27/07/2024 05:00 GMT+7

Số hóa bia mộ liệt sĩ - công trình từ tấm lòng tri ân

Số hóa bia mộ liệt sĩ nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (giai đoạn 2) và thu thập, số hóa thông tin chiến sĩ TP.HCM tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước là công trình từ tấm lòng tri ân thế hệ cha anh.

Số hóa bia mộ liệt sĩ - công trình từ tấm lòng tri ân- Ảnh 1.

Các bạn trẻ trao di ảnh sau khi được phục hồi cho gia đình ông Nguyễn Duy Sinh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: K.A.

Số hóa bia mộ liệt sĩ nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (giai đoạn 2) và thu thập, số hóa thông tin chiến sĩ TP.HCM tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước; Số hóa, phục hồi di ảnh, thông tin Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, ba má phong trào là hai công trình được tuổi trẻ TP.HCM tập trung thực hiện dịp 27-7 năm nay.

Bước đầu, chiến sĩ tình nguyện đã thực hiện 119 di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ tại các quận huyện và TP Thủ Đức. Từ các hình ảnh đã cũ và chỉ còn một số chi tiết, các bạn đã phục hồi lại gần như nguyên bản rồi lồng khung kính, trân trọng trao về với các gia đình.

Lần đầu tham gia, mình nhận phục hồi tám di ảnh mà phần lớn đều phải mường tượng rồi vẽ, cắt ghép sao cho nét mặt đúng với thẩm định của gia đình liệt sĩ. Sinh ra trong gia đình có công với cách mạng nên thực hiện công trình này mình cảm nhận rõ sự gắn kết, thân thương.
Sinh viên LÊ HỒNG ĐỨC

Phục dựng nét mặt qua màu thời gian

Việc phục dựng di ảnh được Đoàn Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng phối hợp với Huyện Đoàn Củ Chi (TP.HCM) làm vài năm trước, sau đó nâng lên quy mô cấp thành và thực hiện toàn TP.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công trình mong có thể phục hồi được nhiều di ảnh các mẹ, các liệt sĩ. Tham gia công trình lần này có chiến sĩ Mùa hè xanh các trường ĐH: Quốc tế Hồng Bàng, Kiến trúc TP.HCM và Mỹ thuật TP.HCM.

Bạn Đậu Thị Hải Yến (Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) chia sẻ các bạn dùng phần mềm để phục hồi di ảnh không quá khó song thử thách chính là nhiều bức ảnh bị ố màu theo thời gian, các chi tiết không còn đầy đủ. 

Các bạn kể để xử lý di ảnh liệt sĩ Phạm Văn Hổ (quận 1) đã tốn khá nhiều thời gian vì nhiều chỗ bị ố, mờ nước màu ảnh theo thời gian.

"Tụi mình phải vẽ thêm chi tiết rồi gửi lại gia đình thẩm định xem đã chuẩn với gương mặt liệt sĩ chưa. Khi gia đình thấy đúng, đội mới in, lồng trang trọng vào khung hình và trao tặng lại gia đình" - Yến cho hay.

Dù không phải là dân hay mỹ thuật nhưng Lê Trọng Nghĩa (Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) vẫn đăng ký tham gia công trình này. Nghĩa nói ban đầu có phần vì tò mò nhưng càng làm càng mê. Mỗi di ảnh được phục hồi và gửi về gia đình, nhận lại phản hồi tích cực, cả đội đều vui khó tả.

"Công trình thật ý nghĩa, nhân văn, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của tuổi trẻ nên gặp bức di ảnh khó, đội cũng cố thực hiện dù mất nhiều ngày mới xong" - Nghĩa nói.

Bạn Lê Hồng Đức cho biết đã vận dụng kiến thức "giải phẫu về cơ mặt" để vẽ lại ngũ quan cho một di ảnh liệt sĩ ố nhòe hết vì thời gian.

Mất hơn một tuần, Đức mới tạm "thổi hồn" cho bức ảnh từ việc nhờ được xem một số ảnh người thân mà gia đình cho là khá giống với liệt sĩ. Chính các bức ảnh đó giúp bạn mường tượng rồi vẽ lên gương mặt của liệt sĩ, nhờ gia đình thẩm định lần cuối trước khi in ảnh.

Đội hình chiến sĩ Mùa hè xanh gấp rút hoàn thiện công trình phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ để kịp tặng các hộ gia đình chính sách, có công dịp 27-7 năm nay - Ảnh: K.ANH

Đội hình chiến sĩ Mùa hè xanh gấp rút hoàn thiện công trình phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ để kịp tặng các hộ gia đình chính sách, có công dịp 27-7 năm nay - Ảnh: K.ANH

Đã số hóa gần 20.000 bia mộ liệt sĩ

Công trình số hóa bia mộ liệt sĩ nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM (giai đoạn 2) do chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) đảm nhận.

Sinh viên Nguyễn Thanh Bình phụ trách dự án, thực hiện khâu lập trình cho biết những ngày qua đội tập trung số hóa bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác (huyện Cần Giờ).

Các bạn đi hơn 50km đến nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác gặp ban quản lý xin thông tin các bia mộ nơi đây, ghi lại hình ảnh tổng quan của nghĩa trang để phục vụ việc thiết kế sơ đồ từng khu mộ. Hơn 2.000 bia mộ liệt sĩ đã được các bạn số hóa tại địa chỉ https://anhhunglietsi.vn.

Địa chỉ trang web trên cũng hoàn thành việc số hóa 14.367/15.000 bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM cùng 3.000 bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi.

Tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành số hóa tại ba nghĩa trang liệt sĩ. Còn lại ba nghĩa trang liệt sĩ có nhiều phần mộ khác tại TP.HCM gồm quận 7 - Nhà Bè, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức sẽ được thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Các bạn trong đội chia sẻ quá trình thực hiện bắt gặp nhiều liệt sĩ hy sinh ở tuổi đôi mươi, đến từ khắp mọi miền Tổ quốc khiến các bạn càng thấy tự hào khi được tham gia công trình ý nghĩa này.

"Chúng mình hiểu được phần nào sự mất mát hy sinh của thế hệ đi trước để thấy trách nhiệm của bản thân ở hiện tại. Khi số hóa, bắt gặp những bia mộ chưa có tên, cả nhóm đều rưng rưng xúc động" - Thanh Bình bộc bạch.

Nhận lại di ảnh, lòng rưng rưng

Ngày 25-7, Thành Đoàn TP.HCM cùng đại diện địa phương đã trao di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng cùng hai liệt sĩ sau khi được phục hồi cho gia đình ông Nguyễn Duy Sinh tại TP Thủ Đức.

Khi đến trao ảnh, đội hình phục dựng di ảnh đã nhận lời phục hồi thêm một số ảnh khác trên bàn thờ của gia đình ông Sinh đã ố cũ.

"Gia đình thật sự xúc động bởi sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương và các bạn trẻ. Nhận lại di ảnh của mẹ và hai người anh trai đã hy sinh đẹp và rõ, tôi khóc rưng rưng vì hiểu rằng đó là tình cảm mọi người dành cho gia đình" - ông Sinh bày tỏ.

Tiếp nối công trình nhân văn

Quá trình thiết kế, kiểm tra dữ liệu không khó song điều mà nhóm thực hiện kỳ vọng là trang web có thể duy trì lâu dài để phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang ở TP.HCM.

"Tụi mình sinh viên, làm xong công trình cũng ra trường, đi làm khó đeo bám nên rất mong cấp thành duy trì trang web hết sức ý nghĩa này" - Thanh Bình bày tỏ.

Anh Phạm Lê Minh Khang - trưởng Ban Thanh niên trường học (Thành Đoàn TP.HCM) - cho biết hệ thống tra cứu thông tin mộ liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM là công trình tuổi trẻ TP mang tên Bác cùng chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cùng với đó, công trình phục dựng di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ sẽ tiếp tục giai đoạn tiếp theo để lan tỏa mô hình nhân văn, cũng là góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.

Do đó, các đội hình vẫn tiếp tục hai công trình này đến năm 2025 chứ không dừng lại ở hè tình nguyện năm nay.

Sinh viên phục hồi 20 di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩSinh viên phục hồi 20 di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ

TTO - 20 di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ được phục hồi thành ảnh màu đã được trao lại cho gia đình tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên