Giữa nhiều bạn trẻ đến từ các quốc gia châu Á, Nguyễn Minh Huyền và Nguyễn Thị Hồng Nhung, sinh viên khoa báo chí - truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), đã trình bày những ý tưởng "xanh hóa" ngôi trường mình đang học.
Trong sáu tuần tham gia học bổng NUS Asian Fellowship Programme 2023 của Đại họcQuốc gia Singapore (NUS), Minh Huyền và Hồng Nhung đã dồn tâm huyết cho dự án xanh hóa trường đại học.
Phải có tính thực tiễn
* Trong chương trình tại NUS, các bạn được học những gì?
- Minh Huyền: Chúng mình có một tuần học tại NUS, năm tuần làm dự án tại Việt Nam và báo cáo với các chuyên gia Singapore. Chủ đề chung của chương trình là tận dụng sức mạnh của sự đa dạng trong phát triển bền vững.
Tuần đầu tại Singapore, chúng mình được học nhiều kiến thức về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn cũng như cách tiếp cận những giải pháp với môi trường trong trường đại học...
* Không ít người hoài nghi với những chương trình học, lớp đào tạo, tập huấn về môi trường bởi dường như những gì thu được khó áp dụng vào thực tiễn. Các bạn có cảm thấy như vậy không?
- Minh Huyền: Đó cũng là trăn trở của nhiều học viên sau khi kết thúc một số buổi học đầu tiên. Nhiều người bạn quốc tế băn khoăn những kiến thức mình học về môi trường, về sống xanh, về bền vững liệu có thể áp dụng được vào thực tiễn hay không, trước hết là ngay trong khuôn viên trường đại học?
Các giảng viên NUS nói một câu mà mình rất nhớ: "Muốn các dự án môi trường có hiệu quả thì thứ nhất phải có kinh phí, thứ hai là nên bắt đầu từ những hoạt động cụ thể cho hiệu quả có thể nhìn thấy được".
Về kinh phí, nguồn thu học phí của NUS khá cao và có thêm nguồn từ sinh viên quốc tế. Một cách thu hút tài chính khác mình thấy khá hay là huy động nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng cựu sinh viên. Những công trình, dự án xanh trong nhà trường thường gắn với những nhóm cựu sinh viên hoặc những doanh nghiệp có tâm huyết với giáo dục và môi trường.
Về hoạt động cụ thể, tòa nhà net-zero (trung tính carbon) trong khuôn viên NUS là một ví dụ. Tòa nhà này được xây dựng từ năm 2019, với kiến trúc tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên, bao quanh là những mảng cây xanh. Trên nóc tòa nhà là hệ thống pin năng lượng mặt trời cung cấp cho hoạt động của chính tòa nhà.
Nguồn năng lượng mà tòa nhà tiêu thụ luôn được kiểm soát ở mức thấp do phần lớn tận dụng năng lượng thiên nhiên. Từng khu vực của tòa nhà đều có hệ thống điều khiển thông minh giúp làm thay phần việc của con người để điều chỉnh hệ thống đèn, điều hòa sao cho tối ưu.
Các chuyên gia Singapore chia sẻ sự bền vững chỉ thật sự... bền vững khi con người phải dùng ít công sức nhất. Một giải pháp nếu tiết kiệm năng lượng nhưng lại tốn quá nhiều sức người để vận hành, bảo trì thì cũng không được coi là bền vững.
Chia nhỏ vấn đề
* Các bạn đem đến Singapore ý tưởng gì để thúc đẩy chuyện phát triển bền vững trong các đại học Việt Nam?
- Hồng Nhung: Một phương pháp chúng mình rút ra được từ Singapore là đưa ra được những định lượng cho cả nguyên nhân vấn đề lẫn giải pháp. Vậy là chúng mình nghiên cứu số lượng trung bình rác thải từ ly nước trong một tháng tại cơ sở của trường ở quận 1, TP.HCM.
Tổng ly nước mỗi tháng trung bình sinh viên tiêu thụ là 24.900 ly, được chúng mình khảo sát từ bốn nguồn chính: từ quán cà phê trong khuôn viên trường (21,1%), máy bán hàng tự động (10,9%), cửa hàng tiện lợi cạnh trường (33,1%) và các hàng nước rong (34,9%).
Chúng mình phân các loại rác thải, từng loại như thế sẽ ứng với một loại giải pháp lớn. Chẳng hạn với nhựa PS, những ly nhựa, giải pháp lớn là dùng ly giấy hoặc mang theo bình cá nhân. Với nhựa PET, giải pháp lớn là thay đổi cách đóng chai hoặc trữ lại những ly giấy có thể dùng lại. Chúng mình sẽ điểm lại xem giải pháp lớn nào có thể tác động đến nhiều nguồn nguyên nhân nhất, đó là giải pháp mang theo bình cá nhân.
Từ giải pháp lớn này, chúng mình muốn có những giải pháp cụ thể: Muốn sinh viên mang theo bình cá nhân, phải làm thế nào? Chúng mình sử dụng phương pháp nhị nguyên, đặt ra những giả thiết có - không.
Chẳng hạn, từ gốc là mang theo bình cá nhân, mình phân thành nhóm sinh viên có bình và không có bình. Ở nhóm có bình, mình lại phân nhóm mang bình đến trường và không mang bình đến trường. Trong nhóm không mang bình đến trường, mình phân tiếp thành nhóm có ý định mang bình nhưng không mang và nhóm không có ý định mang bình.
Cứ thế, chúng mình chia thật nhỏ vấn đề ra và xác định nguyên nhân cho từng phần nhỏ. Chẳng hạn, với nhóm không có ý định mang bình, thường có ba nguyên nhân chính: sợ sẽ rò rỉ nước, sợ bình tốn nhiều diện tích, sợ không có chỗ rửa bình. Ở mỗi nguyên nhân được chia ra rất nhỏ như thế, chúng mình đề xuất một giải pháp cụ thể tương ứng.
Cuối cùng, bọn mình có được bốn giải pháp cụ thể: một là cấp bình cho sinh viên, hai là có chương trình khuyến mãi cho sinh viên khi mang bình, ba là có một chương trình tích điểm sống xanh như điểm rèn luyện cho các sinh viên mang bình, bốn là dựng những bồn rửa bình.
* Theo các bạn, thói quen của những người trẻ có dễ thay đổi với những giải pháp hay hoạt động phát triển bền vững hay không?
- Minh Huyền: Nhiều bạn thời gian đầu sẽ rất vui, hào hứng nhưng không ít bạn càng về sau càng mất hứng thú. Mình nghĩ có hai lý do. Một là do từ đầu chưa hiểu đúng về các hoạt động nên về sau cảm thấy không có được kết quả và bắt đầu thấy hơi chán. Hai là thiếu động lực. Động lực có thể đến từ việc bắt buộc như Singapore cấm ăn kẹo cao su, hoặc đến từ việc khuyến khích.
Trong môi trường đại học Việt Nam, việc khuyến khích tốt nhất là lấy sinh viên làm trung tâm. Ví dụ, các sinh viên có thể tham gia những cuộc trồng cây xanh trong trường một hai lần rồi thôi vì không thật sự gắn bó.
Nhưng nếu thay bằng hoạt động sinh viên đến đổi pin, đổi chai nhựa để lấy cây, chắc chắn các bạn sẽ tham gia nhiều hơn. Hoặc có thể lắp một vài tấm pin điện nhỏ ở nhà xe và sinh viên đi xe điện có thể sạc miễn phí...
Tìm giải pháp cho phát triển bền vững
NUS Asian Fellowship Programme là một chương trình thường niên của Đại học Quốc gia Singapore dành cho sinh viên các nước châu Á. Người tham gia sẽ được học hỏi về phát triển tính bền vững và các vấn đề liên quan như nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng, tư duy thiết kế và bức tranh mô hình kinh doanh xã hội. Từ đó, sinh viên được hướng dẫn để phát triển một đề xuất thực tiễn về phát triển bền vững cho chính trường đại học của họ.
* Trong chương trình, những dự án của các sinh viên quốc tế khác có gì thú vị?
- Minh Huyền: Một nhóm sinh viên từ Nhật đã đưa đến giải pháp giảm điện một khoa trong trường đại học. Các bạn tính toán đo lường từng thiết bị điện trong các phòng học và đưa ra những giải pháp cho từng nguyên nhân. Cuối cùng, các bạn đã trình với ban giám hiệu nhà trường xem đâu là thiết bị đang tốn điện nhất và nếu áp dụng biện pháp của các bạn thì sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm lượng điện tiêu thụ.
Các bạn từ Malaysia thì xây dựng một hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường cho sinh viên di chuyển trong nội khu trường đại học. Hay một nhóm khác từ Việt Nam đề xuất phương án lắp điện mặt trời cho ký túc xá để phòng những khi bị cắt điện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận