cơ hoành với nhịp độ ổn định (hít vào từ từ bằng mũi, đếm 1-2, tạm dừng một hoặc hai nhịp, sau đó thở ra đếm 1-2). 

Cơ hoành là một cơ hình vòm nằm dưới phổi. Khi hít vào, cơ hoành hạ xuống tạo ra một chân không hút không khí vào phổi, bụng của chúng ta sẽ phồng lên, xẹp xuống theo từng nhịp hít vào thở ra. Ngoài ra, có thể tập căng, giãn từng nhóm cơ cụ thể hoặc thiền.

Đừng kiểm tra sức khỏe quá thường xuyên

Liên tục kiểm tra thân nhiệt hoặc khứu giác vì sợ nhiễm COVID-19 không mang lại lợi ích gì cho bạn. Nếu có các triệu chứng thực sự gây lo lắng như chóng mặt, ngất xỉu, khối u bất thường... hãy đi khám chuyên khoa, làm theo lời khuyên của bác sĩ. 

Cũng đừng nhảy hết bác sĩ này sang bác sĩ kia để tìm kiếm sự đảm bảo về chẩn đoán, hay dành hàng giờ lang thang trong các trang thông tin về sức khỏe trên Internet. Hãy ngắt kết nối Internet khi có thể hoặc làm tay chân và tâm trí cùng bận rộn bằng các hoạt động như tô màu, đan lát, đọc sách... khi rảnh rỗi.

Thay đổi cách nghĩ

Theo các chuyên gia, cách chúng ta nghĩ về cảm giác của cơ thể và sức khỏe tổng quát của mình có thể làm tăng hoặc giảm sự lo lắng. Tập trung vào các triệu chứng xấu hoặc chưa gì đã lo mình bị bệnh nặng có thể làm tăng các nguy cơ về sức khỏe.

Nếu bạn lo lắng thái quá, hãy chất vấn những suy nghĩ lo lắng của mình và đưa ra đánh giá sát thực hơn. Thay vì nghĩ: Tuần này tôi bị kiệt sức, chắc chắn là tôi bị bệnh, hãy xem xét lại những gì xảy ra. Bạn sẽ tự đưa ra được đánh giá thực tế hơn là mình làm việc quá sức và thiếu ngủ, nên bị kiệt sức.

Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia

Nếu không thể tự mình khắc phục những suy nghĩ lo lắng thái quá của bản thân, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Bạn đừng lo nếu không thể gặp trực tiếp do giãn cách xã hội vì COVID-19.

 Một nghiên cứu so sánh giữa việc trị liệu trực tuyến với trị liệu trực tiếp cho những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật cho thấy hiệu quả của trị liệu trực tuyến tương tự trị liệu trực tiếp nhưng chi phí thấp hơn. 

Ám ảnh mắc bệnh COVID-19 có thể là thoáng qua, không tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra, can thiệp sớm, không để nó phát triển thành vấn đề dai dẳng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận