Kể từ thời Frank Sinatra, định nghĩa về một siêu sao nhạc pop đã thay đổi hoàn toàn. Một siêu sao nhạc pop không chỉ là một tài năng âm nhạc, đó còn phải là một nghệ sĩ biểu diễn xuất chúng, người chiếm lĩnh mọi bảng xếp hạng, một hiện tượng xã hội, một biểu tượng thời trang.
Nếu xét tất cả những tiêu chí đó, V-pop hiện có bao nhiêu ngôi sao nhạc pop đích thực? Có lẽ không đếm hết một bàn tay, thậm chí có lẽ chỉ có Sơn Tùng M-TP.
Trailer phim tài liệu Sky Tour của Sơn Tùng M-TP
1. Khoảng ba năm qua, Sơn Tùng rất thận trọng trong việc ra mắt một sản phẩm. Anh chỉ ra sản phẩm khi anh chắc chắn nó sẽ đặt ra một tiêu chí mới, hoặc tiên phong một trào lưu mới, hoặc tạo nên một cột mốc mới.
Anh chọn đi theo con đường không có chỗ cho sự sơ sẩy. Chạy ngay đi là một trong những video được xem nhiều nhất trên YouTube thời điểm nó ra mắt. Hãy trao cho anh có sự góp giọng của rapper huyền thoại Snoop Dogg. Và lúc này, Sky Tour đánh dấu việc lần đầu tiên, một ca sĩ V-pop thực hiện và đưa một bộ phim tài liệu về tour diễn của mình lên màn ảnh rộng.
Là một bộ phim tái hiện về ba buổi diễn âm nhạc của Sơn Tùng trong năm 2019, nhưng có lẽ nó cũng là một ống kính phóng to lên cho chúng ta biết những tiểu tiết đã làm nên Sơn Tùng, và tại sao lại là Sơn Tùng chứ không phải ai đó khác.
Cái nhìn toàn cảnh về một tour diễn khiến ta cảm thấy một sự nhất quán giữa tất cả, từ cách anh cầm micro với một ngón tay trỏ luôn chĩa ra, từ cách anh tung hứng với cụm từ "tay chân đâu" để hấp dẫn, thậm chí là "thao túng" khán giả của mình, đến cách anh tạo kịch tính cho kịch bản chương trình khúc cuối hay cách anh vừa bộc lộ, vừa che giấu bản thân trước công chúng.
Và sợi dây nối tất cả những điều đó nằm ở chỗ: Sơn Tùng có ý thức về việc anh muốn, và đang là một ngôi sao nhạc pop - nghĩa là nhất cử nhất động của anh đều có ý đồ.
Điều đáng tiếc là, Sky Tour - theo môtip của mọi bộ phim tài liệu về các buổi biểu diễn âm nhạc trên đời - dù đã đặt hai Sơn Tùng cạnh nhau, một ngoài sân khấu và một trên sân khấu, nhưng lại không thể khắc họa sự tương phản rõ nét hơn giữa hai phiên bản ấy, khiến chân dung nhân vật một màu.
Sơn Tùng trong phim tài liệu Sky Tour công chiếu từ ngày 12-6 - Ảnh: MTPE
2. Martin Scorsese từng làm ba bộ phim tài liệu mẫu mực về những buổi diễn âm nhạc, và với mỗi phim, ông sử dụng một thủ pháp khác nhau để nhìn thấu nhân vật của mình.
Với The Last Waltz (1978), ông đối thoại sâu với các thành viên của nhóm The Band, và tạo cho họ một bầu không khí thoải mái để họ sẵn sàng ngả ngốn ngay trước máy quay mà trút bầu tâm sự.
Với Shine a light (2008), ông lại chèn những thước phim từ thời "trẻ trâu" của The Rolling Stones khi họ còn ngây thơ và chưa có tí ý thức nào về việc họ sẽ là ai, xen vào giữa những thước phim về buổi diễn năm 2006 của họ.
Còn với Rolling thunder revue (2019), ông vừa tái hiện, vừa hư cấu, vừa phóng tác để tạo nên một câu chuyện thật thật giả giả về tour diễn của Bob Dylan.
Cảnh trong phim Sky Tour
Sẽ là quá đáng nếu đòi hỏi một bộ phim tài liệu về Sơn Tùng M-TP có được chiều sâu như những bộ phim về những huyền thoại đã sống quá nửa đời người, đã quá rành về vinh quang và thất bại (và chưa kể đến tay nghề đạo diễn).
Nhưng yêu cầu cơ bản của một bộ phim tài liệu là cho ta biết những góc khuất mà ta chưa từng biết, thì Sky Tour Movie đã không làm được trọn vẹn.
Bộ phim cũng chạm tới những điều ít được nói ra ngoài, như chuyện tiền bạc, nỗi cô đơn, sự mệt mỏi, việc bị căm ghét, nhưng tất cả chỉ được lướt qua. Sơn Tùng có vẻ cầm chừng, đôi khi quá sáo mòn trong chia sẻ.
Ta mong đợi một điều gì đó kiểu như trong Homecoming, phim tài liệu về buổi diễn ở Coachella của Beyoncé, nơi những trăn trở sâu xa nhất, những trải nghiệm riêng tư và những vật lộn đời thường của cô được phơi lộ, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh quyền lực trên sân khấu.
Một ngôi sao nhạc pop còn phải là người có câu chuyện thú vị. Từ kẻ bị "ném đá" đến một thần tượng, Sơn Tùng có một câu chuyện như thế. Điều cần thiết là anh kể được nó ra.
Cảnh trong phim Sky Tour
Thiếu vắng thất bại
Về mặt kỹ thuật, Sky Tour có cấu trúc khá chuẩn với một phim tài liệu lưu diễn theo phong cách Âu Mỹ hay K-pop. Phim xen kẽ các đoạn phỏng vấn nhân vật với những cảnh hậu trường họp hành, tập luyện, dàn dựng sân khấu và điểm nhấn là những tiết mục biểu diễn trong chuyến lưu diễn. Riêng cách sắp xếp này đã mang tính kể chuyện.
Phần âm nhạc và biểu diễn sân khấu là điểm sáng của phim, phát lên ở những thời điểm phù hợp và dẫn dắt cảm xúc khán giả. Hầu hết ca khúc của Sơn Tùng M-TP đều quen thuộc với khán giả đại chúng, nên Sky Tour là bữa tiệc âm nhạc tại rạp, với những Chạy ngay đi, Chúng ta không thuộc về nhau, Em của ngày hôm qua, Remember me, Lạc trôi, Hãy trao cho anh...
Cảnh trong phim Sky Tour
Sky, cộng đồng hâm mộ Sơn Tùng M-TP, đã và sẽ tổ chức những buổi xem chung để "sing along" - hát theo các ca khúc trong phim. Đây là văn hóa cổ vũ đậm chất K-pop, tạo nên bầu không khí sôi động tại rạp.
Về nội dung, Sky Tour mang đến một Sơn Tùng như người truyền cảm hứng trong mọi vai trò: một ca sĩ, một thần tượng giải trí và một chủ tịch kiêm doanh nhân.
"Sơn Tùng rất thành công thì ai cũng biết rồi, nhưng sao trong phim không hề có thất bại nào đáng kể nhỉ?" - Thế Anh, một khán giả thích nhạc Sơn Tùng nhưng không thuộc cộng đồng Sky, nhận xét.
Quả vậy, phân đoạn duy nhất thể hiện những thất bại, cay đắng của Sơn Tùng lại là một VCR (video ngắn chiếu giữa các tiết mục trong buổi diễn) mang tính biểu tượng hơn là câu chuyện thật.
MI LY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận