Đôla Mỹ đã qua lưu hành tại châu Á bị nhiều người nghi ngờ có chứa virus corona chết người - Ảnh chụp màn hình
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã âm thầm "cách ly" những tờ bạc xanh từng lưu hành ở châu Á trước khi tái luân chuyển trong hệ thống tài chính của Mỹ như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus corona mới gây viêm đường hô hấp cấp.
Một phát ngôn viên của Fed đã xác nhận điều này với Hãng tin Reuters vào ngày 6-3. Theo đó, các tờ đôla Mỹ đã từng đi qua châu Á sẽ bị đưa vào một khu cách ly riêng từ 7 đến 10 ngày. Số tiền giấy này sau đó sẽ được xử lý và phân phối lại cho các tổ chức tài chính.
Việc cách ly đã được bắt đầu từ ngày 21-2, tức chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành các động thái tương tự, thậm chí mạnh tay hơn là sau khi thu hồi là đốt luôn như thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết virus corona mới "có thể" được truyền từ người này qua người khác thông qua các bề mặt, nhưng tiếp xúc gần giữa người với người vẫn là con đường lây lan chính.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thận trọng hơn nhiều khi khuyên người tiêu dùng nên quẹt thẻ thay vì xài tiền mặt bất cứ khi nào có thể. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học New York cho thấy có tới 3.000 loại vi khuẩn trên một tờ đôla Mỹ đã qua tay nhiều người.
Nữ phát ngôn viên của Fed không tiết lộ cách cơ quan này xử lý tiền như thế nào nhưng khẳng định nó không cực đoan như Trung Quốc hoặc phải khử trùng bằng tia cực tím như Hàn Quốc.
Các quan chức của Fed cũng thường xuyên liên lạc với Bộ Ngoại giao và CDC để xác định nguy cơ lây nhiễm, mở rộng danh sách tiền từ khu vực nào thì cần phải cách ly.
Là loại đồng tiền dự trữ toàn cầu, đôla Mỹ là loại tiền được phân phối rộng rãi nhất trên thế giới với khoảng 1,75 ngàn tỉ USD tiền mặt đang lưu hành trên khắp thế giới, theo Fed. Phần lớn được lưu hành ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Á, nơi đồng nó thường có giá hơn tiền địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận