19/07/2019 17:38 GMT+7

Sợ bị truy tố, người biểu tình Hong Kong trốn sang Đài Loan?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Chính quyền Đài Loan không xác nhận nhưng cũng chẳng phủ nhận các trường hợp người biểu tình Hong Kong trốn chạy tới hòn đảo này, nhưng khẳng định sẽ tiếp nhận và đối đãi dựa trên các nguyên tắc nhân đạo, nhân quyền.

Sợ bị truy tố, người biểu tình Hong Kong trốn sang Đài Loan? - Ảnh 1.

Một người biểu tình Hong Kong quá khích bị cảnh sát bắt giữ - Ảnh: REUTERS

Truyền thông Đài Loan ngày 19-7 đưa tin hơn 30 người Hong Kong đã tới Đài Bắc với lo sợ có thể bị truy tố vì đã xông vào và đập phá trụ sở Hội đồng lập pháp Hong Kong trong cuộc biểu tình hôm 1-7.

Trang Apple Daily của Đài Loan dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết nhóm này hiện đang được chia thành nhiều nhóm nhỏ hơn và được bố trí ở rải rác khắp hòn đảo. Một vài người trong số này nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ địa phương.

Hội đồng các vấn đề đại lục, cơ quan hoạch định chính sách về Trung Quốc của Đài Loan, không xác nhận cũng chẳng phủ nhận các thông tin trên. Thay vào đó, cơ quan này đưa ra một tuyên bố ngày 19-7 nhấn mạnh sẽ xử lý các trường hợp người biểu tình Hong Kong "theo các nguyên tắc bảo vệ nhân quyền và nhân đạo".

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho những người Hong Kong đang bị đe dọa an nguy và sự tự do vì lý do chính trị", Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan nhấn mạnh.

Sợ bị truy tố, người biểu tình Hong Kong trốn sang Đài Loan? - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn - Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau đó cũng lên tiếng ủng hộ. "Những người bạn đến từ Hong Kong sẽ được đối đãi chân tình dựa trên nguyên tắc nhân đạo", bà Thái nhấn mạnh trong lúc đang có chuyến thăm Saint Lucia trong vùng Caribê.

Trang Apple Daily dẫn các nguồn tin ẩn danh tiết lộ hiện có khoảng 30 người biểu tình Hong Kong nữa đang lên kế hoạch tới Đài Loan và ở lại vùng lãnh thổ này lâu dài. 

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, trong khi áp dụng nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" để quản lý Hong Kong kể từ khi tiếp nhận từ Anh năm 1997.

Hong Kong đã bị rung chuyển bởi những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối những sửa đổi trong dự luật dẫn độ giữa Trung Quốc và Hong Kong. Các cuộc biểu tình ôn hòa xen lẫn bạo lực khiến trung tâm tài chính hàng đầu châu Á bị tê liệt suốt nhiều ngày, khi các con đường chính bị người biểu tình phong tỏa.

Tình hình trở nên căng thẳng khi người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng lập pháp Hong Kong, đập phá và bôi bẩn trước khi lấy đi một số tài liệu hồi đầu tháng 7.

Đài Loan không có quy chế tị nạn chính trị, song thường tiếp nhận một số nhà bất đồng chính kiến từ các nước khác bằng việc cấp thị thực dài hạn cho họ. 

Chính quyền của bà Thái Anh Văn thể hiện sự ủng hộ với người biểu tình Hong Kong ngay từ lúc các cuộc biểu tình bùng phát, nhấn mạnh "một Đài Loan tự do ủng hộ một Hong Kong tự do".

Hong Kong: đến lượt

TTO - Trong khi những người tổ chức tuần hành nói có khoảng 9.000 người lớn tuổi tham gia cuộc tuần hành tối nay 17-7, cảnh sát nói con số thực chỉ khoảng 1.500 người.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0