Tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước và báo Lao Động tổ chức vào chiều 15-9, ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - phát biểu rằng đến hết tháng 7, cả nước có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa.
Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về các lợi ích của thẻ tín dụng nội địa đối với người dùng, ông Tuấn cho biết bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường thì chi phí phát hành và thanh toán thẻ tín dụng nội địa khá phù hợp.
Đây là một trong những điểm cộng của thẻ tín dụng nội địa có thể khuyến khích khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
"Song, trong tổng số 39 triệu thẻ đang hoạt động thì thẻ tín dụng nội địa còn khá khiêm tốn khi chiếm 8,7% trong tổng lượng thẻ của cả nước. Như vậy, chúng ta còn dư địa rất lớn để đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", vụ trưởng Vụ Thanh toán nhận định.
Đánh giá việc phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa là góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Tuấn Anh - phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - đề xuất cần có chính sách phù hợp để khuyến khích tiêu dùng trong nước sử dụng sản phẩm thẻ này.
Thực tế, chúng ta chủ yếu đang phát triển rất tốt thẻ tín dụng ở thành thị, thế nhưng ở thị trường nông thôn vẫn còn rất ít.
Giải pháp đặt ra, ông Tuấn Anh nhấn mạnh bên cạnh việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, cơ quan quản lý cần có chính sách để người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng nội địa ở cả trong và nước ngoài.
Thêm nữa, chính sách không thể thiếu quy định về bảo vệ quyền lợi người sử dụng thẻ, tránh bị lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ.
Mặt khác, để phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa trong nước, ông Tuấn Anh đặt vấn đề nên mạnh dạn có cơ chế ưu đãi lãi suất cho người sử dụng.
"Bởi, việc giải quyết bộ hồ sơ cho vay cá nhân để tiêu dùng thì ngân hàng cũng tốn chi phí để tiếp cận, giải quyết thẩm định hồ sơ… Việc phát hành thẻ tín dụng nội địa như hiện nay hoàn toàn có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí. Không có lý do gì để chúng ta không cố gắng khuyến khích người dân sử dụng thẻ tín dụng nội địa như áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi" - ông Tuấn Anh phân tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận