Các tỉnh thành cửa ngõ miền Đông, miền Tây và Tây Nguyên cũng lên các phương án ứng phó, hướng dẫn người dân đi lại các tuyến đường vào khung giờ thuận tiện nhất.
Dùng công nghệ ứng phó kẹt xe
Ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - cho biết đơn vị đã có yêu cầu các đơn vị sân bay, bến xe, phà... sẵn sàng kế hoạch phục vụ người dân về quê đón Tết.
Đồng thời phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, công an địa phương... túc trực, phân luồng giao thông ở những điểm nóng nói trên, hạn chế tối đa ùn tắc ảnh hưởng lộ trình đưa dân về quê.
Hiện Sở GTVT TP.HCM đưa toàn bộ thông tin đường sá, lộ trình, tình hình giao thông thực tế quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), bến phà... lên app thông tin giao thông.
Người dân truy cập có thể dễ dàng nắm được nên đi đường nào tránh kẹt xe, gặp sự cố lập tức gọi vào số hotline để phản ánh và được hỗ trợ giải quyết. Các đơn vị liên tục cập nhật thông tin mới nhất trên app này để thông tin cho dân nhanh nhất.
Tại những điểm nguy cơ ùn tắc cao như sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cát Lái cũng duy trì tổ phản ứng nhanh liên ngành phối hợp trơn tru, điều hướng giao thông kịp thời xử lý sự cố giao thông nếu có.
Đặc biệt, tại Trung tâm quản lý giao thông đô thị TP.HCM, 150 máy đo đếm, lọc dữ liệu vận hành liên tục có thể phát hiện, dự báo điểm ùn tắc. Thông tin sau khi trích xuất được chuyển tiếp vào tổ phản ứng nhanh cho các đơn vị liên quan nắm bắt sự việc. Từ đó các đơn vị thảo luận, đưa ra phương án điều tiết, gỡ tắc trong thời gian nhanh nhất có thể.
Ông Đường cho biết thêm Sở GTVT TP.HCM ra thông báo yêu cầu tạm ngưng thi công đào đường. Ngoài khu vực rào chắn công trình, nhà thầu dọn dẹp, trả lại mặt đường tối đa cho xe cộ đi lại không bị cản trở. Bắt đầu từ ngày 26-1 đến 4-2, các đoàn đi kiểm tra và xử phạt nhà thầu vi phạm.
Gợi ý đường về miền Đông, miền Tây
Mới đây nhất, Sở GTVT TP.HCM ra thông báo hướng dẫn lộ trình người dân từ TP.HCM đi các tỉnh sao cho đỡ kẹt xe, khuyến cáo bà con đi theo lộ trình đã được nghiên cứu kỹ để không bị ùn tắc.
Cụ thể người dân, xe khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có ba lộ trình để chọn lựa. Lộ trình 1 xuất phát từ bến xe Miền Đông - quốc lộ 13 - quốc lộ 14 (hoặc đường tỉnh 741) hoặc chọn lộ trình 2 đi trục tuyến quốc lộ 13 - đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - cầu vượt ngã ba Vũng Tàu - quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - quốc lộ 20.
Riêng đối với ô tô có thêm lựa chọn đi lộ trình 3 dọc đường Võ Nguyên Giáp - đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) - quốc lộ 20.
Đối với lộ trình gợi ý từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây được Sở GTVT TP.HCM tính toán kỹ lưỡng do lượng xe về miền Tây rất lớn và thường ùn cửa ngõ phía tây TP.
Trong đó có lộ trình 1 và lộ trình 2 khuyến khích chọn trục đường Kinh Dương Vương - quốc lộ 1 - đường dẫn cao tốc - đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - các tỉnh miền Tây. Lộ trình 3 đi từ bến xe Miền Tây - đường Kinh Dương Vương - quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 - các tỉnh miền Tây.
Còn lộ trình 4: đi từ hướng Trường Chinh - quốc lộ 22 (bến xe An Sương) - tỉnh lộ 8 - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây. Hoặc trục đường Trường Chinh - quốc lộ 22 (bến xe An Sương) - Nguyễn Văn Bứa - đường tỉnh 824 (tỉnh Long An) - tuyến N2 - các tỉnh miền Tây.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị sở GTVT các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai và Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan lắp bổ sung hệ thống biển báo hướng dẫn hướng đi lại. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thuộc TP.HCM tổ chức điều tiết giao thông và giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực bến xe, bến phà, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường ra vào cửa ngõ TP.HCM…
Xuyên Vườn quốc gia Bù Gia Mập về Tây Nguyên
Ngoài tuyến quốc lộ 14, người dân từ TP.HCM, Bình Dương về bốn tỉnh Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) có thể chọn tuyến đường xuyên rừng để về quê.
Cụ thể, từ TP.HCM đi theo quốc lộ 13 đến ngã tư Đồng Xoài (qua quốc lộ 13 hoặc đường tỉnh 741), tiếp tục đi theo đường tỉnh 741 lên hướng thị xã Phước Long, băng ngang Vườn quốc gia Bù Gia Mập đến ngã ba Cây He (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông).
Tiếp đó, rẽ phải vào quốc lộ 14C đi thêm khoảng 41km đến ngã ba Đồn 8 ở phía trung tây của tỉnh Đắk Nông (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) nối vào quốc lộ 14 tiếp tục hành trình lên các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum hoặc theo quốc lộ 14 chạy ngược về TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) thêm khoảng 47km.
So với quốc lộ 14, tuyến đường này ít xe cộ hơn. Đặc biệt, người đi đường sẽ đi xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập (dài khoảng 20km) và lâm phần thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông (dài khoảng 20 - 25km) cũng như dọc các bản làng giáp biên giới Campuchia.
Ông Hoàng Anh Tuân, phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cho hay khi đi qua lâm phần vườn quốc gia có hai trạm barie kiểm soát, người dân phải trình căn cước công dân và các giấy tờ liên quan đến người, hàng hóa, xe cộ... hợp lệ theo đúng quy định.
"Đoạn đường xuyên qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập nhỏ hơn một chút so với ở ngoài, nhưng tuyến đường mát mẻ và ít xe cộ hơn. Đây là cung đường người dân có thể lựa chọn về quê đón Tết", ông Tuân nói.
Tránh qua cầu Rạch Miễu giờ cao điểm
Để kịp thời phân luồng giao thông từ xa khi xảy ra kẹt xe trên cao tốc, ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) - cho biết vừa có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông từ xa.
Theo đó, đặt trường hợp giả định nếu xảy ra sự cố giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xe cộ bị ùn ứ tại khu vực xảy ra sự cố thì các lực lượng chức năng sẽ điều tiết từ xa, hướng dẫn xe chạy ra khỏi cao tốc tại các nút giao thông để tránh bị dồn xe, ùn ứ kéo dài.
Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí đường bộ phải mở barie để giải tỏa phương tiện theo quy định.
Trong thời gian qua, các tỉnh miền Tây đã đưa vào sử dụng một số công trình giao thông trọng điểm như cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nên tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận và một số tuyến quốc lộ như quốc lộ 30 (Đồng Tháp), quốc lộ 62 (Long An) đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, khu vực cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre vẫn là điểm nóng về kẹt xe. Nguyên nhân chính vẫn là cầu hẹp, thiết kế chỉ cho khoảng 6.000 phương tiện qua lại mỗi ngày/đêm nhưng lưu lượng hiện nay đã tăng lên 24.000 lượt/ngày đêm.
Đại diện Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu khuyến cáo người dân qua cầu Rạch Miễu trong dịp Tết tránh khung giờ cao điểm: buổi sáng nên qua cầu trước 9h và buổi chiều tối nên qua cầu sau 19h.
Có cao tốc, đi qua các tỉnh Đông Nam Bộ đỡ kẹt xe
Nếu chọn lối đi cao tốc về miền Trung, từ TP.HCM bắt đầu bằng tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Chạy đến km44 sẽ gặp nút giao rẽ vào cao tốc mới Phan Thiết - Dầu Giây.
Cụ thể, từ nút giao này, lái xe một mạch đến nút giao quốc lộ 28B với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (còn gọi là nút giao Đại Ninh). Ai về huyện Đức Trọng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có thể xuống cao tốc tại nút giao này để hướng về đèo Đại Ninh.
Hoặc những ai muốn đến trung tâm Di Linh (Lâm Đồng) cũng có thể chọn hướng cao tốc mới này.
Với những ai chạy bằng xe máy, quốc lộ 1 về các tỉnh miền Trung lần này đã nhẹ gánh hơn nhiều bởi được cao tốc "chia lửa".
Từ cửa ngõ phía đông TP hoặc trung tâm Đồng Nai, đường ngắn và dễ đi nhất vẫn là quốc lộ 1. Nhưng nếu thong thả thời gian, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ 56, quốc lộ 55, đường ven biển cũng là một lựa chọn lý tưởng vì có nhiều cảnh đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận