20/07/2018 15:28 GMT+7

Sinh viên y lo sức khỏe cho dân

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Sao người dân ít tìm đến trạm y tế địa phương? Làm sao người dân tự chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn? Những câu hỏi dẫn lối các bạn trẻ đi tìm lời giải.

Sinh viên y lo sức khỏe cho dân - Ảnh 1.

Sinh viên ĐH Y dược TP.HCM tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho bà con tại Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

“Qua hoạt động tình nguyện, các giảng viên trẻ và sinh viên của trường có cơ hội rèn luyện, học tập, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, nâng cao kiến thức, tay nghề và chính là cùng góp phần thực hiện sứ mạng của nhà trường.

PGS.TS TRẦN DIỆP TUẤN (hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM)

Đề án chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 10.000 người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận được tổ chức Đoàn và Hội Sinh viên ĐH Y dược TP.HCM cho ra đời mà gần hai năm qua đã mang đến niềm vui cho bà con khó khăn ở nhiều nơi.

Nhu cầu được tư vấn

Khi những chuyến khám bệnh tình nguyện đã không còn xa lạ với bà con nhiều nơi, họ lại mong muốn được bác sĩ tư vấn nhiều hơn. Nâng cao hiệu quả tư vấn thay cho cách khám chữa bệnh thông thường được đặt ra trong mục tiêu hướng đến ngay khi xây dựng đề án trình nhà trường.

Sau nhiều phương án, 10 nội dung được chọn để thực hiện gồm: tầm soát huyết áp, đường huyết, loãng xương, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe răng miệng, vật lý trị liệu, tư vấn bệnh thường gặp...

Bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TP.HCM Trương Văn Đạt cho biết: "Chúng tôi muốn giúp người dân trang bị kiến thức, nâng cao việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, tầm soát đại trà những bệnh thường gặp để sớm phát hiện bệnh và hơn nữa là phòng tránh bệnh".

Câu lạc bộ Sức khỏe vàng hình thành gồm phần nhiều là sinh viên năm thứ tư trở lên, được tập huấn để có thể tư vấn cho bà con. Mỗi chuyến đi ngoài khám bệnh, ra toa thuốc, bác sĩ với phần nhiều các bác sĩ trẻ sẽ lắng nghe và tư vấn cho bà con nhiều hơn.

Sinh viên Phạm Tiểu Kiều tham gia CLB Sức khỏe vàng chia sẻ: "Trước mỗi chuyến đi đều có tập huấn, trong quá trình bác sĩ tư vấn cũng là lúc tụi mình nghe và học thêm, sau chuyến đi còn làm báo cáo nên tụi mình tranh thủ học thêm từ thực tế rất hữu ích như thế, có thêm thông tin để tư vấn cho bà con".

Sẵn sàng chuyển giao cách làm

Anh Trương Văn Đạt kể khi bắt tay vào đề án, khảo sát tại một số trạm y tế xã hầu như số người tìm đến điều trị khá khiêm tốn, có nơi cán bộ y tế "thất nghiệp" vì cả ngày chẳng có ai. 

Gặp trong một chuyến khám bệnh tại xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP.HCM), có người kể không tin việc điều trị ở trạm y tế xã, có khi chỉ bị đau bụng kéo dài là tự ra tiệm mua thuốc, không đỡ thì lên bệnh viện huyện.

Tuy nhiên, tình hình đã cải thiện khả quan hơn, khư khi thực hiện trạm y tế kiểu mẫu ở Củ Chi (TP.HCM), có ngày đến 20 người tìm tới kiểm tra sức khỏe, điều trị. 

PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiệu trưởng ĐH Y dược TP.HCM, nói lãnh đạo nhà trường đánh giá tốt kết quả đề án, hướng tới nhà trường tăng cường giảng viên trẻ, sinh viên tham gia học tập thực tế ở tuyến y tế cơ sở, đầu tư truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân cũng như hỗ trợ đào tạo liên tục cho nhân viên y tế cơ sở.

Anh Đạt cho biết đề án sẽ vẫn tiếp nối và chuyển hướng mới. "Chúng tôi đã chia sẻ cho một vài trường y khác cách làm, điều hành dự án và sẵn sàng chuyển giao cho bất cứ đơn vị nào có nhu cầu, càng nhân rộng mô hình này sẽ càng có nhiều người dân được hưởng lợi" - anh Đạt bày tỏ.

Hơn 12.500 người được chăm sóc

Dù đến cuối năm 2018 mới kết thúc đề án, song tính đến nay số người được thụ hưởng từ chương trình đã là 12.534 người (vượt dự kiến mục tiêu 10.000 người ban đầu).

Không chỉ người dân tại nhiều quận, huyện, công nhân, HSSV một số trường tại TP.HCM mà chương trình còn đến với nhiều tỉnh khác trên cả nước.

Ngoài khám phát thuốc, khám chữa răng và tầm soát 10 nội dung theo đề án còn chú ý việc tư vấn, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, sức khỏe sinh sản, tập huấn sơ cấp cứu, chống xâm hại tình dục, hướng dẫn chăm sóc vệ sinh cá nhân...

Các bạn còn thực hiện sản phẩm truyền thông với những thông tin hữu ích một số bệnh thông thường hay gặp, nhắc mọi người chú ý chăm sóc sức khỏe trong sinh hoạt hằng ngày.

Đó là bộ lịch treo tường tặng người dân, phiếu thông tin cho thí sinh và phụ huynh chương trình "Tiếp sức mùa thi", tập trắng với thông tin sức khỏe trên bìa tặng học sinh chuẩn bị năm học mới.

Thanh niên phải đi đầu thực hiện cống không rác, kênh không rác

TTO - Tại buổi ra quân Mùa hè xanh 2018 ngày 15-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh các bạn trẻ thành phố phải đi đầu thực hiện cuộc vận động cống không rác, kênh không rác để kéo giảm tình trạng ngập úng của thành phố.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên