Các chuyên gia chia sẻ cách phòng bệnh cúm tại buổi thảo luận - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Tại buổi thảo luận "Cúm mùa và biện pháp phòng bệnh" do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức vào ngày 7-9 tại TP.HCM, ông Đỗ Thiện Hải - phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết những năm gần đây, số ca cúm có nhiều biến chứng hơn.
Hơn chục năm về trước, cúm chỉ có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp trên, sổ mũi vài ngày, hắt hơi... Những năm gần đây thì có nhiều biến chứng hơn như biến chứng thần kinh, có biến chứng viêm não...
Theo ông Hải, cúm có khả năng biến đổi gene... Theo đó, tại Bệnh viện Nhi trung ương có ngày lên đến 300 - 500 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm. Số ca cúm tăng cao khiến các bác sĩ phải "khóc" để tìm chỗ cho bệnh nhi nằm viện.
Những yếu tố nào góp phần làm xuất hiện những "ổ dịch" cúm? Theo ông Hải, bao gồm những yếu tố như mầm bệnh (tại Việt Nam có quanh năm), lưu thông không khí kém, nhiệt độ phù hợp cho vi rút tồn tại lâu dài trong không khí, tập trung đông người...
Hiện nay con người ở trong phòng máy lạnh nhiều nên việc lưu thông không khí kém, nhiệt độ trong phòng máy lạnh phù hợp cho vi rút tồn tại, các cháu nhỏ học trong phòng máy lạnh nhiều, người lớn làm việc tại cơ quan trong phòng máy lạnh (có yếu tố tập trung đông người)... Đây là những yếu tố làm tăng các ổ dịch cúm.
Còn ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm là trẻ em, phụ nữ mang thai, trên 65 tuổi, người già mắc bệnh mãn tính.
Các bác sĩ cho rằng cách phòng chống bệnh cúm tốt nhất là nên chích ngừa cúm hằng năm, đặc biệt với những người có nguy cơ cao như đã kể trên.
Ngoài ra, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người; thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; ăn uống đủ chất và luyện tập thể thao để tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận