Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng là tướng 2 sao trước khi về hưu và chuyển sang chính quyền dân sự - Ảnh: AFP
Ông Lorenzana nhấn mạnh môi trường an ninh trong khu vực nay đã trở nên phức tạp hơn so với thời điểm khi Mỹ và Philippines ký hiệp ước phòng thủ cách đây 68 năm.
"Philippines sẽ không tham gia bất kỳ cuộc xung đột nào với bất kỳ ai, hay đối đầu một nước nào đó trong một cuộc chiến ở tương lai" - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines nhấn mạnh.
Tuyên bố được ông Lorenzana đưa ra ngày 5-3, chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Philippines và lần đầu đưa ra cam kết rằng Mỹ sẽ "bảo vệ" Philippines nếu bị tấn công ở Biển Đông.
Đây được xem là một tín hiệu mạnh mẽ chưa từng có của Washington với một đồng minh hiệp ước dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hải quân Mỹ đã gia tăng tần suất các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Trong đó, các tàu chiến Mỹ đã nhiều lần áp sát các thực thể bất hợp pháp bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hành động đó cho thấy sự phản đối của Mỹ trước các yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Nhưng nó lại đang khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte lo lắng.
"Người Mỹ, với sự gia tăng số lượng và mức độ qua lại thường xuyên trên Biển Đông, đang có nguy cơ dính vào một cuộc chiến có thể nổ súng. Và Philippines khi đó sẽ tự động bị kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào khởi đầu như vậy" - Báo New York Times dẫn lời ông Lorenzana nhấn mạnh.
"Không phải việc thiếu sự trấn an làm tôi lo lắng. Mà điều làm Philippines cảm thấy bất an đó là chúng tôi có thể sẽ phải dính vào một cuộc chiến mà chúng tôi không hề mong muốn" - ông Lorenzana trải lòng.
Vũ khí chính trên soái hạm BRP Gregorio Del Pilar của Philippines là pháo 76mm - Ảnh chụp màn hình
Bộ trưởng Lorenzana, một tướng lĩnh về hưu, đã đặt câu hỏi về mức độ cam kết của Mỹ cũng như cảnh báo về những hậu quả không lường trước.
Chẳng hạn, năm 1992, ngay sau khi quân đội Mỹ chấm dứt hợp đồng cho thuê và rút khỏi hai căn cứ ở Philippines, Trung Quốc đã bắt đầu xâm phạm những gì mà Manila xem là thuộc chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
"Người Mỹ đã không ngăn chặn điều đó" - ông Lorenzana nhắc đến đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh ban đầu tuyên bố chỉ đang xây chỗ trú ẩn cho các ngư dân và bây giờ ở đó là cả một pháo đài không chìm với đầy đủ đường băng và trại lính.
Tuy nhiên, theo ông Jay Batongbacal - giám đốc Viện hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines, việc Manila tự động bị kéo vào một cuộc xung đột mà nước này không hề muốn vì hiệp ước phòng thủ chung là một sự "cường điệu hóa quá mức và hiểu sai vấn đề".
Ông Batongbacal lập luận bất kỳ quyết định can dự vào một cuộc chiến hay xung đột nào sẽ phải tuân thủ các quy định trong Hiến pháp Philippines. Do đó, nếu Manila không muốn đối đầu với Trung Quốc, chính quyền hoàn toàn có thể dựa trên điều đó để từ chối Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận