Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: ĐAN THUẦN
Tại họp báo ngày 25-8, phóng viên phản ánh hiện nay nhiều hệ thống phân phối gas và các cửa hàng kinh doanh gas lẻ cho biết không có giấy đi đường, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết hiện nay sở không đủ sức cấp phép được các loại hình này. Do đó, sở đã kiến nghị UBND TP ban hành văn bản 2800 phân cấp các quận huyện cấp lại các giấy đi đường cho các loại hình gas và xăng dầu…
Tuy nhiên, theo quy định mới, Sở Công thương phải cấp các giấy này theo mẫu của cơ quan công an. Hiện nay, Sở Công thương nhận được khoảng 100.000 đề nghị cấp giấy, nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu của Công an TP. Do đó, Sở Công thương phải có tính toán và cắt giảm. Tuy nhiên, có những đơn vị không thể giảm, như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, để cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.
Ông Phương cũng cho biết, các doanh nghiệp có hàng hóa cần phải xuất thì ưu tiên. Về logistics, Sở Công thương nhận hơn 4.100 đề nghị, hiện đã cấp 831 hồ sơ, từ chối 352 hồ sơ. Sở cũng sẽ có văn bản đề xuất Công an TP cấp thêm mẫu giấy đi đường.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu, Công an TP.HCM - Ảnh: ĐAN THUẦN
Thượng tá Lê Mạnh Hà - phó trưởng Phòng tham mưu, Công an TP.HCM - cho biết với chỉ đạo của Chính phủ, đợt kiểm soát người lưu thông trên đường lần này phải thực hiện nghiêm ngặt và chặt chẽ theo phương châm "ai ở đâu ở đó". Vì thế, việc cấp giấy phải cân nhắc, số người được cấp giấy phải là trường hợp thật sự ra đường làm công vụ,
Theo ông Hà, Công an TP.HCM trước mắt sẽ xem xét cấp số lượng giấy như hiện tại. Sắp tới, nếu các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu bức thiết hơn, Công an TP sẽ đề nghị và có báo cáo rõ ràng.
Liên quan đến việc giấy đi đường mẫu mới được cấp ngày 24-8 thể hiện thời gian tham gia giao thông từ 6h đến 18h, trong khi một số nhóm đối tượng được phép lưu thông sau 18h để phục vụ nhu cầu công việc như hàng không, lực lượng ứng cứu các sự cố giao thông, điện nước; báo chí…
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thời gian in ấn quá gấp nên chỉ tính chung tất cả đối tượng, chưa chia riêng cho các trường hợp cụ thể. Thượng tá Hà đề nghị các cá nhân thuộc nhóm đối tượng được phép lưu thông sau 18h mang theo giấy tờ của cơ quan chủ quản.
Liên quan đến giá combo hàng hóa, phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết hiện nay hệ thống phân phối trực tiếp đa số là hệ thống phân phối hiện đại, đã tham gia bình ổn thị trường. Các thương hiệu hiện nay cũng có sự cạnh tranh giá cả, nên việc giá cả hàng hóa tăng bất thường gần như không có.
Theo ông Phương, người dân cho rằng combo hàng hóa giá cao, có thể là do giá tổ chức các combo còn cao so với thu nhập người dân.
Theo đó, Sở Công thương đã tổ chức đa dạng các combo từ 100.000 đến 500.000 đồng, phục vụ nhu cầu khác nhau của các hộ gia đình.
Còn việc thống nhất giá combo khá khó khăn, do mỗi hệ thống phân phối có nhà cung ứng và nguồn hàng khác nhau. Sở Công thương cũng đề nghị cung cấp các mặt hàng cần thiết nhất, tùy theo mỗi nhà cung cấp bố trí combo, nếu tiếp tục có khó khăn thì sẽ có kiến nghị, nghiên cứu, điều chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận