Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, dự án mà nhiều cựu cán bộ, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh này, được xác định có hành vi nhận hối lộ. Việc số hóa kê khai tài sản sẽ góp phần phòng chống tham nhũng - Ảnh: H.M.
Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
Đây là nội dung nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Vậy việc tổ chức thực hiện yêu cầu này thế nào?
Bước tiến lớn nhưng cần thêm nhiều giải pháp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Thái Dương - cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - cho hay việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây được xem là một bước tiến mới trong cả lý luận, thực tiễn về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt nâng cao giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Khi số hóa các dữ liệu liên quan đến việc kê khai còn giúp lưu trữ tốt hơn và các cơ quan chức năng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất các thông tin liên quan tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy công tác kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ giúp cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong minh bạch tài sản, phòng chống tham nhũng.
"Hiện cục đang hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án kiểm soát tài sản, thu nhập để trình tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Cố gắng triển khai thực hiện để đạt yêu cầu của Quốc hội đến sau năm 2025 chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số" - ông Dương thông tin.
Lãnh đạo Cục Phòng chống tham nhũng chỉ rõ, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chủ yếu liên quan đến các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ.
Đồng thời để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra phải tiến hành đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu khác. Ngoài ra cơ chế, chính sách trong việc quản trị, cập nhật, khai thác..., đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin trong hệ thống là một yêu cầu hết sức quan trọng.
Hiện tại theo quy định pháp luật có hơn 1.000 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong toàn quốc.
"Dù xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng hiện tại cũng không nên coi đây là "bảo bối" để có thể phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, trong đó điều quan trọng là việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Ví dụ như chính sách lưu thông tiền tệ, hạn chế việc sử dụng tiền mặt..." - ông Dương chia sẻ.
Ông Dương phân tích thêm, thực tế hiện nay việc sử dụng tiền mặt trong xã hội Việt Nam còn quá lớn. Thêm vào đó, còn xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức nhờ người thân khác đứng tên hộ đất đai, nhà cửa, tài sản có giá trị khác.
Trong khi bản kê khai tài sản, thu nhập hiện nay mới chỉ dừng ở đối tượng phải kê khai là vợ, chồng, con chưa thành niên. Vì thế cần thay đổi, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật mới có thể làm tốt được kiểm soát tài sản thông qua kê khai tài sản, thu nhập.
Xác minh ở những lĩnh vực "nhạy cảm"
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn lại các vụ án vừa qua như cựu bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đều thuộc diện phải kê khai nhưng chỉ đến khi bị điều tra mới phát hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.
"Với trường hợp cố tình kê khai không trung thực, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thì phải xử lý thật nghiêm minh. Như vậy công tác phòng chống tham nhũng mới đạt được hiệu quả", ông Hòa nói.
Ông Hòa cho hay ông đồng tình với việc xác minh tài sản cần được thực hiện với các cán bộ phụ trách những lĩnh vực "nhạy cảm" dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn để sau đó chúng ta có những đánh giá, tổng kết giúp đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.
Công dân Việt Nam tham gia chuyến bay giải cứu, về nước qua sân bay Nội Bài. Liên quan đến các chuyến bay này, cơ quan chức năng đã xác định nhiều hành vi trục lợi từ cán bộ nhà nước - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Sau kê khai, phải công khai, giám sát, xác minh
Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Trọng Đạt - nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - cũng cho rằng việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là một giải pháp mới, có lợi cho phòng chống tham nhũng.
Theo ông Đạt, điều quan trọng nhất để thực hiện được cơ sở dữ liệu này là phải đảm bảo nguồn dữ liệu đưa vào chính xác, minh bạch.
Ngoài việc tự kê khai, xác minh của cơ quan kiểm soát tài sản thì phải bám sát, nắm được di - biến động về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thuộc đối tượng kê khai. Từ đó cập nhật thường xuyên giúp các cơ quan khai thác, sử dụng hiệu quả.
Ông Đạt cũng cho rằng thực tế công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ là một biện pháp trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Sau kê khai phải công khai, giám sát và xác minh. Tuy nhiên thực tế, việc xác minh bản kê khai thu nhập, tài sản chưa đi vào thực chất khiến không ít trường hợp kê khai không trung thực, che giấu tài sản.
Ông Đạt nêu ví dụ, việc bốc thăm ngẫu nhiên để tiến hành xác minh tài sản kê khai của cán bộ được thực hiện trong thời gian qua dù là bước tiến nhưng vẫn chưa thực chất và giải quyết được vấn đề. Muốn chống tham nhũng phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đảm bảo thực chất, hiệu quả.
"Tôi cho rằng đã là quan chức thì phải kê khai trung thực và phải được xác minh.
Thêm đó, với các cơ quan chống tham nhũng như thanh tra, kiểm tra, công an, tòa án, kiểm sát thì không nên bốc thăm tối thiếu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan để xác minh tài sản, thu nhập kê khai mà 100% phải làm.
Tổng bí thư đã nói phải chống tham nhũng, làm trong sạch cơ quan chống tham nhũng trước tiên thì phải làm như vậy rồi mới đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia để giám sát", ông Đạt nêu.
Tịch thu tài sản nếu không chứng minh được nguồn gốc
Ông Hoàng Thái Dương nhấn mạnh thêm để hoàn thiện tốt cơ chế, chính sách kiểm soát tài sản, thu nhập ở nước ta thì cần thiết cũng phải học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới.
Thực tế ở nhiều nước họ đã làm rất tốt vấn đề này với các biện pháp không phức tạp nhưng hiệu quả cao.
"Điều quan trọng nhất là hệ thống chính sách pháp luật phải được hoàn thiện thật tốt. Chính sách pháp luật tốt, đảm bảo được tính khách quan, khoa học sẽ bền vững mà không phải sửa đi sửa lại", ông Dương bày tỏ.
Trong khi đó, ông Phạm Trọng Đạt cho hay ở nhiều nước, nếu cán bộ, công chức có tài sản, thu nhập biến động mà không chứng minh được nguồn gốc, không trung thực sẽ bị xem xét tịch thu vào ngân sách.
Tuy nhiên ở nước ta, việc chứng minh tài sản bất minh thuộc về các cơ quan tư pháp, tòa án.
Do đó về lâu dài nên xem xét học tập để các cơ quan kiểm soát tài sản có quyền tịch thu tài sản bất minh của cán bộ, công chức. Còn trước mắt, có thể xem xét đánh thuế rất cao hay một biện pháp mạnh nào đó.
Việc không dùng tiền mặt, số hóa là mục tiêu hướng đến sự minh bạch. Trong ảnh: ứng dụng công nghệ giao dịch phí cảng biển - Ảnh: HỮU HẠNH
Trước ý kiến nên công khai kết quả kê khai tài sản của cán bộ, công chức ở nơi sinh sống, ông Đạt cho rằng việc công khai tạo sự minh bạch là cần thiết nhưng nên xác định phạm vi công khai như thế nào cho phù hợp.
Từ thực tế nhiều năm làm công tác phòng chống tham nhũng, ông Đạt cho rằng việc công khai tài sản kê khai của cán bộ cho cơ quan là khách quan và chính xác nhất. Ông dẫn chứng bản kê khai theo quy định sẽ được công khai ở hội trường cơ quan, nơi làm việc của cán bộ, công chức...
Ở đó những đồng nghiệp ở cơ quan sẽ là người hiểu, biết rõ, lãnh đạo có quan hệ, có tài sản như thế nào. Đồng thời những đồng nghiệp ở cơ quan cũng chính là người dân tham gia giám sát việc này.
Với việc công khai ở khu dân cư đã được đặt ra và cũng quan trọng nhưng nhiều khi hộ khẩu một nơi nhưng cán bộ lại ở một nơi khác thì người dân ở khu dân cư cũng khó giám sát, nắm đủ thông tin. Ngoài ra, tài sản của cán bộ có thể ở nhiều nơi, nhiều chỗ dẫn đến người dân không biết, hiệu quả giám sát sẽ không cao.
Chưa kể một số người không tốt lợi dụng vào việc kê khai tài sản để xâm phạm quyền riêng tư, quyền tài sản của người cán bộ. "Sau này tùy từng mức độ, cán bộ ở cấp nào cần công khai thế nào nên được tính đến để đảm bảo hiệu quả", ông Đạt nêu thêm.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong năm 2022 có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Qua việc xác minh, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Quá trình kiểm tra, xác minh cũng đã phát hiện một số vi phạm như tình trạng sai sót trong kê khai tài sản, thu nhập như sử dụng biểu mẫu chưa đúng quy định.
Cùng với số hóa, cần cơ chế công khai
Ông Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư tỉnh Hải Dương) tại Hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 21-12-2021 đã chỉ đạo "làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm tại CDC Hải Dương" trong mua sắm phòng chống dịch COVID-19. Ít lâu sau, ông Thăng bị bắt và bị khai trừ Đảng vì liên quan đến Công ty Việt Á - Ảnh: HOÀNG BIÊN
TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đến nay Quốc hội mới đề ra mục tiêu đến năm 2025 phải thực hiện chuyển đổi 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập sang sử dụng công nghệ số, dữ liệu số là chậm so với nhiều quốc gia khác.
Đây là việc phải làm sớm để tạo ra một công cụ cần thiết giúp việc kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả hơn.
Thời điểm này, chúng ta đang đẩy mạnh việc hoàn thành xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng là điều kiện thuận lợi để tích hợp và xây dựng dữ liệu về tài sản, thu nhập.
Liệu việc số hóa có phải là giải pháp căn cơ để kiểm soát tài sản, thu nhập và phòng chống tham nhũng hiệu quả? TS Cao Vũ Minh cho hay thực tế hiện nay cán bộ, công chức, viên chức hằng năm vẫn phải kê khai biến động tài sản, thu nhập trên giấy. Vấn đề là bản kê khai đó ít được niêm yết, công khai minh bạch.
Việc số hóa dữ liệu chỉ là bước thay đổi từ khai giấy sang khai và lưu dữ liệu trên máy, nếu không có cơ chế hậu kiểm và tạo điều kiện cho người dân giám sát, tố cáo, khiếu nại cũng sẽ không đạt được hiệu quả trong kiểm soát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Minh cho rằng cùng với lộ trình số hóa, cũng cần phải làm rõ cơ chế công khai, minh bạch dữ liệu cũng như cơ chế hậu kiểm đối với việc kê khai. Ở nhiều quốc gia, dữ liệu này hoàn toàn là dữ liệu mở, công khai để người dân giám sát, còn với chúng ta, việc mở dữ liệu đến đâu cần phải xác lập rõ.
"Thực tế hiện nay không phải ai cũng tiếp cận được cơ sở dữ liệu về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Những bản kê khai này chủ yếu do các cơ quan nhà nước quản lý. Khi bị tố cáo, các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra mới phát hiện có tiêu cực thì mọi chuyện đã rồi.
Do vậy, cơ chế cho các đối tượng được quyền truy cập dữ liệu và giám sát đối với các bản kê khai là rất quan trọng", ông Minh nói và đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng liên quan phải công khai, không chỉ dừng lại ở vợ, chồng và con chưa thành niên.
Quốc hội phải giám sát kỹ tiến độ
Việc đặt ra lộ trình đến năm 2025 hoàn thành cũng cho thấy bước đi thận trọng, không vội vàng để đảm bảo việc thành công khi xây dựng dữ liệu.
Tuy vậy, bài học từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cho thấy Quốc hội cần phải giám sát chặt quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu, tránh trường hợp "đánh trống bỏ dùi".
Ví dụ năm 2016, Chính phủ ban hành nghị định 20 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Nếu có cơ sở dữ liệu này, việc giám sát thông tin danh tính, số lần vi phạm... của người vi phạm sẽ rất dễ dàng, tạo thuận lợi cho việc xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì sau đó cũng có lời hứa sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu này trong 2-3 năm. Tuy nhiên, hơn sáu năm trôi qua vẫn không thực hiện được.
TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận