Nội dung văn bản này thông báo khá rõ thời gian làm lễ truy điệu và ngày an táng, kể cả lộ trình đường đi để hướng dẫn cho các đơn vị. Đáng lưu ý, văn bản kể trên được gửi đi đủ các cấp từ Thành ủy, UBND TP, các sở và 29 quận huyện.
Bà Phạm Thị Mai Hồng lý giải: “Sở có một giám đốc, bốn phó giám đốc, tất cả đều thuộc Thành ủy, UBND TP quản lý nên phải thông báo đầy đủ”. Bà Hồng nói thêm nếu trường hợp mất là tứ thân phụ mẫu của nhân viên trong sở thì chỉ anh em trong sở thông tin cho nhau. Còn từ cấp phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc các đơn vị trong sở thì thông báo cho tất cả các đơn vị trong ngành. Riêng cấp phó giám đốc, giám đốc sở thì phải thông báo tới Thành ủy, UBND, các sở và quận, huyện. Đây là quy định chung để ai có mối quan hệ thì đến chia buồn.
Cũng theo bà Hồng, văn bản này gửi qua hệ thống văn bản, thư điện tử của TP nên tất cả các nơi đều nhận được. “Khi soạn văn bản ký thừa lệnh thì giám đốc sở cũng biết. TP cũng cử Sở Nội vụ đại diện tới viếng nên việc gửi văn bản không có ý gì khác ngoài việc báo tin buồn” - bà Hồng lý giải.
Trả lời câu hỏi tại sao chỉ là thông báo tin buồn mà được soạn đúng như văn bản pháp quy, có đóng dấu tròn và có địa chỉ đầy đủ các nơi sẽ nhận, bà Hồng nói: “Vì các trường hợp tương tự sở nhận được cũng thế nên văn phòng làm theo mẫu. Còn nếu việc thông báo trên có đóng dấu là không đúng thì xin rút kinh nghiệm”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 20-2, giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói: “Do bận công việc và bận việc tang nên tôi không biết và không kiểm soát được việc này. Chuyện ma chay, hiếu hỉ có quy định, quy chế của Thành ủy rồi, không thể tự ý được. Việc văn phòng tự ký thông báo thừa lệnh giám đốc, tôi xin nhận khuyết điểm, xin tiếp thu để chấn chỉnh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận