Việc sơ cứu trước khi có can thiệp y tế rất quan trọng, trong đó các tình nguyện viên có vai trò rất lớn khi tiếp cận nạn nhân tại hiện trường.
Những bước thực hiện tại hiện trường
- Gọi 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất có đội cấp cứu chuyên nghiệp.
- Kiểm tra hiện trường xung quanh nạn nhân nhằm tránh các yếu tố có nguy cơ gây tai nạn để vừa cứu được nạn nhân, vừa bảo vệ được bản thân.
- Đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu. Tránh di chuyển nạn nhân nếu như thật sự không cần thiết.
- Nguyên tắc đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát hoặc xe đổ… cần có tối thiểu hai người, kéo nạn nhân từ phía sau, luồn tay vào nách nạn nhân để kéo, luôn lưu ý giữ cổ thẳng và bảo vệ cột sống lưng của nạn nhân.
- Đánh giá tình trạng nạn nhân theo thứ tự các dấu hiệu cần sơ cứu cơ bản như: hôn mê, ngưng thở, ngưng tim, chảy máu, gãy cột sống, gãy xương, tụt huyết áp, trật khớp, hạ thân nhiệt, bỏng mắt.
Kỹ thuật cấp cứu sơ bộ
- Hồi sinh tim phổi cơ bản:
+ Xác định nạn nhân còn tỉnh hay bất tỉnh bằng cách lay gọi, kiểm tra mạch cổ.
+ Nghiêng người ghé sát miệng nạn nhân để xem còn thở không.
+ Kiểm tra xem có đờm rãi, dị vật phải móc lấy sạch.
+ Cho nạn nhân nằm ngửa, nâng cằm và ngửa đầu, giữ cho đường thở được thông thẳng trục và xem nạn nhân còn thở hay không. Trong trường hợp nghi ngờ nạn nhân chấn thương cột sống cổ thì hạn chế không cử động cột sống cổ.
Sau khi thực hiện các bước trên mà nạn nhân không đáp ứng, tình nguyện viên phải gọi ngay cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất và tiến hành ngay thao tác hồi sinh tim phổi cơ bản: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với 30 lần ép/thổi ngạt 2 lần (1 lượt thao tác), mỗi 5 thao tác thì kiểm tra hơi thở nạn nhân và mạch cổ, tiến hành đến khi có nhịp thở.
- Xử trí chảy máu:
+ Băng ép hoặc ép chặt vào chỗ đang chảy máu bằng quần áo hoặc có băng gạc sạch vô khuẩn càng tốt, giữ nguyên cho đến khi nhân viên y tế đến. Tuyệt đối không bỏ tay đang giữ ép ra hoặc bỏ gạc đang giữ để thay gạc mới sẽ làm cho máu chảy càng mạnh hơn và khó cầm.
+ Nâng cao chi chảy máu so với tim và giữ nguyên. Khi nâng cao chi có tác dụng làm cho máu dồn về tim, não.
+ Chỉ đặt garo nếu chi đã bị đứt lìa và còn đang tiếp tục chảy máu.
Trường hợp nạn nhân có tổn thương ở đầu hay rách da, vỡ xương, thậm chí thấy chảy nước trong (nước não tủy) chỉ nên dùng gạc sạch hoặc quần áo sạch băng lên trên, tuyệt đối không bôi thuốc và không cố gắng rút các dị vật ra khỏi vết thương.
- Xử trí tắc nghẽn đường thở do hít sặc vật lạ:
+ Với nạn nhân còn tỉnh, là người lớn: cần trấn tĩnh nạn nhân, gập người nạn nhân ra phía trước để đầu thấp hơn ngực. Vỗ mạnh 5 lần lên lưng nạn nhân chỗ giữa 2 xương bả vai. Nếu không có hiệu quả thì dùng biện pháp ép bụng (dùng một lực đẩy bất ngờ lên cơ hoành sẽ nén ngực lại và có thể đẩy dị vật ra). Trường hợp dị vật chưa ra, có thể thực hiện thao tác này thêm 4 lần: 1 lần vỗ lưng và 5 lần ép bụng.
+ Với trẻ em: đặt trẻ vắt ngang đầu gối của bạn, để đầu trẻ cúi xuống và vỗ vào giữa 2 xương bả vai như cách người lớn, nhưng vỗ nhẹ hơn. Nếu không có kết quả thì dùng cách ép bụng và bắt đầu hô hấp nhân tạo. Lưu ý không được dùng phương pháp ép bụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận