Trường ĐH Tân Tạo tại tỉnh Long An - Ảnh: M.G. |
Chiều 7-11, nhóm sinh viên khoa y khóa 1 Trường ĐH Tân Tạo đã đến cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM gửi đơn kêu cứu và đề nghị bộ hỗ trợ cho phép sinh viên chuyển trường.
Lý do của nhóm sinh viên này là do trường đột ngột tăng học phí đến 49% so với năm trước, không minh bạch về bằng cấp, trù dập sinh viên khi có ý kiến trái chiều.
Song song đó, nhiều giảng viên, bao gồm cả phó khoa y (trưởng khoa đã bị cách chức - PV), cũng đồng loạt nộp đơn nghỉ việc để phản đối cách hành xử của nhà trường.
Không chấp hành chỉ đạo của Bộ GD-ĐT
Ngay trong chiều 7-11, phó hiệu trưởng ĐH Tân Tạo, ông Phạm Lộc đã ký thông báo kỷ luật những sinh viên khóa 1 tham gia ký đơn cầu cứu gửi Bộ GD-ĐT, vì lý do tự ý bỏ học. Thông báo cũng nói rõ: nếu sinh viên tiếp tục vi phạm, trường sẽ kỷ luật đuổi học và thông báo về địa phương.
Trước đó, 69 sinh viên ký đơn gửi đến Bộ GD-ĐT phản ảnh việc trường tăng học phí bất hợp lý, học phí học lại và thi lại quá cao, cắt học bổng... cũng bị trường này kỷ luật: không được tham gia các hoạt động viết sách, tham gia hội thảo, gạch tên khỏi các chuyến hội thảo trong nước và quốc tế dù sinh viên đã mua vé máy bay.
Theo các sinh viên, trường hiện không có hiệu trưởng, còn ba phó hiệu trưởng không ai được đào tạo về Trong khi đó, trưởng phó khoa y và nhiều giảng viên vốn là những chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện, trường ĐH đã nộp đơn xin nghỉ việc. Bằng tốt nghiệp trường cấp cho sinh viên không đúng quy định (do chủ tịch hội đồng quản trị ký), không được công nhận tại Việt Nam.
Hơn nữa, chính sách học phí thiếu nhất quán của trường khiến nhiều sinh viên không kham nổi. Theo đó, học phí năm học này tăng đến 49% so với những năm học trước (đối với sinh viên khóa 1, 2).
Không chỉ tăng mạnh học phí, phí học lại, thi lại cũng tăng cao ngất ngưởng và vô cùng bất hợp lý. Theo sinh viên, bình quân mỗi năm học sinh viên sẽ học khoảng 15 môn học và học phí là 6.122 USD (theo mức học phí mới). Trong khi đó, học phí học lại và thi lại mỗi môn của ngành y lên đến 3.060 USD. Nếu chỉ thi lại mà không học lại, học phí cũng lên đến 1.020 USD/môn.
Lúc sinh viên mới vào, trường chỉ thông báo mức học phí 4.122 USD/năm (chưa tính chi phí khác) và không nói gì về việc tăng học phí. Trường có thông báo cấp học bổng nhưng chỉ sau một năm, điểm nhận học bổng liên tục tăng từ 3,6 lên 3,8 và năm nay là mức điểm tuyệt đối 4,0!
Sau khi báo chí phản ánh những bất hợp lý này, ngày 3-10-2016 Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo trường phải cấp bằng theo đúng quy định (do hiệu trưởng ký), phải thực hiện công khai học phí toàn khóa học theo đúng quy định.
Thế nhưng theo sinh viên, ngày 8-10, trong lễ tốt nghiệp, trường này vẫn tiếp tục cấp bằng “kiểu Mỹ” do bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị - ký. Trong khi đó, đại diện nhà trường cho rằng trường tăng học phí như vậy là không sai.
Ngoài ra, ngay cả khi sinh viên chuyển trường, trường cũng yêu cầu bồi thường mức học bổng đã cấp (chi phí đào tạo theo trường là 21.000 USD/năm, trường chỉ thu 4.122 USD những năm trước, năm nay là 6.122 USD, sinh viên phải bồi thường chi phí còn lại - PV). Thậm chí, nhà trường còn dọa đưa sinh viên ra pháp luật nếu tiếp tục có những hành động ký tên phản đối nhà trường.
Theo đơn kêu cứu của sinh viên, bằng cấp cho sinh viên phải đúng theo quy định; các chính sách về học bổng, học phí, học lại, thi lại giữ nguyên như khi sinh viên vào trường. Sinh viên còn kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện để sinh viên chuyển sang trường khác có đào tạo ngành y mà không phải bồi hoàn cho ĐH Tân Tạo.
Ngoài đơn của sinh viên, 70 phụ huynh cũng có đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT xin chuyển trường cho con và giải thể ĐH Tân Tạo.
Giảng viên nghỉ việc vì bất bình
Trước chính sách học phí bất hợp lý, trù dập sinh viên có ý kiến trái chiều, việc quản trị nhà trường không đúng quy định (không có hội đồng trường với sự tham gia của giảng viên, nhiều năm liền không có hiệu trưởng), trong tháng 10-2016, tập thể gần 20 giảng viên khoa y đã có đơn gửi Bộ GD-ĐT phản ảnh những việc này và đề nghị can thiệp.
Thế nhưng, tình hình vẫn không có gì thay đổi, trường không chấp hành chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Điều này khiến nhiều giảng viên bất bình, cảm thấy bị xúc phạm nên nộp đơn nghỉ việc. Ông Phạm Hùng Vân - phó trưởng khoa y - cho biết ngoài ông còn có bốn giảng viên khác là những giáo sư, phó giáo sư và bác sĩ chuyên khoa 2 nộp đơn nghỉ việc.
Trong thư gửi bà Yến, ông Phạm Hùng Vân nêu hàng loạt bất hợp lý tại trường này hiện nay. Theo đó, “bản thân tôi rất quan ngại về vấn đề bằng cấp của các em sinh viên tốt nghiệp khoa y, mà mối quan ngại này hiện nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Hai năm nữa sinh viên khoa y có lớp tốt nghiệp đầu tiên, mà bằng bác sĩ chỉ có thể là bằng Việt Nam, thế thì trường đã lo đến chưa? Và tôi chưa thấy có câu trả lời rõ ràng về việc này. Tôi cũng rất quan ngại, vì hiện nay bộ máy điều hành của trường vẫn chưa có hội đồng trường được Nhà nước chấp nhận, chưa có hội đồng giáo sư để có thể có các quyết sách về khoa học và giáo dục”.
Ông Vân thẳng thắn: “Các chính sách về đào tạo, tuyển sinh đều là từ các suy nghĩ hết sức chủ quan, thiếu thực tế của lãnh đạo nhà trường; và các ý kiến này đều được xem là mệnh lệnh để chúng tôi thi hành mà không hề chấp nhận sự phản biện nào. Bản thân chúng tôi cùng gần 20 giáo sư, phó giáo sư, giảng viên ký vào thư gửi đến Bộ GD-ĐT để mong bộ lưu ý ĐH Tân Tạo thay đổi cung cách quản lý hiện nay, nhằm đưa nhà trường trở lại đúng là một môi trường giáo dục và học thuật”.
Bộ GD-ĐT thanh tra ĐH Tân Tạo Bộ GD-ĐT vừa có quyết định thanh tra ĐH Tân Tạo. Đoàn thanh tra gồm nhiều vụ khác nhau của bộ, sẽ tiến hành thanh tra trường vào ngày 10-11. Trước đó, ngay sau khi báo chí phản ánh, Sở GD-ĐT Long An đã có quyết định thanh tra ĐH này vào ngày 29-9. Việc thanh tra tập trung vào các nội dung: điều kiện mở ngành đào tạo; việc in, cấp phát văn bằng, chứng chỉ; việc thu học phí. Tuy đã có quyết định nhưng việc thanh tra sau đó đã bị hoãn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận